Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Thứ ba, 13/07/2021 10:10
(ĐCSVN)- Đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN), đào tạo nhân lực chất lượng cao là nhân tố cơ bản quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN; có vai trò quyết định đến học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực...
 Giảng viên và sinh viên Trường dự bị Đại học Dân tộc Trung ương. (Ảnh có tính minh họa)

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, XIII của Đảng, Đảng bộ tỉnh Yên Bái luôn xác định quan tâm phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhân lực dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong ba đột phá chiến lược của địa phương.

Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nghị quyết chuyên đề với nhiều chính sách ưu tiên phát triển nguồn nhân lực. Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư nâng cấp và hoạt động hiệu quả, nhất là Trường Cao đẳng nghề Yên Bái được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư là một trong số 40 trường nghề chất lượng cao của cả nước.

Nhờ đó, quy mô và chất lượng nhân lực của tỉnh được nâng lên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63%, tăng 18% so với năm 2015, vượt 3% mục tiêu nghị quyết; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 21,1% năm 2015 lên 33,5% năm 2020; trên 98.000 lao động được đào tạo nghề với trên 80% có việc làm, thu nhập ổn định sau đào tạo. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, tỷ lệ lao động khu vực nông nghiệp giảm từ 69,4% năm 2015 xuống còn 61,9% năm 2020. Kiểm soát tỷ lệ thất nghiệp ở mức 1,2% (thất nghiệp thời vụ 2 - 3%).

Nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng yêu cầu là nhân tố quyết định để Yên Bái đẩy mạnh công tác giảm nghèo nhanh, bền vững, trở thành điểm sáng của các tỉnh trong khu vực Tây Bắc.

Sự coi trọng và thành công của Yên Bái trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáng để các địa phương tham khảo khi đặt trong bối cảnh chung đến thời điểm 01/4/2019, tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên ở nước ta có trình độ đại học trở lên mới chỉ đạt 3,3% (bằng 1/3 tỷ lệ chung toàn quốc); cao nhất là dân tộc Pu Péo cũng chỉ đạt 13,5%; 52 DTTS còn lại đều có tỷ lệ dưới 10%.

Một số dân tộc có tỷ lệ người có trình độ đại học cực thấp: Ba Na 0,3%; Xinh Mun, La Hủ, Xtiêng 0,4%; Mảng 0,5%; Chơ Ro 0,9%... Cứ 100 người DTTS từ 15 tuổi trở lên chỉ có 9 người có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Thực trạng này cho thấy, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang thực sự “khát” nhân lực chất lượng cao.

Theo quan điểm của GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam: “Nguồn nhân lực chất lượng cao là một bộ phận của nguồn nhân lực nói chung, nhưng là bộ phận đặc biệt, bao gồm những người có trình độ học vấn từ cao đẳng, đại học trở lên hoặc những người có kinh nghiệm, tinh thông nghiệp vụ, có khả năng giải quyết vấn đề tốt, đang làm việc trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, có đóng góp tích cực cho phát triển cộng đồng”.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ để làm việc tốt hơn, thực hiện hiệu quả hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.

Về mặt xã hội, đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề quyết định tới sự phát triển của xã hội, là một trong những giải pháp để chống thất nghiệp.

Về phía tổ chức, doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực là để đáp ứng được nhu cầu tồn tại và phát triển của tổ chức, doanh nghiệp.

Còn với người lao động, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu học tập của người học, là một trong những yếu tố tạo nên động cơ lao động tốt.

Đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN), đào tạo nhân lực chất lượng cao là nhân tố cơ bản quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN; có vai trò quyết định đến học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực; đào tạo ra những người có khả năng dẫn dắt, tập hợp cộng đồng DTTS trong tổ chức sản xuất, quản lý xã hội; tạo nguồn nhân lực có khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới song song với việc phát huy các tri thức bản địa và kinh nghiệm của DTTS trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời có khả năng giải quyết những vấn đề mới, vấn đề phát sinh trong thực tiễn, sản xuất và đời sống xã hội.

Những năm qua, Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng DTTS. Hiện có 12 chính sách, gồm 8 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 4 Nghị định của Chính phủ liên quan đến lĩnh vực giáo dục của đồng bào DTTS.

Chính sách phát triển nguồn nhân lực cho đồng bào DTTS được thể hiện qua bốn nhóm: chính sách phát triển hệ thống trường chuyên biệt vùng DTTS và MN; chính sách ưu tiên trong tuyển sinh đại học, cao đẳng; chính sách hỗ trợ đối với người học về học bổng, hỗ trợ học tập, miễn, giảm học phí, chế độ cử tuyển, tuyển thẳng vào đại học, dự bị đại học, cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh, ưu tiên trong đào tạo, chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên… và chính sách đầu tư đối với các cơ sở đào tạo vùng DTTS và MN.

Riêng chính sách cử tuyển, từ 2011 - 2019, đã có 51/53 dân tộc thiểu số có sinh viên cử tuyển, với số lượng 8.681 học sinh; trên 36% học sinh cử tuyển được bố trí việc làm.

Về đào tạo hệ dự bị đại học dân tộc, trong 10 năm học qua, các trường, khoa dự bị đại học đã tuyển sinh và bồi dưỡng cho 34.253 học sinh, góp phần tạo nguồn sinh viên DTTS cho các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đối với chính sách đào tạo, dạy nghề người dân tộc thiểu số, cả nước đã hỗ trợ đào tạo trên 1,1 triệu người, chiếm 14% trên tổng số gần 8 triệu người DTTS trong độ tuổi lao động. Ở nhiều địa phương, việc dạy nghề đã gắn với giải quyết việc làm, tự tạo việc làm. Nhiều người sau khi học nghề đã tự mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình trang trại, phát triển kinh tế tại chỗ. Nhờ học nghề, 86,1% người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên đã có việc làm.

Một trong những phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 được Đại hội XIII của Đảng xác định, đó là: “Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn”.

Nhằm phục vụ đường lối lãnh đạo, mục tiêu chung đã được Đại hội XIII đề ra trên địa bàn vùng DTTS và MN, Ủy ban Dân tộc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ dự kiến mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tiếp tục là một nội dung trong mục tiêu tổng quát. Mục tiêu cụ thể là phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp trên 70%, lao động đến tuổi có việc làm, thu nhập ổn định trên 90%; trên 95% cán bộ, công chức xã có trình độ trung cấp chuyên nghiệp trở lên, trong đó trên 70% có trình độ đại học và trung cấp lý luận chính trị trở lên.

Để đạt được các mục tiêu trên, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo quy hoạch hợp lý các trường phổ thông dân tộc nội trú; đẩy mạnh phát triển các trường phổ thông dân tộc bán trú. Quan tâm quy hoạch, đầu tư hệ thống trường dự bị đại học dân tộc ở vùng Trung du miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Khẩn trương triển khai hệ dự bị đại học tại Học viện Dân tộc để bồi dưỡng, đào tạo đại học các chuyên ngành vùng DTTS còn thiếu như: bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư công nghệ thông tin, chế biến nông, lâm sản.

Đổi mới căn bản phương thức cử tuyển học sinh DTTS đi học đại học theo hướng học sinh DTTS rất ít người, học sinh nhóm dân tộc có tỷ lệ tốt nghiệp đại học/dân số dưới 1% phải trải qua học dự bị đại học hệ 1 năm hoặc 2 năm để đạt mặt bằng kiến thức chung trước khi học đại học nhằm nâng cao chất lượng đầu vào, làm cơ sở nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của vùng DTTS và MN.

Ủy ban Dân tộc cùng các bộ, ngành liên quan cũng tập trung nghiên cứu, ban hành chính sách đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa ngành Y - Dược, cao học công nghệ thông tin cho vùng DTTS và MN. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giữ vững thành quả phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ, phổ cập trung học cơ sở đúng độ tuổi./.

Bài, ảnh: Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực