Bài 2: Cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội: Người dân muốn có lộ trình cụ thể

Thứ hai, 20/06/2016 14:58
(ĐCSVN) - Tại Hà Nội hiện nay, nhiều người dân vẫn đang phải sinh sống trong những căn hộ chung cư tuổi đời lên tới nhiều chục năm, được đánh giá với mức độ D – mức độ “đặc biệt nguy hiểm”, trong khi chờ đợi một hướng giải quyết từ chính quyền và những bên liên quan.

Bài 1: Hà Nội: Thực trạng xuống cấp đáng báo động của những chung cư cũ

 Vết nứt giữa hai tòa nhà chung cư G6A và G6B Tập thể Thành Công đã có từ lâu và ngày càng gia tăng.

Ngày 19/2/2016, UBND thành phố Hà Nội cho biết, căn cứ đề xuất của Sở Xây dựng Hà Nội về việc xử lý kết quả kiểm định, đánh giá chất lượng hiện trạng các nhà chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô, UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương lập phương án hỗ trợ, di dời các hộ dân đang sinh sống tại 2 nhà chung cư cũ nguy hiểm mức độ D (mức độ nguy hiểm cao nhất theo thang tiêu chuẩn an toàn kết cấu công trình) nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Đó là nhà A Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh (đơn nguyên 1) và nhà G6A Thành Công, phường Thành Công (đơn nguyên 1, 2). 

Trao đổi cùng phóng viên, ông Nghiêm Xuân Tuy - Trưởng Ban Công tác mặt trận địa bàn dân cư số 12, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội sống tại căn hộ 308, chung cư G6A Thành Công cho biết: Theo quyết định số 2000 của UBND thành phố Hà Nội thì chúng tôi cũng nắm được tinh thần của lãnh đạo thành phố trong việc chuẩn bị cho di dời các hộ dân tại một số căn chung cư đang được xếp loại D trên địa bàn quận Ba Đình. Về cơ bản, chủ trương của Nhà nước đưa ra thì phía người dân cũng sẵn sàng để di dời khi có thông báo của cơ quan chức năng. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay (11/5/2016) chúng tôi cũng nhận được thông báo cụ thể về việc đi như thế nào, tạm cư ở đâu, thời hạn tạm cư trong bao lâu.

Theo như trao đổi của ông Tuy: “Người dân tại khu chung cư mong muốn phía cơ quan quản lý Nhà nước có một thời hạn tạm cư cụ thể, một chủ đầu tư có đủ năng lực tài chính, năng lực về mặt kỹ thuật để thời gian thi công tái thiết lại khu chung cư có thể nhanh hơn”. Ông Tuy cho biết, khu chung cư C1 Thành Công được tháo dỡ từ năm 2008, tuy nhiên cho đến 2 năm gần đây mới lại được tiếp tục thi công, trong khi người dân sống tại khu chung cư C1 Thành Công vẫn đang sống tại những khu tạm cư, cùng với cuộc sống bị đảo lộn trong suốt thời gian đó.

Đánh giá về mức độ nguy hiểm của căn chung cư G6A này, ông nói: Vết nứt giữa hai tòa nhà ở khu vực chung cư G6A này cũng đã có từ lâu, chúng tôi ở đây lúc đầu thì cũng khá lo ngại, tuy nhiên về sau cũng quen dần. Nhưng xét cho cùng thì tuổi đời của tòa nhà này cũng đã rất nhiều năm, không thể biết trước được điều gì xảy ra. Chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý nhà nước sớm có những biện pháp cụ thể để tháo gỡ tình trạng này...

Với một trường hợp khác, khu chung cư C8 – Giảng Võ, theo một số người dân sống tại đây cho biết, mặc dù không nằm trong diện đánh giá mức độ đặc biệt nguy hiểm, tuy nhiên, một số năm trở lại đây, phần cầu thang số 3 của căn chung cư này có hiện tượng lún, nứt. Sau khi phát hiện sự việc trên, chính quyền địa phương đã cho gia cố toàn bộ phần cầu thang số 3 của căn nhà này bằng những thanh dầm thép lớn, cho tới thời điểm hiện nay, ngoài sự việc trên cư dân trong tòa nhà chưa gặp phải sự cố nào nguy hiểm.

Anh Nguyễn Văn Thu, cư dân sống tại số nhà 318 – khu chung cư C8, Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội

Trao đổi cùng chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thu, cư dân sống tại tòa nhà này cho biết: Hiện nay chúng tôi cũng nhìn nhận sự xuống cấp của căn nhà. Chúng tôi rất đồng tình với chủ trương của Nhà nước trong việc cho người dân thỏa thuận cùng với doanh nghiệp để xây dựng, sửa chữa lại căn hộ chung cư đã cũ. Nhưng chúng tôi muốn các cấp quản lý có một lộ trình cụ thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào thỏa thuận với người dân, đứng ra bảo lãnh hoặc cam kết thời gian để chúng tôi có thể quay trở lại tái định cư. Cứ như hiện nay chỉ thông báo di dời, mà không có một lộ trình cụ thể nào thì chúng tôi không thể di dời như vậy, vì ai biết trước được đến bao giờ mới được trở lại đây.

Anh Thu cũng cho biết thêm, cách đây khoảng gần 1 năm, đã có môt nhà đầu tư đã tới khu chung cư đặt vấn đề xin lập dự án xây dựng lại, phía nhà đầu tư này đã khảo sát cụ thể và có một số thỏa thuận với cư dân tại đây, theo biểu quyết của người dân, có tới hơn 80% các hộ dân tại khu chung cư nhất trí với việc xây dựng lại khu chung cư này. Tuy nhiên cho đến nay, không hiểu vì lý do gì mà không thấy phía nhà đầu tư kia quay lại để làm việc tiếp.

Chị P, một cư dân của tòa nhà cho tâm sự: Nhà đã xuống cấp, người dân rất mong là được xây dựng lại, mong muốn có chủ đầu tư vào thỏa thuận với người dân. Bởi chúng tôi rất khó khăn mới có một căn hộ tại đây, bây giờ lại bảo di dời mà không biết đến bao giờ được quay lại thì chắc chắn là không ai muốn! – Chị P nói.

Theo báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay tại Hà Nội có hơn 1.516 chung cư cũ có chiều cao từ 3 đến 5 tầng, hầu hết được xây dựng từ những năm 1960 đến khoảng 1990. Ngoài ra thậm chí có một số còn được xây dựng từ trước năm 1950. Trong tổng số quỹ nhà chung cư nói trên có 273 nhà lắp ghép tấm lớn, 856 nhà xây gạch, 193 nhà khung bê tông cốt thép, còn lại là các nhà kết cấu khác.

Những chung cư cũ này thường nằm tập trung tại các quận cũ của Hà Nội như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng. Điều đáng chú ý, đa phần các căn chung cư cũ này đều đã hết niên hạn sử dụng, đã xuất hiện tình trạng nguy hiểm và cần phương án cải tạo, khắc phục ngay.

Cho đến nay đã gần 10 năm kể từ khi Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội phê duyệt phương án cải tạo chung cư cũ, tuy nhiên số lượng những chung cư được cải tạo và tái định cư cho đến nay là rất ít. Đa số người dân sống tại những căn chung cư cũ đều mong muốn Nhà nước đẩy nhanh tiến độ và có cơ chế rõ ràng trong việc xây dựng chung cư mới, cũng như có lộ trình cho việc tạm cư, tái định cư, đảm bảo quyền lợi cho cho các hộ dân ./.

Bài, ảnh: Vũ Hoàng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực