Giải pháp để Quỹ bảo hiểm thất nghiệp phát huy tốt hơn vai trò "bà đỡ"

Thứ ba, 06/06/2023 16:31
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết để bảo hiểm thất nghiệp thực sự là "bà đỡ" cho thị trường lao động thì các quy định sẽ được xây dựng, sửa đổi để khi người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn, sẽ dùng bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ.
 Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) 

Trong phiên chất vấn của Quốc hội về lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội sáng nay (6/6), đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2023, có đến 146.000 người nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vậy đến thời điểm hiện nay, bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ được bao nhiêu người trong số 146.000 hồ sơ đã nộp lên cơ quan chức năng? Bộ trưởng có giải pháp gì để Quỹ bảo hiểm thất nghiệp phát huy tốt hơn vai trò “bệ đỡ” của mình trong công tác an sinh xã hội với bối cảnh kinh tế nước ta đang rất khó khăn như hiện nay?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung cho biết, 4 tháng đầu năm 2023 đã tiếp nhận 632.790 lượt người gửi hồ sơ, so với cùng kỳ giảm 2,8% và cũng giảm so với số lượt tư vấn giới thiệu việc làm là 651.062 trường hợp. Tổng số người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp 4 tháng là 274.592 người, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2022; con số tuyệt đối là 287.780 người và số hỗ trợ được học nghề 4 tháng của đầu năm 2023 là 7.308 người, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2022. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm, theo Luật Việc làm thì bản chất của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là công cụ để góp phần quản trị thị trường lao động và là “bà đỡ” cho thị trường lao động. 

Trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có quyết định chi hàng chục nghìn tỷ từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động và chính sách này đã góp phần rất quan trọng góp phần nâng cao đời sống của người lao động và củng cố niềm tin, sự hào hứng của người tham gia bảo hiểm.

 Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện nay, kết dư khoảng 60.000 tỷ. Trong hoàn cảnh hiện tại, với kết dư cao cộng với một số quỹ khác, Bộ cũng đã đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội nghiên cứu và cùng với Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tính toán làm sao sử dụng kết dư này có hiệu quả hơn. "Chính sách hỗ trợ tập trung vào 3 nội dung chính: Một là hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng, bị mất việc; hai là hỗ trợ đào tạo nghề; ba là cân nhắc giảm mức đóng để giúp đỡ một phần cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm, quá trình sửa Luật Việc làm sắp tới cũng có một chương quy định riêng về bảo hiểm thất nghiệp. Để bảo hiểm thất nghiệp thực sự phải là "bà đỡ" cho thị trường lao động, thì các quy định sẽ được xây dựng, sửa đổi để khi người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn, sẽ dùng bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ. Đặc biệt, quy định mới sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại nghề nghiệp, miễn giảm chi phí hỗ trợ từ các nguồn kết dư khi kết dư được cao.

Được mời "chia lửa" cùng Bộ trưởng Bộ LĐTBXH trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021 đã chi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp 47.356 tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động bị COVID-19, trong đó chi hỗ trợ trực tiếp từ quỹ cho những đối tượng ảnh hưởng bởi COVID-19 là 30.800 tỷ đồng.

Năm 2023, số dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp còn 59.357 tỷ đồng. Hiện nay, Bộ Tài chính đang thiết kế một gói hỗ trợ người lao động từ nguồn kết dư này để trình với Chính phủ và Thường vụ Quốc hội. Theo đó, gói hỗ trợ sẽ chi khoảng tầm 23.000 tỷ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho người lao động trong giai đoạn khó khăn này. Như vậy, số dư quỹ sẽ còn lại khoảng 39.405 tỷ đồng. 

“Bộ Tài chính và Bộ LĐTBXH đặc biệt quan tâm đến giải pháp hỗ trợ trong những giai đoạn khó khăn và sẽ bằng mọi cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người lao động” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định./.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực