Long An: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử

Thứ năm, 29/10/2020 15:05
(ĐCSVN) – Góp phần xây dựng chính quyền điện tử trong hoạt động quản lý của cơ quan Nhà nước, thời gian qua việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động quản lý Nhà nước đã được tỉnh Long An quan tâm, đẩy mạnh.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý Nhà nước

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Nguyên Khởi, Phó Giám đốc Sở Thông tin Tuyền thông tỉnh Long An cho biết: Hiện tỉnh đã hoàn thành đầu tư nâng cấp Trung tâm dữ liệu cơ bản đảm đương triển khai các nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử trong giai đoạn hiện tại, đáp ứng tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thông tin mô hình “4 lớp” cho trung tâm dữ liệu tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Kết nối đồng bộ mạng truyền số liệu chuyên dùng đến 100% cơ quan nhà nước phục vụ triển khai các ứng dụng CNTT dùng chung của tỉnh.

 Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Long An cung cấp 644 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 (đạt 35%) và 312 DVCTT mức độ 4 (đạt 17 %), với 9.952 hồ sơ được nộp qua mạng, tăng 5.938 hồ sơ so cùng kỳ năm 2019, đảm bảo 100% DVCTT xử lý bằng hồ sơ điện tử

Về công tác triển khai ứng dụng CNTT, theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An, hiện nay, nhiều hệ thống ứng dụng CNTT dùng chung được triển khai theo hướng liên thông, kết nối và được nâng cấp kịp thời đảm bảo đáp ứng theo nhu cầu sử dụng, phát huy hiệu quả tốt. Cụ thể như: Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành được nâng cấp và triển khai cho tất cả cơ quan Nhà nước trong toàn tỉnh, đảm bảo gửi nhận liên thông 4 cấp từ Trung ương đến địa phương qua Trục liên thông văn bản quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ.

Đến nay tỉnh đã cấp trên 8.900 tài khoản sử dụng phần mềm, tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan Nhà nước đạt 95,6% (122.147 VB điện tử/ 127.780 tổng VB đi), tăng 2,6% so với năm 2019 (đạt mục tiêu kế hoạch đề ra là 95%).

Cùng với đó, Long An đã tập trung triển khai sử dụng chữ ký số do Ban cơ yếu Chính phủ cấp. Đến nay tỉnh đã được cấp trên 2.890 chứng thư số của Chính phủ, đảm bảo 100% UBND các cấp, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện được cấp chứng thư số. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử có ký số cấp tỉnh và huyện đạt 95,7%, tăng11,7% so với năm 2019 (vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 90%). Riêng UBND cấp xã đạt 78%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 50%.

Phần mềm một cửa điện tử được nâng cấp đảm bảo kết nối với Công dịch vụ công của tỉnh và Cổng DVC quốc gia, đáp ứng theo mô hình hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cấp huyện và Bộ phận một cửa cấp xã, phục vụ tốt việc tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính liên thông trên môi trường mạng, cung cấp thông tin phục vụ tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ của người dân, doanh nghiệp. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ đã giải quyết đúng hạn công bố trên hệ thống đạt 99%.

Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh cung cấp 644 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 (đạt 35%) và 312 DVCTT mức độ 4 (đạt 17 %), với 9.952 hồ sơ được nộp qua mạng, tăng 5.938 hồ sơ so cùng kỳ năm 2019, đảm bảo 100% DVCTT xử lý bằng hồ sơ điện tử. Các Trung tâm Hành chính công đã phối hợp với Bưu điện tỉnh tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công, kết hợp với tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội phòng dịch bệnh COVID-19. Tỉnh đã hoàn thành tích hợp các DVCTT của tỉnh với Cổng DVC Quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, đã triển khai kết nối được 10 DVCTT mức độ 3, 4.

Hệ thống Thư điện tử của tỉnh được nâng cấp, phục vụ tốt hơn cho người dùng. Đến nay đã cấp 4,848 tài khoản thư điện tử (@longan.gov.vn cho các cơ quan và CBCCVC trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ sử dụng đạt 97%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 95%.

Cùng với đó, công tác đảm bảo an toàn thông tin luôn được tỉnh quan tâm chú trọng triển khai nhiều giải pháp, đảm bảo an toàn thông tin theo mô hình “4 lớp” cho các hệ thống thông tin tại Trung tâm dữ liệu của tỉnh; triển khai đầu tư hoàn thiện Trung tâm giám sát, điều hành an toàn thông tin (SOC); triển khai phần mềm phòng chống mã độc cho máy trạm kết hợp giải pháp giám sát tập trung.

Các ngành đã và đang tập trung triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý chuyên ngành, cụ thể: ngành Y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, cán bộ công chức, hộ tịch,...

 Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã phục vụ tốt việc tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính liên thông trên môi trường mạng

Là một trong những đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Long An Nguyễn Văn Khánh cho biết: Cục Hải quan Long An được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan trên địa bàn 3 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre. Địa bàn quản lý rộng, có nhiều khu, cụm công nghiệp hoạt động, có đường biên giới tiếp giáp Campuchia, thời gian qua, Cục Hải quan Long An đã xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm và được triển khai thường xuyên liên tục, đảm bảo tính đồng bộ từng nhóm nhiệm vụ, giải phát động đến cán bộ công chức các đơn vị trực thuộc; đồng thời Cục Hải quan tỉnh đã tăng cường đề xuất khuyến khích các sáng kiến về cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT và xây dựng quy trình giải quyết TTHC nội bộ, đảm bảo nhanh, gọn khoa học, thuận tiện, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, hoàn thành nhiệm vụ được giao, tạo tính đồng bộ, sự kết nối, liên thông giữa các đơn, vị và địa phương trong triển khai thực hiện hệ thống hành chính điện tử.

Qua đó tăng chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, địa phương, cũng như các chỉ số cải cách hành chính của ngành Hải quan; tăng cường chất lượng thực hiện hành chính công, nâng cao hiệu quả giao dịch thương mại biên giới của Việt Nam giai đoạn 2019- 2021, đặc biệt tuyến biên giới giữa Long An và Campuchia, đồng thời đặt niềm tin vào đối tác hải quan doanh nghiệp mà nhiều năm qua Cục Hải quan tỉnh Long An đã triển khai thực hiện có hiệu quả, được doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Đồng chí Nguyễn Văn Khánh cho biết: Đến nay, Cục Hải quan Long An đã thực hiện hiện đại hóa nền hành chính thông qua việc ứng dụng CNTT vào trao đổi các văn bản, thông tin với các cơ quan hành chính trên địa bàn thông qua hệ thống thư tiện tử, chữ ký số. Vận hành có hiệu quả Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống vệ tinh, dịch vụ công trực tuyến, phục vụ hiệu qủa cho các hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Cục Hải quan tỉnh Long An cũng đã thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; tiếp tục duy trì, vận hành có hiệu quả hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; hiện 100% tờ khai đơn vị được tiếp nhận và phân luồng tự động qua hệ thống giúp việc thông quan hàng hóa được nhanh chóng.

 Hiện nay tỉnh Long An đã cấp trên 8.900 tài khoản sử dụng phần mềm, tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan Nhà nước đạt 95,6%

Chuẩn bị các điều kiện xây dựng chính quyền điện tử

Cũng theo đồng chí Bùi Nguyễn Khởi, bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tỉnh Long An đã và đang tập trung chuẩn bị các điều kiện cho xây dựng Chính quyền điện tử trong giai đoạn tới.

Đến nay Long An đã hoàn thành đầu tư Bộ phần mềm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) phục vụ chia sẻ, kết nối các hệ thống ứng dụng CNTT, cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong tỉnh và giữa tỉnh với các bộ ngành. Hiện, đã kết nối được một số dịch vụ: quản lý văn bản và điều hành của tỉnh với hệ thống của Văn phòng Chính phủ; Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia; Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh với (Bộ Tư pháp, Bộ KH&ĐT, VNPOST, bảo hiểm xã hội Việt Nam...), đang triển khai kết nối với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính. Ngoài ra, Long An hiện đang phối hợp với đầu mối Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thí điểm kết nối Cổng dịch vụ công của tỉnh với nền tảng thanh toán trực tuyến quốc gia (PayGov).

Hiện nay Long An đang xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Long An 2.0 (dự kiến quý 4/2020 ban hành). Chuẩn bị thuê tư vấn xây dựng Kiến trúc ICT đô thị thông minh của tỉnh làm cơ sở để cụ thể hóa các nhiệm vụ, dự án về xây dựng Chính quyền điện tử, phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Tỉnh cũng đang tiến hành khảo sát, chuẩn bị thủ tục xây dựng kho cơ sở dữ liệu dùng chung cấp tỉnh; xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Long An, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến cho cán bộ công chức và người dân, doanh nghiệp. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng, nhận thức về an toàn thông tin cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ phục trách công nghệ thông tin.

 Hiện nay, tỉnh Long An đã và đang tập trung chuẩn bị các điều kiện cho xây dựng Chính quyền điện tử trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An Bùi Nguyên Khởi: Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Long An còn một số khó khăn trong việc xây dựng chính quyền điện tử. Một số chỉ tiêu, nghị quyết số 17 chưa đạt yêu cầu đề ra như: Cung cấp dịch vụ công trực truyến mức độ 4 chưa đạt 30%; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp; trên 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã triển khai nhưng chưa phát sinh hồ sơ trực tuyến; tỷ lệ công việc được xử lý trên môi trường mạng, tỷ lệ báo cáo định kỳ được gửi, nhận qua hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và của tinh còn thấp… tỷ lệ cán bộ chuyên trách công CNTT được đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng về quản trị hệ thống đảm bảo thông tin mạng chưa đạt yêu cầu.

Mặt khác, nhiều phần mềm ứng dụng và cơ sở dữ liệu của các ngành còn rời rạc, chưa hoàn thiện, chưa chia sẻ, kết nối được với nhau trong nội tỉnh và giữa tỉnh với các bộ, ngành. Nguồn nhân lực trong cơ quan nhà nước còn thiếu và yếu, đặc biệt ở cấp huyện và cấp xã nên chưa làm tốt vai trò tham mưu trong chỉ đạo và hỗ trợ người sử dụng tại các cơ quan đơn vị…

Năm 2020, Long An đạt mục tiêu cung cấp trên 60% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó có ít nhất 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4. Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An khắc phục những khó khăn còn tồn tại triển khai thực hiện tốt việc xây dựng chính quyền điện tử cũng như chuẩn bị tốt các điều kiện xây dựng chính quyền điện tử theo đúng kế hoạch tỉnh đề ra./.

 

Khánh Toàn- Lê Vy- Nguyệt Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực