Người giáo dân 40 năm làm từ thiện

Thứ ba, 06/02/2024 14:17
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Với tấm lòng “yêu người như chính mình vậy”, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt đã dành phần nhiều thu nhập của gia đình để làm từ thiện, cùng đem Tết đến với người nghèo nơi vùng cao Tây Bắc.

Gần Tết Nguyên đán 2024, căn nhà bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt sinh sống tại ngõ 562 phố Trần Cung (quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) rộn ràng niềm vui. Bà Nguyệt tất bật chuẩn bị nguyên liệu, trực tiếp gói bánh chưng nhưng không phải cho gia đình mình, cũng không để bán mà để dành tặng bệnh nhân phong (ở huyện Sông Mã, Sơn La) và những gia đình nghèo,… Vừa luôn tay gói bánh, bà vừa nói: “Tết năm nay có 2.400 chiếc bánh chưng từ thiện rồi anh ạ!”. Người nghe chưa hết ngạc nhiên với con số này, bà đã tiếp lời: “Năm nào cũng thế. May có các con, anh em và hàng xóm xúm lại gói đỡ”.

Theo bà Nguyệt, lượng bánh chưng năm nay thế là ít hơn năm trước nhưng bù lại có nhiều áo ấm hơn để gửi đi, từ đầu mùa đông đến nay đã có hơn 5 nghìn bộ quần áo ấm được gửi tặng học sinh mầm non và học sinh cấp 1 tại các điểm trường nơi miền núi xa xôi.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt luôn dành tình yêu thương và hỗ trợ trẻ em vùng cao Tây Bắc. Ảnh: An Luých 

Bà Nguyệt cùng các thiện nguyện viên chuẩn bị những phần quà Tết rất chu đáo dành tặng người nghèo, hầu hết là gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng Tây Bắc, mỗi phần quà gồm 10 cân gạo, 2 bánh chưng (hoặc thùng mì tôm), gia vị, bột ngọt, bột giặt, hai trăm hoặc ba trăm nghìn đồng.

Hàng chục năm qua, bà cùng chồng là Phạm Tiến Dũng âm thầm làm từ thiện, thuê xe chở quà lên vùng Tây Bắc, trên đó có người đứng ra nhận rồi đi trao. Mấy năm gần đây có thêm 5 người ở Hà Nội cùng tham gia, trong đó 4 người có ô tô riêng đã tình nguyện chở quà lên tận bản làng. “Khi trao tặng tận tay, món quà nhỏ không còn là vật chất đơn thuần mà là tình cảm chân thành, người nhận ấm lòng hơn, mình cũng thấy hạnh phúc”, bà Nguyệt nói.

Nhiều người sinh sống tại Sơn La, Yên Bái cũng tình nguyện tham gia, giúp lên danh sách các điểm trường cần hỗ trợ, phối hợp tổ chức các bữa ăn ngon cho các em học sinh, hoặc tiếp nhận quà từ Hà Nội chuyển lên,… Mạng lưới tình nguyện viên tham gia cùng bà Nguyệt đến nay đã có 200 người, gọi chung là Nhóm Bác Ái Hiến sĩ OMI, tất cả thành viên đều làm việc bằng tấm lòng yêu thương và cái tâm trong sáng. Quà mà nhóm trao tặng đều có người nhận và địa chỉ cụ thể, được công khai minh bạch.  

Các em học sinh vùng núi Tây Bắc được Nhóm Bác Ái OMI trao tặng áo ấm. Ảnh: AL 

Thấy việc làm thiết thực, giàu tình người của bà Nguyệt và Nhóm Bác Ái, một công ty may mặc đã chung tay hỗ trợ quần áo ấm, đơn vị khác hỗ trợ mì tôm. Bà Nguyệt vui mừng khôn xiết vì hơn ai hết, bà hiểu rõ đang có rất nhiều em nhỏ cần tấm áo ấm để chống chọi với mùa đông buốt giá nơi rẻo cao Tây Bắc.

Không chỉ gói bánh, chuẩn bị quà tặng đồng bào nghèo, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt cùng các anh em trong Nhóm Bác Ái còn duy trì 18 nồi cháo và 9 nồi cơm từ thiện kèm theo các món ăn phục vụ miễn phí cho bệnh nhân tại bệnh viện ở Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Tuyên Quang. Tại mỗi bệnh viện, Nhóm Bác Ái cung cấp từ 150 đến 200 suất ăn miễn phí/tuần.

Tiến sĩ Phạm Huy Thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hà Nội cho biết: Bà Nguyệt là giáo dân thuộc giáo họ Hoàng Thôn - giáo xứ Cổ Nhuế - Tổng giáo phận Hà Nội. Bốn mươi năm qua, vợ chồng bà thầm lặng bỏ tiền túi để làm  từ thiện - bác ái.  May mắn được cha mẹ để lại cho thửa đất rộng, vợ chồng bà xây nhà cho thuê, nhưng hàng ngày vẫn tần tảo lao động kiếm tiền trang trải cuộc sống, bởi tiền cho thuê nhà được dành phần nhiều để làm từ thiện.

"Tôi đã trực tiếp đi cùng Nhóm Bác Ái đó. Nhiều lần, xe chạy thông từ sáng đến chiều cho kịp thời gian trao quà, nhưng không thấy ai kêu đói. Sớm tinh mơ, anh chị em đã dậy để kịp chuẩn bị cả trăm suất ăn ngon thiết đãi các em học sinh dân tộc thiểu số. Các em hồ hởi ăn như chưa bao giờ được ăn. Tận mắt chứng kiến những thiếu thốn của đồng vùng cao mới thấy những tấm lòng như bà Nguyệt rất đáng quý.” - ông Thông nói.

Với tấm lòng bác ái “yêu người như chính mình vậy”, người giáo dân Nguyễn Thị Minh Nguyệt là điển hình sống tốt đời - đẹp đạo được UBND quận Bắc Từ Liêm, Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hà Nội, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội tặng Bằng khen. Nhưng khi chia sẻ với người viết bài này, bà Nguyệt chỉ mộc mạc: Làm việc tốt cũng là đem lại hạnh phúc cho chính mình mà, đạo Công giáo đã dạy: “Ai xót thương người - đó là phúc thật”./.

An Luých

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực