Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng quà Tết cho bệnh nhân ung thư
có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh:TA)
Tết là thời khắc quan trọng đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là dịp để mọi người sum vầy với gia đình, người thân, quanh những bữa cơm đầm ấm... Nhưng đối với nhiều người nghèo khó, những người phải lo từng bữa ăn, những người mắc bệnh hiểm nghèo, những người yếu thế thì dường như Tết vẫn là chuyện xa vời.
Thấu hiểu được điều đó, mỗi năm, cứ đến độ tết đến xuân về, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ đều có chỉ thị về việc chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán với yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nhất là đối với người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào vùng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ…
Đây cũng chính là năm thứ ba phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020 đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Với tinh thần lá lành đùm lá rách, nhiều chương trình chung tay vì người nghèo đã được tổ chức trên khắp cả nước, góp phần giúp bà con đón Tết cổ truyền đầm ấm.
Theo dõi thông tin hoạt động của các ngành, địa phương trong những ngày gần đây, có thể thấy nội dung chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về việc chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 đang được triển khai thực hiện rất cụ thể, chu đáo và có ý thức trách nhiệm.
Một tin vui về chăm lo Tết cho người dân, nhất là những người yếu thế được Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ ngày 31/1 là Mặt trận và các đoàn thể đã chuẩn bị quà cho người dân nhiều hơn và mức cao hơn so năm 2018. Theo đó, hệ thống Mặt trận đã chuẩn bị 900 tỷ đồng; 1,72 triệu phần quà; công đoàn 1.200 tỷ đồng cho công nhân và chương trình Tết sum vầy; Hội chữ thập đỏ 1,5 triệu suất quà với giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng. Cùng với đó, các đoàn thể phụ nữ, thanh niên, nông dân, các thành viên trong Mặt trận theo hệ thống cũng có chuẩn bị quà để đi thăm, tặng quà các hộ nghèo, gia đình chính sách; Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền trên 1.068 tấn gạo cho 2 tỉnh Ninh Thuận, Tuyên Quang…
Đáng chú ý, chuẩn bị cho Tết Kỷ Hợi 2019, nhiều tỉnh, thành phố đã họp bàn triển khai các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo, trọng tâm là quyết định dành những khoản kinh phí cao hơn năm trước để giúp người nghèo, người dân vừa bị thiệt hại nặng nề do thiên tai có thể đón tết đầy đủ, ấm áp. Thành phố Hà Nội huy động hơn 400 tỷ đồng và kêu gọi xã hội hóa để tặng quà Tết cho người nghèo, người có công, gia đình chính sách. Đến nay, toàn thành phố đã tặng quà cho hơn 850.000 người; tỉnh Nghệ An huy động 64 tỷ đồng chăm lo tết cho người nghèo, gia đình chính sách, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn…
Cùng với đó, nhiều địa phương, đơn vị đã chủ động bố trí, tổ chức nhiều hoạt động cùng chăm lo tết cho người nghèo. Cụ thể, tại tỉnh Thái Nguyên, tuần cao điểm Tết vì người nghèo năm 2019” do Tỉnh ủy phát động đã thu được hơn 27 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Từ nguồn kinh phí trên, Ban chỉ đạo "Tuần cao điểm Tết vì người nghèo" tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ các xã trên 22.800 suất quà (gồm tiền mặt, bánh kẹo, đường, sữa...), tặng 93 nhà tình nghĩa, 145 xe đạp cho học sinh nghèo học giỏi, 8 tivi, 484 chăn và áo ấm, 10 máy lọc nước, khám chữa bệnh cho học sinh, người nghèo; Trung ương Hội Chiến sỹ thành cổ Quảng Trị năm 1972 vận động từ Ngân hàng Công thương Việt Nam và Tập đoàn T&T Group được 800 suất quà với trị giá 500 ngàn đồng mỗi suất để tặng cho các hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cả nước; các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh Đắk Nông đã tặng 12.499 suất quà cho người nghèo, đối tượng hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. …
Đặc biệt, nét mới trong chăm lo Tết cho người nghèo năm nay là Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia đã phối hợp triển khai Chương trình áo ấm mùa đông cho người già và trẻ em ở vùng cao phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Kinh phí thực hiện là 5 tỷ đồng, trích ra từ nguồn nhắn tin ủng hộ người nghèo qua Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 trong tháng cao điểm ủng hộ người nghèo năm 2018 mới đây. Số tiền này đã được gửi tới hơn 10 tỉnh miền núi phía Bắc để mua áo ấm cho người già, trẻ em. Đồng thời, các tỉnh cũng huy động được 1,3 tỷ đồng từ đợt phát động này.
Trở về từ những đợt tặng quà người nghèo ở một số địa phương trên cả nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, người dân rất phấn khởi khi Tết đến được Đảng, Chính phủ, MTTQ, chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm, các đơn vị, tổ chức cá nhân, nhà hảo tâm quan tâm, từ đó đảm bảo mọi người, mọi nhà đều vui xuân đón Tết.
Cùng với những món quà tết ấm áp, với quyết tâm không để người dân nào thiếu đói, trước trong và sau tết, các cấp, các ngành đã chỉ đạo đến tận cơ sở tiến hành rà soát tình hình đời sống của bà con, xem có hộ dân nào cần cứu trợ. Đồng thời, dự phòng nguồn kinh phí an sinh xã hội nhằm kịp thời hỗ trợ cho các hộ thiếu lương thực, thiếu đói trên địa bàn cả nước.
Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội tặng quà Tết công nhân có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: TA)
Thực tế, để người nghèo thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống, cần sự đồng hành, chia sẻ trong suốt quá trình lao động, sản xuất, chứ không riêng gì những ngày tết. Tuy nhiên, với những hộ thật sự khó khăn, món quà tết sẽ thật sự rất ý nghĩa. Đó sẽ là động lực, là sẻ chia kịp thời để họ vươn lên tự chủ được cuộc sống của mình, để “không có ai bị bỏ lại phía sau”, như quyết tâm và hành động của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Và cũng bởi, việc giúp đỡ người nghèo không chỉ là một hành động giàu tính nhân văn mà còn là yêu cầu, là mục tiêu của phát triển bền vững.
Một mùa Xuân mới đang về. Bằng những việc làm thiết thực, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cả nước đang chung tay góp sức chăm lo để mọi người, mọi nhà đều được đón Tết đầm ấm. Như vậy, không chỉ mùa xuân mới gõ cửa tất cả mọi nhà, mà cả 4 mùa quanh năm người nghèo, người lao động, người yếu thế ai cũng có điều kiện để vươn lên tốt hơn trong cuộc sống./.