Phân loại rác tại nguồn góp phần bảo vệ môi trường ở nhiều xứ đạo

Thứ năm, 21/03/2024 14:21
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định việc phân loại rác tại nguồn được thực hiện chậm nhất trước 31/12/2024. Các xứ đạo đã quan tâm thực hiện sớm quy định này, góp phần thiết thực bảo vệ môi trường và tận thu được kinh tế để bổ sung vào hoạt động từ thiện - bác ái.

Tại khuôn viên thánh đường giáo xứ Kẻ Sét (đường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) từ nhiều tháng nay đã được đặt “trạm rác văn minh” ở góc khuôn viên thánh đường. Trạm rác gồm các ngăn chứa pin thải, rác thải có thể tái chế (chai nhựa, lon nước ngọt,…). Bên cạnh trạm rác này là thùng lớn chứa các loại rác khác, xung quanh đều gọn gàng ngăn nắp và không hề có rác vương vãi.

Ghi nhận thực tế tại những khung thời gian tập trung đông giáo dân tham gia hoạt động tôn giáo cho thấy, mọi người đều rất có ý thức bỏ rác đúng nơi, phân loại rác trước khi bỏ vào trạm rác văn minh. Có những em thiếu nhi đi ngoài đường vô tình thấy chai nhựa trên vỉa hè đã nhặt và đem bỏ vào trạm rác văn minh thuộc khu vực thánh đường.

 Trạm rác văn minh tại giáo xứ Kẻ Sét đang phát huy hiệu quả. Ảnh: An Luých

Em Hải Ngân vừa phân loại rác bỏ vào trạm rác văn minh cho biết: “Chúng em được giáo xứ tập huấn về bảo vệ môi trường, bảo vệ Ngôi nhà chung - Trái đất theo Luật Bảo vệ môi trường của Nhà nước và Thông điệp Laudato Si của Đức Giáo hoàng Francis. Được phổ biến về quy định phân loại rác nên các bạn đều tự giác bỏ rác đúng nơi, phân loại rác để tận thu đem bán lấy tiền ủng hộ các quỹ từ thiện - bác ái của giáo xứ. Việc làm này thành thói quen hàng ngày rồi ạ!”.

Tại nhiều giáo xứ khác thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội, giáo dân cũng chủ động đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường như: tổ chức thu gom rác theo ngày; các gia đình tự phân loại chai nhựa, thùng giấy, đợi các bạn trẻ chuyên làm thiện nguyện của giáo xứ đến lấy đem bán ủng hộ các hoạt động bác ái. Các giáo xứ  đều kiến tạo không gian xanh qua việc trồng cây, trồng hoa tại khu vực thánh đường và các tuyến đường liên thôn, liên xã.

Bên cạnh các hoạt động bảo vệ môi trường do Tổng Giáo phận triển khai, Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thành phố Hà Nội cũng tổ chức xây dựng mô hình “Xứ, họ đạo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” tại các thôn Công giáo toàn tòng; mô hình “Xứ, họ đạo cùng cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” tại các giáo họ người Công giáo sống đan xen cùng lương dân. Những mô hình này đang phát huy hiệu quả thiết thực trong bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới; nhiều nội dung bảo vệ môi trường đã thành nền nếp hàng ngày trong đời sống, góp phần nâng cao chất lượng môi sinh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tại TP. Hồ Chí Minh, để thuận tiện cho việc phân loại rác tại nguồn, đầu năm 2024, Tổng Giáo phận TP. Hồ Chí Minh đã trang bị cho các giáo xứ tổng số 500 thùng rác 3 ngăn để phân loại rác vô cơ, hữu cơ và rác nguy hiểm. Kích thước các thùng chứa rác gồm hai loại: 180 lít và 60 lít. Thùng rác màu xanh là rác hữu cơ có thể phân hủy được, màu vàng là rác vô cơ, màu đỏ là rác nguy hiểm như dây điện, bóng đèn, pin, đồ điện tử hư hỏng. Do ban đầu đa số người dân chưa quen phân loại rác nên trên các thùng rác còn in thêm biểu tượng loại rác để mọi người không bị nhầm lẫn.

Tiến sĩ Phạm Huy Thông - chuyên gia nghiên cứu về Tôn giáo, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP. Hà Nội cho biết: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định việc phân loại rác tại nguồn được thực hiện chậm nhất trước 31/12/2024. Vì vậy, các ngành chức năng, tổ chức tôn giáo đang quan tâm nhiều hơn tới vấn đề này, nhất là ở những thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh…

Đối với Công giáo, việc phân loại rác đã được thực hiện từ nhiều năm trước đây bởi đa số các xứ đạo đều có các nhóm hoạt động bác ái. Những nhóm này đã tận thu phế liệu từ phân loại rác tại các gia đình Công giáo để đem bán lấy tiền thêm vào quỹ từ thiện - bác ái. Thực hiện phân loại rác thải tại nguồn vì thế vừa có ích cho xã hội, vừa có lợi xứ đạo, góp phần hưởng lời mời gọi “Chăm sóc Ngôi nhà chung” của Đức Giáo hoàng Francis trong Thông điệp Laudato Si.

Nội dung Thông điệp của Đức Giáo hoàng và chính sách bảo vệ môi trường của Nhà nước ta cùng chung mục đích là bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, vì vậy các xứ đạo đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn giáo dân thực hiện. Nhiều giáo phận đã khuyến nghị các linh mục dành thời gian trước giờ học giáo lý để giáo dục về môi trường cho thiếu nhi. Bên cạnh đó, giáo trình Đạo đức Môi sinh bắt đầu triển khai giảng dạy trong khóa học giáo lý tại nhiều xứ đạo nhằm giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho các thế hệ trẻ ngày từ khi còn rất nhỏ. Giáo trình cũng cung cấp những kiến thức chung về tình hình môi trường thế giới và Việt Nam; tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường; hướng dẫn những chương trình hành động cụ thể trong bảo vệ môi trường;…

Theo Tiến sĩ Phạm Huy Thông, những hoạt động trên đang lan tỏa trong đồng bào Công giáo, qua đó góp phần thiết thực  đưa Luật Bảo vệ môi trường và Thông điệp Laudato Si vào đời sống./.

An Luých

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực