|
Ảnh minh họa: PV |
Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có diện tích tự nhiên là 2.694,43 km2 (khoảng 12% diện tích miền Đông Nam Bộ, chiếm khoảng 0,83% diện tích cả nước); Có 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 05 thành phố, 04 huyện với 91 đơn vị hành chính cấp xã. Thành phố Thủ Dầu Một là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của tỉnh, được công nhận đô thị loại I vào năm 2017.
Bình Dương hiện là một trong những địa phương dẫn đầu về sản xuất công nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI); cơ cấu kinh tế của tỉnh đang chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, trong thời gian qua Bình Dương vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Tỉnh đã thu hút hơn hơn 68.800 doanh nghiệp vốn đầu tư trong nước, tổng vốn 757 ngàn tỷ đồng và 4.265 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư gần 40,64 tỷ đô la Mỹ. Toàn tỉnh hiện có khoảng 1,3 triệu lao động (trong các Khu Công nghiệp có khoảng 535.000 lao động), đa số là lao động trẻ, trong đó lao động ngoài tỉnh chiếm hơn 80% và lao động nữ chiếm 56%. Tình hình việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương tương đối ổn định, hàng năm đã tạo việc làm tăng thêm khoảng 35.000 người. Năm 2024, tỉ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 84% so với tổng số lao động trong toàn tỉnh, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 34%.
Thuận lợi và khó khăn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Khẳng định nguồn nhân lực chất lượng cao là nhân tố cực kỳ quan trọng, góp phần to lớn vào quá trình phát triển kinh tế xã – xã hội của tỉnh Bình Dương trong nhiều năm qua, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI xác định “phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại” là một trong những chương trình đột phá trong nhiệm kỳ 2021-2025.
Tỉnh Bình Dương cùng với các địa phương khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thị trường lao động với nhu cầu nhân lực về số lượng và yêu cầu cao về chất lượng trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhiều doanh nghiệp tăng nhu cầu thường xuyên tuyển lao động bao gồm lao động quản lý; chuyên môn kỹ thuật và lao động phổ thông để đào tạo nghề gắn bố trí việc làm. Các doanh nghiệp phát triển năng động, quan tâm các chính sách thu hút nguồn nhân lực đặc biệt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Đặc biệt sự đa dạng ngành nghề và phát triển nhanh quy mô của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là môi trường phù hợp thu hút lao động là sinh viên, học sinh còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng nghề.
Hiện nay, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn tỉnh có 70 cơ sở (gồm: 06 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp, 18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 36 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp). Công tác đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã từng bước gắn với nhu cầu đòi hỏi thực tế của thị trường lao động hiện nay. Quy mô tuyển sinh đào tạo nghề hàng năm tăng lên, bình quân 40.000 học sinh, sinh viên/năm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang trong quá trình chuyển đổi, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường gắn kết đào tạo với doanh nghiệp đào tạo theo nhu cầu xã hội và hoàn thiện các các điều kiện đảm bảo cho hoạt động đào tạo là điều kiện thuận lợi để người lao động học nghề, tìm việc mới hoặc đào tạo lại gắn với nhu cầu việc làm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực đáp ứng yêu cầu, đặc biệt trong các ngành đòi hỏi kỹ thuật cao và chuyên môn sâu, do các nguyên nhân: các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường lao động, một số cơ sở đào tạo chưa được đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo, các chương trình đào tạo chưa được cập nhật thường xuyên, dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường chưa có đủ kỹ năng và kinh nghiệm thực tế. Mối liên kết với doanh nghiệp của một số cơ sở đào tạo còn yếu, khiến cho sinh viên thiếu thông tin về nhu cầu thực tế của thị trường.
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa coi trọng việc đầu tư vào công tác đào tạo nhân lực. Các chương trình đào tạo thường mang tính chất ngắn hạn, không đủ chiều sâu để phát triển năng lực cho nhân viên, người lao động tại doanh nghiệp. Hơn nữa, một số doanh nghiệp còn thiếu chiến lược rõ ràng trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Các chính sách hỗ trợ đào tạo của chính quyền địa phương chưa được chủ các doanh nghiệp quan tâm, việc khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo chưa thực sự hiệu quả. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp chưa nhận được những động lực cần thiết để đầu tư vào nguồn nhân lực.
Giải pháp cho công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Cần tiếp tục tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo. phải thiết lập các chương trình hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có cơ hội học tập, thực tập và học hỏi từ môi trường làm việc thực tế. Việc này không chỉ giúp sinh viên có kinh nghiệm mà còn giúp doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nhân lực tiềm năng.
Đặc biệt, các cơ sở đào tạo cần đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo, thường xuyên rà soát và cập nhật chương trình đào tạo. Thực hiện khảo sát để nắm bắt nhu cầu về nhân lực mà doanh nghiệp đang cần đồng thời phân tích xu hướng nghề nghiệp mới, công nghệ mới để điều chỉnh chương trình đào tạo, tăng cường đào tạo các kỹ năng mềm và kỹ năng chuyên môn theo yêu cầu của doanh nghiệp. Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp để họ tham gia vào quá trình xây dựng và cập nhật chương trình đào tạo.
Tăng cường đào tạo, cập nhật kiến thức mới về ngành nghề và phương pháp giảng dạy hiện đại cho đội ngũ nhà giáo; tạo điều kiện cho giáo viên có cơ hội trải nghiệm thực tiễn qua các chương trình hợp tác với doanh nghiệp, thực tập, giảng dạy thực hành nghề tại các doanh nghiệp; thu hút chuyên gia, người lao động có trình độ kỹ năng nghề cao từ doanh nghiệp đến giảng dạy hoặc chia sẻ kinh nghiệm thực tế; khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các chương trình đào tạo nội bộ bài bản, tổ chức cho nhân viên, người lao động tham gia các khóa học nâng cao kỹ năng chuyên môn. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần xây dựng một môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động và hiệu quả hơn.
Mặt khác, chính quyền địa phương cần tăng cường việc tuyên truyền, triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo nhân lực; hướng dẫn, khuyến khích, tạo động lực cho doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo. Nâng cao chất lượng hoạt động phân tích, dự báo nhu cầu, thông tin thị trường lao động về nguồn nhân lực, cung ứng việc làm và nhu cầu đào tạo của tỉnh; tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan để theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, góp phần đảm bảo việc làm, thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động…
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập và phát triển là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước nói chung và phát triển tỉnh Bình Dương nói riêng. Việc cải thiện chất lượng đào tạo, tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, cùng với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương sẽ tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động. Điều này không chỉ góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh Bình Dương mà còn giúp doanh nghiệp cạnh tranh hiệu quả hơn trong nền kinh tế toàn cầu./.