|
Hướng dẫn học sinh trong giờ thực hành tại một trường nghề ở Thành phố . (Ảnh: Như Hùng) |
Theo số liệu của Cục Thống kê, lực lượng lao động tại Thành phố đến năm 2023 là 4.843.590 người, chiếm 51,21% tổng dân số, trong đó nữ chiếm 46,47%. Tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 4.666.819 người, chiếm 49,35% tổng dân số và chiếm 96,35% tổng lực lượng lao động của toàn thành phố. Lao động làm việc tập trung ở loại hình kinh tế ngoài nhà nước với 3.895.463 người, chiếm 83,47%; loại hình kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là 396.914 người, chiếm 8,51% và loại hình kinh tế nhà nước là 374.442 người, chiếm 8,02%. Lao động làm việc tập trung chủ yếu ở khu vực dịch vụ với 3.055.150 người, chiếm 65,47%; khu vực công nghiệp và xây dựng có 1.552.355 người, chiếm 33,26%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 59.314 người, chiếm 1,27%.
Phân theo nghề nghiệp cho thấy số lượng lao động là nhà quản lý là 43.010 người (chiếm 0,92% tổng số lao động đang làm việc), chuyên môn kỹ thuật bậc cao là 797.091 người (chiếm 17,08%), chuyên môn kỹ thuật bậc trung là 262.030 người (chiếm 5,61%), nhân viên là 140.782 người (chiếm 3,02%), dịch vụ là 1.468.452 người (chiếm 31,47%), thợ lắp ráp, vận hành máy - thợ thủ công và các thợ khác là 1.476.721 người (chiếm 31,64%), các nghề giản đơn là 415.804 người (chiếm 8,91%), nông nghiệp là 42.756 người (chiếm 0,92%).
TP Hồ Chí Minh hiện có 380 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, với quy mô đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp khoảng 400.000 người học. Bình quân hàng năm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cung cấp cho thị trường lao động khoảng 195.000 người.Tỉ lệ có việc làm sau tốt nghiệp ở các trường cao đẳng khoảng 90,16% và ở trường trung cấp khoảng 84,26%.
Tính đến tháng 6/2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có chứng chỉ, chứng nhận đạt 87,63%. Chất lượng đào tạo, nhất là hệ đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, trung cấp của Thành phố đã được các doanh nghiệp chấp nhận.
Trong những năm qua, nhằm thu hút và phát triển nhân lực chất lượng cao, Thành phố đã tổ chức nhiều đoàn công tác tìm hiểu các mô hình giáo dục nghề nghiệp hiện đại như ngành công nghệ ô tô tại Nhật Bản; ngành cơ khí chính xác tại Hàn Quốc; công nghệ bảo vệ môi trường trong đào tạo nghề nghiệp, chăm sóc người già, đào tạo kép tại Cộng hòa liên bang Đức; ngành logistic, xây dựng tại Úc. Đồng thời, mời các chuyên gia, kỹ thuật viên có thâm niên công tác tại những doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo, giảng dạy; đưa học sinh đến thực hành, thực tập trực tiếp tại các doanh nghiệp.
Cùng với đó, công tác đào tạo nghề của Thành phố bước đầu gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Phát triển hệ thống đào tạo nghề chất lượng cao, đào tạo và quản lý nguồn nhân lực phù hợp yêu cầu phát triển thị trường lao động và sự phát triển của nền kinh tế. Thành phố quan tâm trong việc nâng cao năng lực cho các trường nghề về cơ sở vật chất cũng như xúc tiến các chương trình hợp tác quốc tế nhằm chuyển giao chương trình đào tạo quốc tế, kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp hướng tới hội nhập quốc tế sâu, rộng và bền vững.
Đặc biệt, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong đó nhấn mạnh việc cải cách môi trường đầu tư, khuyến khích đổi mới sáng tạo và tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia nước ngoài và nhân tài trong nước.
Bên cạnh đó, Thành phố gặp khó khăn như: lao động chưa đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng chuyên môn; một số ngành như công nghệ, dịch vụ khách hàng, và logistics đang thiếu nhân lực có tay nghề cao; cơ sở vật chất tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được đầu tư đúng mức; đội ngũ nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế…
Do vậy, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, các bộ, ngành liên quan cần ban hành các chính sách cụ thể khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp một cách hiệu quả và chất lượng. Huy động cả cộng đồng và xã hội cùng tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đa dạng hóa các loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các hình thức đào tạo nghề nghiệp, khuyến khích tạo điều kiện ưu đãi để cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức cá nhân ngoài nước thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, gắn với nhu cầu xã hội và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, phải đặc biệt coi trọng phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia đầu ngành. Định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đối với hoạt động của các trường đào tạo, dạy nghề và nhận thức tự học tập, rèn luyện nghề của học sinh người lao động phù hợp phát triển thị trường lao động theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nghề nghiệp.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, chú trọng đào tạo những kỹ năng nghề, kỹ năng mềm, hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp nhằm đào tạo nhân lực trình độ bậc cao, đảm bảo cân đối giữa việc đào tạo và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của doanh nghiệp; xây dựng chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp trong công tác đào tạo song hành cùng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, quy định quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác đào tạo song hành để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội; xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực tại doanh nghiệp; cần triển khai các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, kỹ năng mềm và giúp người lao động cập nhật các công nghệ mới theo yêu cầu thực tiễn của công việc và các mục tiêu, phương hướng hoạt động của doanh nghiệp.
Nghiên cứu hình thức đào tạo hiệu quả nhất, đặc biệt chú trọng mở các khóa đào tạo ngắn hạn, trang bị kỹ năng, nghiệp vụ, bồi dưỡng tay nghề, đạo đức nghề nghiệp cho người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Nghiên cứu hoàn thiện chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các hình thức phối hợp, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lại lực lượng lao động; đồng thời đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế để tăng trưởng việc làm tại chỗ và hội nhập.
Hoàn thiện mô hình, nâng cao năng lực hoạt động phân tích và dự báo cung - cầu nhân lực; chủ động đầu tư, phát triển công nghệ mới nhằm bắt kịp xu hướng phát triển chung, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, tạo động lực để người lao động nâng cao chuyên môn, kỹ năng nghề trong quá trình học tập và làm việc. Xây dựng các hệ thống đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động của từng bộ phận trong doanh nghiệp, từ đó giúp quản lý xác định những khâu còn yếu và điều chỉnh kịp thời để nâng cao năng suất./.