Nhân lên những nghĩa cử cao đẹp, giàu tính nhân văn

Chủ nhật, 03/03/2024 10:40
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Để phong trào hiến giác mạc lan tỏa sâu rộng, cùng với công tác tuyên truyền; cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh Ninh Bình cũng thường xuyên làm tốt công tác biểu dương, tôn vinh những cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu trong hoạt động hiến giác mạc.

Hiến tặng giác mạc sau khi qua đời là nghĩa cử cao đẹp, nhân văn, đầy ý nghĩa trong xã hội, đem lại cơ hội sống nhìn thấy ánh sáng cho nhiều người bệnh có nhu cầu ghép giác mạc. Tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, hơn 15 năm qua, phong trào hiến tặng giác mạc đã có sự lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Khởi đầu từ tháng 4/2007 với sự kiện cụ bà Nguyễn Thị Hoa, ở Cồn Thoi, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, đến nay phong trào hiến tặng giác mạc đã lan rộng ra toàn huyện Kim Sơn và cả tỉnh Ninh Bình.

Xuất phát từ ý nghĩa nhân văn của việc hiến tặng giác mạc, phong trào hiến giác mạc ở Ninh Bình đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội. Trong đó, các cấp Hội Chữ thập đỏ đã phát huy vai trò nòng cốt, tích cực tuyên truyền, vận động người dân tình nguyện đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, cứu giúp những người không may mắn bị bệnh, mù lòa được cứu chữa, có cuộc sống hạnh phúc hơn, lan tỏa tình yêu, lòng nhân ái trong cộng đồng.

 GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế trò chuyện với người đăng ký hiến tặng giác mạc. (Ảnh: Thái Bình).

Đặc biệt, quá trình tổ chức và nhân rộng phong trào hiến tặng giác mạc trong cộng đồng dân cư huyện Kim Sơn, các cấp Hội Chữ thập đỏ đã từng bước xây dựng được một mạng lưới cộng tác viên ngân hàng mắt, tình nguyện viên nhiệt tình tham gia vận động, tuyên truyền về hiến tặng giác mạc, từ đó nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về công tác chăm sóc và bảo vệ đôi mắt nói chung cũng như về các vấn đề liên quan đến hiến tặng giác mạc và các bệnh lý về giác mạc nói riêng. Tại những khu vực mình phụ trách, các tình nguyện viên nắm chắc những đối tượng người cao tuổi, người có bệnh hiểm nghèo để có phương pháp tiếp cận tuyên truyền với từng đối tượng, giúp nhiều người hiểu ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến tặng giác mạc, làm cho họ không chỉ tham gia mà còn nhiệt tình vận động người thân cùng tham gia. Đội ngũ cộng tác viên ngân hàng mắt đã làm việc bất kể ngày đêm, thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng lên đường bất kỳ lúc nào để thu nhận những món quà quý giá do người hiến giác mạc và gia đình trao tặng.

Chị Lê Thị Hường ở xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn chia sẻ: “Thông qua công tác tuyên truyền, tôi đã tự nguyện đăng ký hiến giác mạc sau khi mất. Tôi cũng tham gia vận động người thân, bạn bè tích cực hưởng ứng phong trào nhân văn này. Tôi thực sự cảm thấy vui khi mình không còn trên cuộc đời thì giác mạc của mình vẫn có thể giúp ai đó nhìn thấy ánh sáng”.

Được biết, đến nay Ngân hàng Mắt - Bệnh viện Mắt Trung ương đã thu nhận được trên 963 giác mạc do người dân ở 20 tỉnh, thành phố trong cả nước tình nguyện hiến tặng. Bệnh viện Mắt Trung ương đã thu nhận và ghép cho hàng trăm bệnh nhân mù bị mù do các bệnh lý giác mạc giúp họ tìm lại được ánh sáng.

Bị bệnh lý về giác mạc từ khi 9 tuổi, năm 2019, chị Nguyễn Thu Hương (Hà Nội) đã được ghép hai giác mạc từ nguồn hiến tặng. “Tôi mãi biết ơn những người đã hiến tặng giác mạc để tôi được nhìn thấy cuộc sống sau gần 20 năm mắc bệnh. Tôi mong muốn nghĩa cử cao đẹp từ các gia đình hiến giác mạc sẽ lan tỏa, giúp thêm nhiều người được thấy lại ánh sáng như tôi”, chị Nguyễn Thu Hương xúc động chia sẻ.

Theo thống kê, tỉnh Ninh Bình đã có 504 người hiến giác mạc và 3 người hiến tạng, là địa phương dẫn đầu cả nước về số người hiến tặng giác mạc cũng như hiến tạng sau khi qua đời; riêng huyện Kim Sơn đã có gần 420 người hiến giác mạc sau khi qua đời. Huyện Kim Sơn đã trở thành điểm sáng của cả nước trong phong trào hiến tặng giác mạc. Các địa phương có phong trào hiến tặng giác mạc nổi bật như: Xã Cồn Thoi (121 người - là xã có người hiến giác mạc nhiều nhất cả nước); xã Văn Hải (55 người); tiếp đến là các xã Định Hóa, Kim Tân, Kim Mỹ, Kim Định, Ân Hòa, Kim Chính, Kim Đông…, mỗi xã đã có trên dưới chục người đã hiến tặng giác mạc và hàng trăm người viết đơn đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, khẳng định sức lan tỏa và ý nghĩa nhân đạo của phong trào hiến tặng giác mạc trên địa bàn huyện Kim Sơn. Kết quả đó có được chính là nhờ sự nỗ lực lớn của các cấp ủy, chính quyền các địa phương; các tổ chức, đoàn thể; các tổ chức tôn giáo, và đặc biệt là sự nhiệt tình, trách nhiệm của mạng lưới cộng tác viên trong công tác tuyên truyền, vận động đăng ký hiến tặng giác mạc.

 Bộ Y tế và UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp tôn vinh các gia đình có người hiến tặng giác mạc. (Ảnh: Ngọc Huyền).

Để phong trào hiến giác mạc lan tỏa sâu rộng, cùng với công tác tuyên truyền, cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh Ninh Bình cũng thường xuyên làm tốt công tác biểu dương, tôn vinh những cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu trong hoạt động hiến giác mạc. Hằng năm, UBND tỉnh Ninh Bình đều phối hợp tổ chức chương trình tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến giác mạc qua đó kịp thời động viên, lan tỏa giá trị nhân văn của việc hiến tặng giác mạc.

Mới đây, phát biểu tại Lễ tôn vinh người hiến giác mạc do Bộ Y tế (Bệnh viện Mắt TW) và UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp tổ chức tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định công cuộc vận động hiến tặng giác mạc của ngành y tế không thể thành công nếu không có sự ủng hộ của các cấp chính quyền, các đoàn thể, tổ chức trong xã hội, và đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân. Một người hiến giác mạc có thể mang lại ánh sáng cho hai người mù... Chính sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều người bệnh.

Theo ước tính, Việt Nam hiện có hơn 30.000 người mù do bệnh lý giác mạc, cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Phẫu thuật ghép giác mạc là phương pháp duy nhất trên thế giới hiện nay mang lại ánh sáng cho người mù do bệnh lý giác mạc.

Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, danh sách người đăng ký chờ ghép giác mạc gần 1.000 người, con số này ngày càng tăng lên theo thời gian. Dù phẫu thuật ghép giác mạc ở Việt Nam đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, đội ngũ phẫu thuật viên ngày càng đông đảo hơn nhưng do nguồn giác mạc vô cùng khan hiếm, lượng hiến tặng giác mạc thời gian qua mới chỉ đáp ứng được số lượng rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. Vì vậy, việc nhân rộng những “điểm sáng” về phong trào hiến tặng giác mạc như huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình là hết sức cần thiết. Qua đó, vừa lan tỏa nghĩa cử cao đẹp, giàu ý nghĩa nhân văn, vừa mang lại nguồn sáng, mở ra tương lai mới cho những người không may mắc các bệnh lý về mắt./.

Phạm Như Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực