Các dự án không triển khai, sẽ xử lý, thu hồi

Thứ ba, 09/08/2022 22:14
(ĐCSVN) – Hà Nội hiện có hơn 700 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai với diện tích hơn 5.000 ha. Quá trình xử lý về cơ bản tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để các dự án đi vào hoạt động, nhưng với các dự án chủ đầu tư cố tình không triển khai, sẽ phải xử lý, thu hồi.
Cuộc họp của Ban Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội. 

Chiều 9/8, Ban Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội tổ chức họp bàn về giải pháp thực hiện. Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Hơn 700 dự án với hơn 5.000ha chậm triển khai

Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành phố Hà Nội Bùi Duy Cường cho biết, thời gian qua, Tổ công tác liên ngành thành phố đã tổ chức làm việc với UBND các quận, huyện, thị xã để kiểm tra, rà soát, hậu kiểm và phân loại các dự án. Qua rà soát, toàn thành phố có hơn 700 dự án với hơn 5.000ha chậm triển khai.

Trong đó, đối với 135 dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, sau Nghị quyết số 04/NQ-HĐND, ngày 8/4/2022, Sở tiếp tục báo cáo UBND TP chấm dứt hoạt động dự án theo quy định đối với 7 dự án. Tính lũy kế kết quả xử lý đến nay, có 68 dự án đã xử lý xong.

Với 67 dự án còn lại đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, rà soát, đề xuất xử lý, trong đó, 14 dự án đã báo cáo đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật; 11 dự án mới có văn bản chấp thuận cho nhà đầu tư nghiên cứu lập dự án, văn bản lựa chọn chủ đầu tư nhưng chưa có dự án được chấp thuận; 42 dự án còn lại đang tiếp tục rà soát, phân loại để báo cáo đề xuất.

Giám đốc Sở TN&MT thành phố Hà Nội Bùi Duy Cường cho biết, đối với 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đến nay, đã xử lý xong 213 dự án. Trong đó, có 105 dự án với tổng diện tích 299ha đất, sau thanh tra kiểm tra Chủ đầu tư đã chủ động khắc phục các tồn tại đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai; 37 Dự án với tổng diện tích 1.878ha đất, kiến nghị trình UBND TP thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động dự án.

Đối với 191 dự án còn lại, Tổ công tác liên ngành Thành phố đã tổ chức làm việc trực tiếp với từng quận, huyện, thị xã để phân loại thành 9 nhóm dự án và phân công các sở, ngành và các quận, huyện, thị xã khẩn trương thực hiện.

Cũng theo Giám đốc Sở TN&MT, trong Quý III/2022, đối với các dự án theo kiến nghị của Đoàn Giám sát HĐND Thành phố, Sở sẽ tập trung tổ chức thực hiện kiểm tra, rà soát, hậu kiểm ngay và có kết luận cụ thể đối với từng dự án xong trong Quý III/2022.

Trong đó, 173 dự án còn lại đang được UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục đề xuất xử lý, Tổ công tác liên ngành thành phố đã làm việc trực tiếp với UBND các quận, huyện, thị xã để rà soát cụ thể từng dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật theo giai đoạn. Sở Tài nguyên và Môi trường đã phân loại, phân công thực hiện xử lý 173 dự án thành 7 nhóm cụ thể. Trên cơ sở đó, UBND thành phố phân công các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã xử lý đối với từng nhóm.

Tiếp tục kiểm tra các dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 700 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai với diện tích hơn 5.000 ha nằm tại các địa bàn quận, huyện.

 Chủ tịch UBND thành phố  Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông cho biết, việc xử lý các dự án này đã được HĐND thành phố giám sát qua nhiều nhiệm kỳ. Quá trình xử lý về cơ bản tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để các dự án đi vào hoạt động, giải phóng nguồn lực về tài chính, đất đai, tạo không gian phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Với các dự án chủ đầu tư cố tình không triển khai, sẽ phải xử lý, thu hồi.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn đề nghị tiếp tục kiểm tra, rà soát, tổng hợp các dự án thuộc đối tượng chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng; đồng thời cần tiếp tục rà soát những dự án đầu tư bị ảnh hưởng từ việc chưa điều chỉnh được quy hoạch để có hướng xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định tầm quan trọng của việc kiểm tra, rà soát các dự án, việc này phải được thực hiện thường xuyên, định kỳ hằng năm. Vì vậy cần có cơ chế của Ban chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, từ đó các đơn vị cần đóng góp ý kiến cụ thể về quy chế làm việc để thành phố sớm ban hành.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh công việc phân vai cụ thể trong công tác quản lý, theo đó giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị đầu mối khi dự án đã được Nhà nước giao đất và Sở TN&MT chủ trì đối với dự án chưa được Nhà nước giao đất. Đồng thời, thực hiện theo nguyên tắc là dự án to làm trước, nhỏ làm sau, tuân thủ tối thượng các quy định về gia hạn của Luật Đất đai và Luật  Đầu tư; xử lý một số dự án, đặc biệt là một số dự án lớn, tạo đà xử lý các dự án khác./.

tin, ảnh: Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực