Hà Tĩnh: Chủ động phòng tránh, ứng phó với thiên tai

Thứ tư, 15/09/2021 14:49
(ĐCSVN) - Là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi các đợt mưa, bão lũ nguy hiểm, tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực lên kế hoạch, chuẩn bị các phương án để chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp của thời tiết trước mùa mưa bão năm nay.

Hà Tĩnh là tỉnh có địa hình đa dạng, được hình thành bởi miền núi, trung du, đồng bằng và ven biển; địa hình bị chia cắt bởi nhiều con sông, suối, tạo thành nhiều vùng nhỏ, độ dốc lớn. Trên địa bàn tỉnh có nhiều hồ, đập dung tích lớn như hồ Kẻ Gỗ, hồ Thượng Tuy, đập Sông Rác, đập Kim Sơn; các hồ thủy điện Hố Hô, Ngàn Trươi, Hương Sơn và 137 km bờ biển... Do vậy, về mùa mưa bão thường xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, lốc xoáy, ngập úng, triều cường... gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Riêng trong năm 2020, Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của 1 cơn bão và hoàn lưu của 6 cơn bão; 2 đợt lũ lịch sử, 3 đợt lốc xoáy làm 8 người chết và mất tích, 47 người bị thương; 4.300 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; gần 8.000 ha diện tích cây trồng bị đổ gãy, hư hỏng; hơn 3.900 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; hơn 952.000 con gia súc, gia cầm bị chết...

Dân quân xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê giúp Nhân dân làm nhà nổi chống lũ. Ảnh Huy Cường 

Theo Đại tá Nguyễn Hữu Thông, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Hà Tĩnh, để ứng phó với những diễn biến phức tạp của thời tiết trước mùa mưa bão năm nay, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT, TKCN), rà soát, bổ sung các kế hoạch, phương án, nhất là ở những địa bàn trọng điểm; chuẩn bị lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức hiệp đồng với các sở, ban, ngành chức năng và các đơn vị đóng quân trên địa bàn nhằm thống nhất phương án, sẵn sàng xử lý các tình huống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra...

Trên cơ sở kế hoạch, phương án đã được xây dựng từ trước, Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc đã tiến hành khảo sát thực tế địa bàn, trong đó tập trung các vùng trọng điểm thường xảy ra ngập lụt, lũ quét, lũ ống, các hồ đập, các tuyến đê xung yếu, kịp thời điều chỉnh kế hoạch, phương án sát với thực tế để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả khi xảy ra lụt bão, mưa lớn. Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương lập phương án chi tiết sẵn sàng sơ tán người dân, bảo đảm an toàn về người và tài sản.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Phan Văn Đức, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Rút kinh nghiệm từ trận lũ lịch sử năm 2020, chúng tôi đã tham mưu, chỉ đạo các cơ sở lựa chọn các trường học, công sở và nhà dân từ 2 tầng trở lên được xây dựng chắc chắn, ở nơi cao ráo để hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị, động viên các gia đình tạo điều kiện để người dân trú ẩn khi có lũ lụt, bão lớn. Tổ chức rà soát, quản lý chặt các đối tượng làm ăn trên sông nước; người già yếu, bệnh tật, trẻ em dưới 6 tuổi, phụ nữ mang thai để khi xảy ra bão, lụt ưu tiên di chuyển trước. Động viên nhân dân và kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ người dân các xã vùng hạ lưu hồ Kẻ Gỗ làm “Nhà chống lũ”, mua sắm áo pháo, phao cứu sinh, thuyền cứu hộ... Đồng thời, Ban CHQS huyện cũng đề nghị trên cấp và đầu tư mua sắm thêm một số vật chất, trang bị, tàu xuồng phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn...”.

Ban CHQS huyện Cẩm Xuyên kiểm tra vật chất, phương tiện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Ảnh Huy Cường.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh Lê Văn Luyện cho biết: “Thực hiện phương châm “Hậu cần tại chỗ”, xã đã động viên bà con trên địa bàn về mùa mưa, bão phải chuẩn bị sẵn các loại thực phẩm khô, mì tôm, nước uống bảo đảm đủ cho gia đình sử dụng từ 5 đến 7 ngày. UBND xã ký bản ghi nhớ với các chủ đại lý bán hàng tạp hóa bảo đảm mì tôm, nước uống cung cấp cho nhân dân khi bão, lụt xảy ra và cam kết không tăng giá”.

Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong PCTT, TKCN, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc làm tốt công tác giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ trách nhiệm của mình và coi đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Từ cơ quan Bộ Chỉ huy đến các đơn vị cơ sở luôn duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực PCTT, TKCN; theo dõi sát diễn biến của tình hình mưa lũ. Khi có bão, lụt, Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp cử cán bộ xuống từng địa phương, cùng với Ban CHQS xã, phường, thị trấn bám sát phương châm “4 tại chỗ” triển khai phương án, không để bị động, bất ngờ. Cùng với đó, Bộ CHQS tỉnh cũng tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện cho lực lượng lái tàu, xuồng cao tốc; cán bộ, chiến sĩ về công tác cứu hộ, cứu nạn; tổ chức luyện tập thuần thục các phương án theo kế hoạch.

Với tinh thần tích cực, chủ động, linh hoạt, đến thời điểm hiện nay, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã chuẩn bị tốt về con người, phương tiện, trang bị sẵn sàng ứng phó hiệu quả với mọi diễn biến bất thường của thời tiết, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân khi có mưa bão xảy ra trên địa bàn./.

Huy Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực