Cần sớm điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng

Thứ bảy, 30/04/2022 20:05
(ĐCSVN) - Công nhân trong doanh nghiệp hiện chỉ chiếm khoảng 15% dân số và khoảng 27% lực lượng lao động xã hội nhưng đã đóng góp trên 75% ngân sách và trên 65% GDP của cả nước. Nhưng do nhiều nguyên nhân, thu nhập bình quân của công nhân lao động đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo đảm việc làm, nâng cao mức sống và từng bước cải thiện điều kiện làm việc của công nhân.

Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều vấn đề bức xúc, cấp bách kéo dài mà chưa được quan tâm, giải quyết thỏa đáng. Đặc biệt, qua hơn 2 năm đại dịch diễn ra, có vấn đề hiện ra rõ hơn, trầm trọng hơn. Chẳng hạn như tiền lương thấp và thiếu tích lũy; việc làm, thu nhập bấp bênh; nhà ở và điều kiện sinh hoạt, giáo dục, y tế khó khăn; an sinh và phúc lợi xã hội thiếu bảo đảm.

Báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân lao động năm 2022 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3/2022 cho thấy, nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. 

 Tăng lương chính là tạo động lực để người lao động làm việc với năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn

Trước đó, theo điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn, 5% công nhân được hỏi cho biết rất ít khi trong bữa ăn của họ có thịt, cá (chỉ 1-2 lần/tuần) và 34% cho biết thỉnh thoảng có ăn (3 lần/tuần); 41% cho biết chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản. Họ không dám đi khám bệnh vì không có tiền. Đối với lao động nhập cư, để bảo đảm cuộc sống, 11,2% người lao đọng cho biết thường xuyên (hằng tháng) phải vay tiền, 35,6% thỉnh thoảng (3-4 tháng/lần) phải đi vay...

Thu nhập bình quân của công nhân, lao động quý III/2021 còn thấp hơn đáng kể so với quý II/2020 (5,2 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng), trong khi quý II/2020 đã ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. 

Nhưng, không chỉ đối mặt với nỗi khổ về vật chất, kinh tế, sức khỏe mà tinh thần của công nhân cũng bị kiệt quệ. Một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động vào tháng 9/2021 cho thấy tỉ lệ bị bạo lực gia đình trong công nhân may, giày da tăng gấp đôi so với trước đó! 

Có một nghịch lý là dù làm việc với cường độ cao, thời gian kéo dài nhưng lương và thu nhập của công nhân vẫn không cao. Công nhân lao động ở một số ngành, lĩnh vực phải làm thêm giờ nhiều, có khi lên đến 60 – 70 giờ/tháng như dệt may, điện tử, da giày, chế biến thuỷ hải sản, sản xuất gỗ... Có lẽ vì làm việc vất vả nhưng lương thấp, nên có tới 72% công nhân không muốn con mình sau này theo nghề! Người lao động đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất, vì vậy, việc tăng lương là rất cần thiết. 

Trước thực tế này, việc Hội đồng Tiền lương quốc gia "chốt" đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2022 với mức tăng 6% vào ngày 12/4 để trình Chính phủ xem xét quyết định sau gần 2 năm "lỗi hẹn" với người lao động là quyết định có ý nghĩa chính trị to lớn trong việc chăm lo, bảo vệ người lao động trong bối cảnh thị trường lao động đang gặp nhiều khó khăn.

Khảo sát vào tháng 4/2022 của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy 69,8% doanh nghiệp được hỏi ủng hộ quan điểm tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022. Bởi dù tăng lương là tăng chi phí cho doanh nghiệp nhưng tăng lương cũng chính là khoản đầu tư sinh lời, người lao động sẽ có thêm hứng thú và động lực để làm việc với năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn, giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, bền vững hơn. Tăng lương chắc chắc sẽ giảm thiểu ngừng việc tập thể và đình công, xây dựng quan hệ lao động hài hòa giữa doanh nghiệp và người lao động.

Chính vì vậy, việc Chính phủ sớm điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết, vừa tạo điều kiện cho công nhân lao động sớm cải thiện cuộc sống, vừa hỗ trợ tích cực cho hai bên trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực