|
Các lực lượng tại tỉnh Thừa Thiên Huế dùng bao cát gia cố các đoạn đê biển xung yếu, có nguy cơ sạt lở (ảnh: Đình Tăng). |
Tại Thừa Thiên-Huế, theo ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tại và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, đến 13h45’ ngày 14/11, toàn tỉnh đã sơ tán 21.291 hộ với 70.780 nhân khẩu, trong đó huyện Phú Lộc sơ tán 3.897 hộ với 11.960 nhân khẩu, huyện Phú Vang 3.761 hộ với 13.334 nhân khẩu, huyện Phong Điền 2.821 hộ với 8.011 nhân khẩu…
Cùng với công tác sơ tán, di dời người dân đến nơi an toàn, đến chiều cùng ngày, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức bắn pháo hiệu, kêu toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã vào neo đậu an toàn 2.062 chiếc/11.350 lao động phối hợp với các đơn vị, địa phương ven biển hướng dẫn tránh trú, neo đậu tại bến; Công an tỉnh đã chỉ đạo Cảnh sát Giao thông đường thủy hướng dẫn, neo đậu an toàn các tàu thuyền trên sông, đầm phá.
Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh cũng triển khai gia cố 7.586 lồng, bè nuôi thủy sản đảm bảo an toàn; vận động di dời không để người ở lại trên lồng bè.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thêm, UBND tỉnh đã phát thông báo khẩn yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 12h ngày 14/11 cho đến khi có thông báo mới; cán bộ công chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước không được ra đường khi có gió lớn xảy ra (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt).
Các đơn vị, địa phương hoãn tất cả các cuộc họp, hội nghị không cấp thiết để tập trung ứng phó với bão số 13. Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại Học Huế, các cơ sở giáo dục cho học sinh nghỉ học đảm bảo an toàn trong ngày 14-15/11.
UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các chủ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thực hiện nghiêm túc việc vận hành các hồ chứa nước để đưa dần về mực nước thấp nhất đón lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tránh gây lũ đột biến cho vùng hạ du trong đợt mưa bão sắp đến.
Trước đó, sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã trực tiếp đến kiểm tra công tác sơ tán người dân tại các địa bàn xung yếu trên địa bàn tỉnh. Tại đây, đồng chí Phan Ngọc Thọ đã yêu cầu các địa phương tiếp tục tập trung với phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với bão số 13, đồng thời giao nhiệm vụ cho từng lực lượng, đơn vị có mặt tại địa bàn xung yếu.
Đồng chí lưu ý, mọi người dân ở vùng nguy hiểm phải được sơ tán, cưỡng chế những người không chịu đi, không để người dân bị đe dọa tính mạng. Yêu cầu các địa phương cần khẩn trương gia cố các khu vực sạt lở nguy hiểm, xung yếu, bảo vệ các cơ sở kinh tế ven biển, nhà cửa, tài sản của người dân.
Tại tỉnh Quảng Bình, ngay trong sáng 14/11 đã thành lập các đoàn đến kiểm tra công tác phòng chống bão số 13. Theo đồng chí Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, đến 16h ngày 14/11, hơn 6.000 hộ với hơn 22.000 dân trên địa bàn tỉnh đã được sơ tán, di dời đến nơi an toàn trước khi bão số 13 đổ bộ. Trong số hơn 6.000 hộ phải di dời, có 974 hộ thuộc diện sống tại các khu vưc có nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên, thực tế từ các cơn bão số 7, số 8 đã có 644 hộ đã được di dời, riêng với bão số 13 lần này tỉnh tiếp tục rà soát, bổ sung thêm 330 hộ của 107 điểm có nguy cơ sạt lở buộc các hộ dân phải di dời 974. Ngoài ra, đến 16h chiều 14/11, hơn 6.000 tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng đã vào bờ trú tránh an toàn.
|
Bộ đội biên phòng Quảng Bình giúp người dân phòng chống bão số 13 (ảnh: Báo Quảng Bình). |
Tại Quảng Trị, trong ngày 14/11, chính quyền các xã bãi ngang và ven biển đã tập trung chỉ đạo yêu cầu người dân chủ động ứng phó với bão số 13. Đến chiều cùng ngày, toàn tỉnh có hơn 15.000 hộ dân được di dời, sơ tán đến nơi an toàn.
Trước đó, theo nhận định của Đài Khí tượng thuỷ văn Quảng Trị, bão số 13 có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Trị từ ngày 14/11- 15/11/2020, gây gió mạnh, mưa to cho khu vực tỉnh. Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã lên các phương án sơ tán người dân để tránh bão, tránh lũ, ngập lụt và tình trạng sạt lở đất trên địa bàn.
Theo đó, trong trường hợp bão số 13 chỉ ảnh hưởng, không trực tiếp đổ bộ vào tỉnh Quảng Trị thì sẽ tiến hành di dời hơn 6.355 hộ với gần 17.840 người; trường hợp bão trực tiếp đổ bộ sẽ di dời gần 25.000 hộ với trên 94.000 người dân để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, tỉnh cũng dự kiến di dời hơn 1.900 hộ với gần 7.800 người ở vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống tập trung ở các xã miền núi. Trước khi bão số 13 đổ bộ vào đất liền, cơ quan chức năng sẽ kiên quyết di dời người dân ở các vùng nguy hiểm đến các địa điểm an toàn. Trong trường hợp cần thiết sẽ tổ chức cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
|
Cầu sông Hàn Đà Nẵng cấm lưu thông (ảnh: Đình Tăng) |
Tại TP Đà Nẵng, tính đến 13h ngày 14/11, toàn TP có 7.656 hộ với 26.426 nhân khẩu đã được sơ tán, di dời đến nơi an toàn. Trong đó, số hộ di dời tập trung là 582 hộ (2.142 khẩu) và 7.074 hộ (24.284 khẩu) di dời tại chỗ.
Theo ghi nhận của phóng viên, từ trưa 14/11 trên địa bàn TP bắt đầu có mưa và mưa mỗi lúc càng nặng hạt. Trong khi đó, từ 14h cùng ngày các khu vực ven biển Đà Nẵng bắt đầu có gió lớn và song to.
Trước diễn biến của bão số 13, chính quyền TP Đà Nẵng đã yêu cầu người dân không nên ra đường từ 12h ngày 14/11 và cấm lưu thông qua các cầu trên song Hàn.
Tại Quảng Nam, đến 17h ngày 14/11, toàn tỉnh đã có 23.687hộ/71.840 khẩu được di dời, sơ tán đến nơi an toàn. Trong đó di dời tập trung có 4.034 hộ/ 13.907 khẩu; di dời xen ghép có 19.653 hộ/57.933 khẩu.
Trước đó, trong ngày 13/11, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành công điện khẩn về tập trung ứng phó với bão số 13 và tình hình mưa lũ, theo đó chỉ đạo việc thực hiện sơ tán dân phải hoàn thành trước 12h ngày 14/11/2020./.