Bài 1: Mô hình thiện nguyện mới ở Quảng Bình: "Của cho không bằng cách cho"

Để hoạt động thiện nguyện thực sự hiệu quả và nhân văn
Thứ hai, 10/05/2021 16:13
(ĐCSVN) – Non nửa năm sau trận lũ kinh hoàng hồi tháng 10/2020, đoàn công tác của chúng tôi có dịp quay lại Quảng Bình. Nhịp sống đang trở lại bình thường sau những ngày thiên tai, thảm họa dồn dập khi bão chồng bão, mưa lớn gây lũ lụt, sạt lở đất... đã gây nên những tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản nơi đây.
Nhận thùng hàng cứu trợ gia đình do Dự án cấp phát (Ảnh: HNV) 

Theo chân cán bộ “Dự án Cứu trợ Nhân đạo và Phục hồi sau Lũ miền Trung Việt Nam” do Chính phủ Canada, Liên minh Cứu trợ Hà Lan (thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan) và Oxfam tài trợ và triển khai, đoàn chúng tôi đã xuống địa bàn xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình - một trong các điểm đang được cán bộ dự án của Trung tâm Phát triển Cộng đồng Hà Tĩnh bám sát để triển khai các hoạt động liên quan gồm có: truyền thông vệ sinh môi trường lồng ghép với phòng chống dịch bệnh COVID-19; tiến hành “Lao động đổi công”; cấp phát các gói hỗ trợ đồng thời thực hiện 2 gói tư vấn nước sạch và sinh kế.

Được hưởng lợi trực tiếp từ Dự án, chị Nguyễn Thị Phú, nữ chủ hộ khuyết tật tham gia “lao động đổi công” tại thôn Cao Cảnh xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình chia sẻ: “Nhờ có dự án mà gia đình mình được hỗ trợ tiền công lao động, thôn mình có đường đi đẹp. Ở trong thôn, Dự án giúp cho nhiều hộ khó khăn nhận tiền mặt không điều kiện, bộ dụng cụ vệ sinh phụ nữ, bồn chứa nước, thau, gáo, xô đựng nước, được đi học rửa tay sát khuẩn, phòng chống COVID-19. Cái gì cũng thiết thực hết”.

Trực tiếp chứng kiến cảnh lao động hăng say của các hộ dân tại Cao Cảnh, Cao Quảng (Tuyên Hóa, Quảng Bình) với một hợp phần dự án là “lao động đổi công”, những tiếng cười vang của các hộ dân đang làm con đường dẫn vào vùng sản xuất nông nghiệp của thôn đã lan tỏa niềm vui chung. Ai ngờ được, chỗ này cách đây gần nửa năm, lũ lụt đã hoành hành và gây ra nhiều thiệt hại, mất mát. 70 hộ có đất sản xuất và 36 hộ hiến đất, làm đường để đi vào vùng sản xuất dễ dàng hơn. Mọi người đều sẵn sàng tự nguyện hiến đất, người hiến nhiều nhất 1.700m, ông Nguyễn Văn Liêm, 59 tuổi tâm sự: “Mỗi khi vào mùa làm vườn, chúng tôi đi lại và thu hoạch rất vất vả. Có dự án hỗ trợ và nhận thấy con đường này rất có ích, chúng tôi phấn khởi triển khai ngay”.

Bà con đang thực hiện "Lao động đổi công" tại thôn Cao Cảnh, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình (Ảnh: HNV) 

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Quảng chia sẻ, xã tiếp nhận chương trình cứu trợ và đồng quan điểm của Dự án vì sau bão lũ, đây cũng là một trong những địa phương chịu nhiều tác động nặng nề. Chương trình hoạt động duy trì trong thời gian dài và bà con phấn khởi vì được nhận hỗ trợ theo một cách mới mẻ. Đặc biệt, quy trình bình xét được làm chặt chẽ, cân đối hiệu quả… “Tiến hành “lao động đổi công” thay vì phát tiền hay hiện vật cứu trợ thì người dân vừa trực tiếp lao động vừa được nhận tiền mà lại có con đường khang trang đi vào vùng sản xuất thuận lợi hơn”- ông Huy nói.

Ông Lê Văn Định, Giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng Hà Tĩnh (HCCD) cho biết: “Chúng tôi đã học được phương pháp triển khai cứu trợ có sự tham gia của người dân từ Oxfam và nhất định sẽ áp dụng trong tương lai. Chúng tôi thấy cách làm này được cộng đồng ủng hộ”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc quốc gia Oxfam tại Việt Nam nhấn mạnh, trong thời gian qua, dù đã đạt được những thành tựu tốt trong phát triển nhưng Việt Nam vẫn còn rất nhiều người nghèo ở các vùng nông thôn, miền núi và ven biển đặc biệt là các cộng đồng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và các sự cố nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của mỗi người dân thì việc phát huy tính tương thân, tương ái; “lá lành đùm lá rách” là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giúp người nghèo và những người chịu hậu quả của thiên tai, dịch bệnh vượt lên khó khăn nhằm ổn định cuộc sống và phát triển. 

Cũng theo ông Phạm Quang Tú, hiện nay, Việt Nam đã đạt tới ngưỡng quốc gia thu nhập trung bình nên các nguồn cứu trợ và hỗ trợ phát triển từ nước ngoài cho Việt Nam đang có xu hướng giảm mạnh. Thế nhưng, bên cạnh đó, một tín hiệu đáng mừng là công tác thiện nguyện, cứu trợ, nhân đạo trong nước đang có xu hướng tăng lên. Điều này đã được minh chứng rõ ràng trong quá trình cứu trợ bão lũ cho đồng bào miền Trung vào cuối năm 2020 vừa qua. Để tiếp tục phát huy truyền thống này, Việt Nam cần xây dựng một hành lang pháp lý đủ rộng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ hằng ngày và cứu trợ mỗi khi xảy ra thiên tai, sự cố lớn.

 Ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc quốc gia Oxfam tại Việt Nam trao đổi với đoàn công tác (Ảnh: HNV)

Ông Phạm Quang Tú cho rằng, hơn 10 năm qua, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (Nghị định 64) đã tạo khuôn khổ pháp lý giúp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan huy động, phân phối và sử dụng các nguồn lực để hỗ trợ cho người dân khắc phục hậu quả, góp phần ổn định cuộc sống sau thiên tai, sự cố dịch bệnh; đồng thời khuyến khích sự chung tay đóng góp của cộng đồng cho các hoạt động thiện nguyện, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy Nghị định này cũng đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi. Ngày 23/10/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 8876/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64 và ngày 25/12/2020, Bộ Tài chính đã công khai bản dự thảo trên cổng thông tin của Bộ để lấy ý kiến nhân dân theo quy định của pháp luật. “Thông qua việc triển khai dự án lần này, chúng tôi mong muốn việc sửa đổi, bổ sung Nghị định sẽ gắn sát thực tiễn công tác cứu trợ, viện trợ nhân đạo, các hoạt động thiện nguyện nở rộ trong xã hội hiện nay. Đồng thời, nhân dịp này, chúng tôi cũng đề xuất Chính phủ nghiên cứu, chuẩn bị Luật về tổ chức và hoạt động thiện nguyện, phi lợi nhuận” – Phó Giám đốc Oxfam chia sẻ.

Nói về việc nhận cứu trợ thiện nguyện trên địa bàn huyện thời gian qua, ông Hồ Vũ Thường, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết, thực tế, ở Tuyên Hóa nói riêng và Quảng Bình nói chung, hoạt động từ thiện đã trở thành một phong trào sâu rộng trong xã hội, thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân nhằm kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ, động viên những người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, từ diễn biến gần đây, bên cạnh các cá nhân, đơn vị, tổ chức làm thiện nguyện xuất phát từ mục đích trong sáng, nhân văn, đã và đang xuất hiện một số đối tượng lợi dụng từ thiện để trục lợi, đánh bóng bản thân, làm từ thiện không đúng cách... nên đã gây ra không ít hệ lụy. Thêm vào đó, việc tuyên truyền, tung hô quá đà, thậm chí lạm dụng, hiểu và làm sai mục đích nhân văn trong hoạt động từ thiện của một số cá nhân, tổ chức đã là cái cớ để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để công kích Ðảng, chế độ, gây mất đoàn kết cộng đồng.

Thực trạng trên cho thấy một hiện tượng là lâu nay phần lớn việc làm từ thiện của một số tổ chức, cá nhân còn có tính tự phát, mạnh ai nấy làm, nên đôi khi chưa phát huy hết được hiệu quả như mong muốn. Do đó, ông Thường kiến nghị, trong thời gian tới, các hoạt động thiện nguyện cần có sự chấn chỉnh sao cho đúng luật pháp, phù hợp với các quy tắc về văn hóa, đạo đức, có cơ chế giám sát chặt chẽ.

Cũng theo Phó Chủ tịch huyện, người làm từ thiện cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương để rà soát, lập danh sách chính xác về trường hợp đủ tiêu chuẩn nhận cứu trợ, cũng như nội dung cần cứu trợ. Tránh việc làm tự phát, cảm tính, tạo nguy cơ gây mất đoàn kết và có thể thành cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng, công kích, xuyên tạc./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực