Long An: Hiệu quả từ giảm nghèo bền vững

Thứ sáu, 11/10/2024 10:38
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua các cấp, các ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh Long An đã có những cách làm hay, thiết thực chung tay thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.

Long An đảm bảo cuộc sống cho người dân có hoàn cảnh khó khăn

 Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Long An đã hỗ trợ hội viên vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế thoát nghèo. (Ảnh: Tường Vy)

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, Hội LHPN tỉnh Long An luôn chủ động, tích cực chỉ đạo, đồng hành cùng các cấp Hội tập trung nguồn lực, đề ra nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả trong việc hỗ trợ HVPN thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Thông tin từ Hội LHPN tỉnh, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo có phụ nữ là nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Hội LHPN tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 đề ra. Ngay từ đầu năm, các cấp Hội khảo sát hộ nghèo, cận nghèo có phụ nữ.

Các cấp Hội tiếp cận giúp đỡ 100% hộ nghèo, cận nghèo với các hình thức: Hỗ trợ vốn giải quyết việc làm, hỗ trợ các phương tiện sinh kế, tặng quà, xây nhà tình thương; các mô hình: Người có giúp người khó, Tiết kiệm giúp nhau,... Ngoài ra, tăng cường việc hỗ trợ PN được hiện thực hóa các ý tưởng, dự án để họ khởi nghiệp.

Qua nửa nhiệm kỳ 2021-2026, các cấp Hội hỗ trợ 1.292/1.250 (đạt 103,36%) hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo. Trung bình hàng năm, Hội hỗ trợ 646/300 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo, vượt chỉ tiêu đề ra.

Những năm qua, Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Long An đã trở thành kênh tín dụng quan trọng, trợ giúp cho nông dân trên địa bàn phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao thu nhập cho hộ nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Báo cáo từ Hội Nông dân tỉnh Long An cho biết: Đến nay, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp tăng hơn 5,4 tỉ đồng (đạt 70% so với chỉ tiêu Trung ương giao); nâng lũy kế nguồn vốn Hội các cấp đến nay trên 82 tỉ đồng; hiện có 15/15 Hội Nông dân huyện, thị xã, thành phố phát triển được nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân và có nguồn vận động Quỹ đạt trên 1 tỷ đồng. Đồng thời, Hội Nông dân tỉnh cũng đã chủ động phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai các chương trình cho vay ưu đãi tới hội viên, với 13 chương trình vay, tập trung chủ yếu vào các chương trình cho vay nước sạch vệ sinh môi trường, hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo, giải quyết việc làm, học sinh, sinh viên…

Để nâng cao hiệu quả các dự án vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, Nông dân tỉnh Long An đã tập trung đầu tư các mô hình kinh tế theo thế mạnh của từng vùng, địa phương, phát triển nhiều mô hình kinh tế liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao như: Các mô hình trồng lúa ứng dụng công nghệ cao đã xây dựng trạm bơm điện, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh được thực hiện tại huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Tân Thạnh; xây dựng được nhà màng, hệ thống tưới tự động cho mô hình trồng rau theo hướng ứng dụng công nghệ cao triển khai ở các huyện Cần Đước, Cần Giuộc và thành phố Tân An; dự án nuôi bò sinh sản được thực hiện ở huyện Đức Hòa, Đức Huệ, sử dụng con giống đạt chuẩn đang được phát huy ngày càng có hiệu quả và được nhân rộng trên địa bàn.

Thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, ngay từ đầu năm, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc đã hỗ trợ 20 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với tổng số vốn gần 470 triệu đồng.

Năm 2024, nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững hỗ trợ xã Tân Tập 621 triệu đồng, từ đó đến nay, xã tiếp tục hỗ trợ 23 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có người khuyết tật với tổng số tiền hơn 575 triệu đồng.

Những năm qua, xã phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cần Giuộc xét cho vay 254 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với tổng số tiền gần 8,5 tỉ đồng.

Lãnh đạo xã Đức Hoà Hạ trao quà cho người dân nghèo dịp Tết nguyên đán 2024. (Ảnh: Tường Vy)

Được biết, thời gian qua xã Tân Lập luôn quan tâm công tác đào tạo nghề, giúp người dân chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập. Xã cũng thường xuyên tư vấn, giới thiệu các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Các đoàn thể địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhờ đó, hộ nghèo, cận nghèo hàng năm của xã giảm từ 10-15%; hộ nghèo đa chiều của xã cuối năm 2023 giảm còn 3,87%.

Hàng năm, xã đều rà soát lại hộ nghèo, cận nghèo để hỗ trợ kịp thời về vốn vay, giáo dục, y tế,... nhất là về nhà ở. Nhờ những nỗ lực này, nhà ở trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp, không còn nhà tạm bợ, dột nát. Từ đầu năm 2024 đến nay, riêng UBMTTQ Việt Nam xã vận động xã hội hóa để xây mới và sửa chữa 3 căn nhà với tổng kinh phí 190 triệu đồng; vận động hơn 2.200 phần quà với trị giá hơn 890 triệu đồng tặng cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn. Quỹ “Vì người nghèo” cũng huy động được hơn 77,6 triệu đồng (đạt hơn 273% kế hoạch đề ra).

Giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Long An đặt mục tiêu giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 15%/năm, nhưng riêng năm 2023 đã đạt 23,3% so với chỉ tiêu đề ra. Có được những kết quả đó là nhờ sự chung tay của chính quyền, địa phương, các sở, ban, ngành và các nhà hảo tâm chung sức, đồng lòng hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo bền vững./..  

Tường Vy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực