Đồng Nai điểm đến đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn

Thứ ba, 15/10/2024 10:35
(ĐCSVN) - Việt Nam có một số lợi thế chính để khẳng định sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn như môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; lực lượng lao động có chất lượng; có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển. Với nhiều lợi thế riêng có, tỉnh Đồng Nai cũng là điểm đến đầy hứa hẹn và triển vọng của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Sản xuất vi mạch xuất khẩu tại Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2.

(Ảnh: CTV) 

Tỉnh Đồng Nai có diện tích tự nhiên 5.863 km2, quy mô dân số trên 3,3 triệu người; Đồng Nai là tỉnh phát triển công nghiệp, hiện có nhiều nhà máy hoạt động tại các khu công nghiệp với ngành nghề đa dạng, hình thành một số ngành công nghiệp mũi nhọn, đồng thời Đồng Nai là cửa ngõ giao thông Phía Nam của Thành phố Hồ Chí Minh, có khả năng liên kết vùng và phát triển kinh tế, công nghiệp với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ, nhất là lợi thế hạ tầng giao thông như sân bay quốc tế Long Thành, sân bay lưỡng dụng Biên Hòa, các cảng đang hoạt động, gồm: Cảng Đồng Nai, Cảng Gò Dầu, Cảng Phước An... kết nối với các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đồng Nai hiện dẫn đầu cả nước về phát triển Khu Công nghiệp với 48 Khu Công nghiệp theo quy hoạch, trong đó có 33 Khu Công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất 10.500 ha (trong đó 31 Khu Công nghiệp đang hoạt động, 01 Khu Công nghiệp đang đầu tư xây dựng hạ tầng và 01 Khu Công nghiệp Long Đức 3 mới được thành lập, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 86% diện tích đất cho thuê).

Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, trong 7 tháng của năm nay, Đồng Nai đã thu hút vốn FDI được trên 1 tỷ USD. Trong đó, đa số dòng vốn FDI đổ vào các Khu công nghiệp của tỉnh. Đặc biệt,các dự án FDI đầu tư mới và tăng vốn vào Đồng Nai chủ yếu thuộc các ngành công nghệ cao như: ngành sản xuất bán dẫn, cơ khí chế tạo, dệt, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn…

Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, có 3 dự án thuộc ngành công nghiệp bán dẫn của Công ty TNHH Coherent Việt Nam, thuộc Tập đoàn Coherent (Hoa Kỳ) đầu tư vào Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 (huyện Nhơn Trạch) với tổng vốn 127 triệu USD. 3 dự án này gồm: Dự án Công ty TNHH Silicon Carbide Việt Nam và Dự án Advanced Optics có vốn đầu tư 83 triệu USD; Dự án Advanced Optics có vốn đầu tư 29 triệu USD; Dự án Engineered Ceramics có vốn đầu tư 15 triệu USD.

Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại tỉnh Đồng Nai, tỉnh đã dự kiến bố trí nhiều quỹ đất dành cho Khu công nghiệp cao và Khu công nghệ thông tin tập trung trong kỳ quy hoạch tỉnh Đồng Nai định hướng đến 2045 và đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, cụ thể Khu công nghệ thông tin tập trung 100 ha tại huyện Long Thành thuận lợi trong việc kết nối hạ tầng kỹ thuật giao thông với hệ thống sân bay Long Thành, các cảng và hệ thống các đường cao tốc. Đây là điều kiện thuận lợi để các Tập đoàn lớn đầu tư phát triển các dự án nhà máy thuộc lĩnh vực công nghệ bán dẫn: sản xuất chip, linh kiện điện tử, trí tuệ nhân dân tạo, datacenter…

Với quy hoạch tầm nhìn đến năm 2045, Đồng Nai hướng tới hình thành các tổ hợp giáo dục đào tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo chuyên về R&D đẳng cấp quốc tế. Đây được xác định trong tầm nhìn định hướng và cũng là một trong bốn giá trị cạnh tranh chính của tỉnh trong tương lai, sẽ hình thành 03 trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và giáo dục đào tạo với quy mô khoảng 700 ha, bao gồm trung tâm đổi mới sáng tạo tại Long Thành (300 ha), làng đại học tại Nhơn Trạch (300 ha) và tổ hợp nghiên cứu, đào tạo tại thành phố Long Khánh (200 ha).

Đồng Nai chú trọng đào tạo nhân lực ngành bán dẫn. (Ảnh: V.GIA)

Chính vì lợi thế này, tỉnh Đồng Nai cần chuẩn bị một nguồn nhân lực lao động chất lượng cao để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực bán dẫn đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào các khu công nghiệp.

Hiện nay, tại 10 trường cao đẳng đang đào tạo 80 ngành nghề, 05 trường đại học đang đào tạo 53 ngành nghề. Tuy nhiên trong các nghề đang đào tạo thì chưa có ngành nghề đào tạo được tích hợp hoặc lồng ghép một cách hiệu quả, khoa học các mô đun chuyên ngành bán dẫn, vi mạch vào chương trình đào tạo, cũng như đầu tư trang thiết bị, phòng thí nghiệm... theo yêu cầu của doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao để sản xuất chip, linh kiện điện tử.

Do đó, để thúc đẩy ngành sản xuất bán dẫn tỉnh Đồng Nai phát triển, trước tiên, cần xây dựng cơ chế, chính sách về đào tạo và phát triển nguồn lao động chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2026-2030, định hướng đến năm 2035. Đồng thời kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Cùng với đó, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị giảng dạy, trang bị các phòng thí nghiệm hiện đại với công nghệ tiên tiến phục vụ cho nghiên cứu, thực hành, phát triển các sản phẩm bán dẫn. Đặc biệt phải cung cấp các phần mềm mô phỏng quy trình sản xuất bán dẫn, từ thiết kế vi mạch đến sản xuất wafer, giúp sinh viên làm quen với quy trình sản xuất thực tế. Bên cạnh đó, liên kết hợp tác với doanh nghiệp. Đây chính là nội dung trọng tâm và thiết thực nhất trong quá trình đào tạo giữa trường và doanh nghiệp. Hợp tác với các công ty sản xuất bán dẫn thiết lập chương trình thực tập và chia sẻ thiết bị, công nghệ. Xây dựng các chương trình đào tạo hợp tác với doanh nghiệp để sinh viên có cơ hội thực tập, làm việc và nghiên cứu thực tế. Khảo sát nhu cầu thị trường thường xuyên nhằm đảm bảo rằng sinh viên tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng.

Song song đó, tăng cường đào tạo chuyên sâu, tạo điều kiện cho giảng viên tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn tại các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu uy tín về công nghệ bán dẫn trong và ngoài nước. Mời chuyên gia quốc tế đến giảng dạy và trao đổi kiến thức. Đồng thời, gửi giảng viên ra nước ngoài để học hỏi những công nghệ tiên tiến. Đặc biệt liên kết với các nước đang phát triển mạnh về bán dẫn tạo ra nguồn nhân lực bán dẫn đang thiếu hụt trầm trọng hiện nay. Mời các chuyên gia từ doanh nghiệp bán dẫn tham gia đào tạo, hỗ trợ giảng viên và sinh viên cập nhật kiến thức thực tế.

Đặc biệt cần xây dựng chương trình giảng dạy kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, trong đó sinh viên vừa học vừa làm các dự án thực tế, sử dụng công nghệ hiện đại nhất. Cập nhật liên tục điều chỉnh, bổ sung nội dung giảng dạy theo sự phát triển của công nghệ và xu hướng ngành bán dẫn. Sử dụng các nền tảng học trực tuyến kết hợp với giảng dạy truyền thống, giúp sinh viên linh hoạt học tập và tiếp cận tài liệu từ các chuyên gia trên toàn cầu./.

CM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực