Nâng mức đãi ngộ, giữ chân người lao động

Thứ ba, 02/02/2010 11:00

  

Người lao động tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng tại ngày hội việc làm và hướng nghiệp.
                    ( Ảnh: Thành Tâm)
 

Theo Bộ LĐTB-XH, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, đến cuối năm 2009, cả nước đã có 133.262 lao động bị mất việc làm - chiếm 18% lao động làm việc trong các doanh nghiệp (DN) có báo cáo, chưa kể 40.348 lao động ở các làng nghề bị mất việc làm và khoảng 100.000 người phải giảm giờ làm, nghỉ luân phiên.

Năm 2010, tình trạng lao động bị mất việc làm có cải thiện không? PV báo chí đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thị Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTB-XH) kiêm Giám đốc Trung tâm Dự báo quốc gia và thông tin thị trường lao động.

- PV: Theo bà, tỷ lệ lao động thất nghiệp trong năm 2010 có còn căng thẳng như năm 2009?

- TS Nguyễn Thị Hải Vân: Mặc dù nền kinh tế đang bắt đầu phục hồi trở lại, các DN đã nhận được nhiều đơn hàng sản xuất. Tuy nhiên theo nhận định của chúng tôi thì tỷ lệ thất nghiệp trong năm 2010 vẫn sẽ sàn sàn như năm 2009 hoặc có thể sẽ nhích hơn một chút.

- PV: Lý do vì sao bà lại dự báo như vậy trong khi các chuyên gia về kinh tế đều lạc quan rằng tình hình sản xuất kinh doanh, xuất khẩu đã “ấm” trở lại?

- Bởi vì sau thời kỳ khủng hoảng, thất nghiệp thì thanh niên (lực lượng lao động chủ chốt) chưa tìm được việc làm đã tiếp tục tham gia vào việc học hành, các khóa đào tạo nghề để hy vọng kiếm được một công việc tốt hơn sau thời kỳ khủng hoảng, nên thời gian học hành, học nghề của họ bị kéo dài ra. Do đó, chúng tôi cho rằng trong năm nay, tỷ lệ lao động tham gia thị trường lao động có thể sẽ giảm đi, có nghĩa là DN sẽ gặp khó khăn về lao động. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp lại chưa giảm ngay được.

- PV: DN thì đang rất “khát” lao động trong khi tỷ lệ thất nghiệp lại không giảm được, phải chăng đây là một điều vô lý?

- DN thì có nhu cầu nhưng không ít người dân thì lại không. Bởi vì hiện nay kinh tế của chúng ta đã phát triển rồi, khu công nghiệp, các nhà máy mọc lên nhiều nên người lao động đã có nhiều điều kiện hơn để lựa chọn địa điểm. DN cần làm việc và các yêu cầu đi kèm cũng cao hơn, chẳng hạn như điều kiện, môi trường làm việc có tốt không, lương có cao hơn các nơi khác không, thậm chí có nhà ở không... Còn trước đây thì do nhu cầu lao động còn ít, nên cứ có công việc là lao động đổ xô vào, dù mức lương thấp cũng đành chấp nhận.

Thậm chí hiện nay lao động còn không thiết tha vào làm công nhân của các nhà máy, khu công nghiệp vì đã có hiện tượng lao động bỏ nhà máy để quay lại khu vực làng nghề, làm dịch vụ hoặc khu vực phi chính thức như làm thuê trong nông nghiệp, buôn bán nhỏ, giúp việc gia đình… với mức thu nhập tới 80.000 - 120.000 đồng/ngày mà không bị ràng buộc, yêu cầu về trình độ. Trong khi, làm công nhân trong các DN dệt may, da giày, chế biến thủy sản… chỉ được chi trả mức lương trung bình có 1 - 1,5 triệu đồng/tháng, không đủ đảm bảo cuộc sống, gặp nhiều khó khăn, nhất là khi giá cả đắt đỏ.

- PV: Phải chăng đây là minh chứng cho tình trạng cứ vào đầu năm hoặc cuối năm là các DN ở miền Nam lại rất khan sốt lao động?

- Trước đây, miền Bắc chưa có nhiều khu công nghiệp nên lao động phải kéo vào Nam làm việc. Còn bây giờ, khi lao động trở ra Bắc, nhất là sau kỳ nghỉ tết thì ở ngay địa phương họ cũng đã có khu công nghiệp nên họ chuyển ra làm luôn ở ngoài Bắc. Họ không phải quay lại miền Nam nữa vì đi lại khá tốn kém, xa nhà, phải trả tiền tàu xe… mà mức lương trả của các doanh nghiệp ở phía Nam cũng không cao hơn được bao nhiêu. Dẫn đến, cứ sau mỗi kỳ nghỉ tết, các doanh nghiệp ở phía Nam lại mất một lượng lao động do họ không quay trở lại.

-PV: Vậy nguồn lao động ở phía Nam thì đi đâu, tại sao không đủ đáp ứng nhu cầu tại chỗ?

- Thực tế thì nguồn lao động ở phía Nam vẫn hoạt động tại chỗ, song do nhu cầu của các DN phía Nam quá lớn (về số lượng) nên nguồn lao động tại chỗ không đáp ứng đủ, chẳng hạn như ở Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM… nên cần phải bổ sung nguồn lao động từ phía Bắc. Đó là chưa kể chất lượng lao động tại chỗ chưa đáp ứng được yêu cầu mà các doanh nghiệp đòi hỏi, nhất là các DN lớn.

- PV:Làm sao để giải quyết tình trạng mất cân đối này?

- Theo tôi, các DN phải điều chỉnh lại mức lương cho người lao động, đảm bảo mức sống tối thiểu để lao động gắn bó với DN. Bên cạnh đó, cần tăng cường các chính sách như hỗ trợ về nhà ở, ký túc xá, nâng mức tiền thưởng, tiền làm tăng ca, tăng giờ… cho công nhân để giữ chân. Ngoài ra là phải mở rộng mạng lưới thông tin để nhu cầu của DN về lao động đến được nhiều người và ngược lại thông qua các kênh giới thiệu việc làm, các trang web về việc làm…

- PV: Cảm ơn bà!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực