Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Chủ động hơn nữa trong công tác chỉ đạo, ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ

Thứ sáu, 02/12/2016 17:05
(ĐCSVN) - Sáng 2/12 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phối hợp cùng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn tổ chức Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong tháng 10, 11/2016. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tới dự và chỉ đạo Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT)

Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Quang Hoài - Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống Thiên tai cho biết, từ giữa tháng 10/2016 đến nay, khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã có 4 đợt mưa lũ lớn trên diện rộng. Trong đó, 2 đợt mưa lũ vào giữa tháng 10 và đầu tháng 11/2016 diễn ra với cường độ mạnh đã làm 65 người chết và mất tích, 191.084 nhà bị ngập nước, 22.151 ha lúa bị ngập, hư hại… Tổng thiệt hại về vật chất ước tính trên 7.198 tỷ đồng.

Hiện nay, Chính phủ, các Bộ, ngành đã tập trung hỗ trợ các địa phương, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ ban đầu, kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh. Trong đó, đã xuất 4.414 tấn lương thực, 400.000 viên Cloramin B, 200 cơ số thuốc hỗ trợ 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Trình Chính phủ hỗ trợ 305 tỷ đồng cho 14 tỉnh bị thiệt hại trong 2 đợt lũ vừa qua và 2.016 tấn lúa giống, 325 tấn ngô, 58 tấn rau.

Các địa phương bị thiệt hại đã khẩn trương tổ chức công tác khắc phục hậu quả, tổ chức tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, đồng thời tổ chức thăm hỏi động viên các gia đình có người bị chết, bị thương và trích ngân sách địa phương để hỗ trợ theo quy định. Hệ thống các lực lượng như: lực lượng vũ trang, thanh niên đã tổ chức vệ sinh môi trường, phun thuốc tiêu độc, khử trùng; xử lý nước sinh hoạt, cung cấp thuốc chữa bệnh, kiểm soát dịch bệnh giúp người dân.

Bên cạnh đó, nhiều đoàn công tác của các Bộ, ngành tổ chức kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, việc xả lũ hồ chứa, triển khai các hoạt động ủng hộ bằng vật chất và tinh thần đối với bà con vùng lũ lụt miền Trung. Nhiều tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị đã góp phần đẩy nhanh công tác khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân vùng lũ sớm ổn định đời sống, phục hồi sản xuất sau đợt mưa lũ.

Tuy vậy, theo ông Trần Quang Hoài, công tác triển khai khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua cho thấy vẫn còn khá nhiều tồn tại. Trong đó, có thể thấy thiệt hại về người còn lớn, nguyên nhân do một số bộ phận người dân, chính quyền địa phương còn chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó; chưa thực hiện nghiêm túc, triệt để công điện của Chính phủ và các cấp, nhất là khi lũ lên nhanh.

Cùng với đó, công nghệ dự báo bao gồm: hệ thống quan trắc, ra-đa, lưới trạm khí tượng thủy văn, nhất là tại các vùng địa hình phức tạp, chia cắt, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác dự báo mưa lũ. Nhiều hồ chứa thiếu thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn khu vực thượng lưu hồ, thiết bị thông tin cảnh báo; việc phối hợp với địa phương và thông tin xả lũ còn hạn chế. Quá trình phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt đối với hệ thống đường giao thông, cầu, cống trên các quốc lộ, tỉnh lộ, đường sắt Bắc - Nam, các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị,…làm co hẹp lòng dẫn thoát lũ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến mực nước lên nhanh, tăng thời gian và chiều sâu ngập lũ, gia tăng thiệt hại và chậm quá trình khắc phục hậu quả.

Hiện nay, tình hình thiên tai, đặc biệt là bão, mưa lũ đang có những diễn biến phức tạp, cực đoan và bất thường, đặc biệt đối với khu vực miền Trung và Tây Nguyên, vì vậy, Ban Chỉ đạo Trung ương và Phòng chống Thiên tai đề nghị các địa phương, sau khi vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, cần tiếp tục huy động các lực lượng khôi phục các công trình thiết yếu, hỗ trợ nhân dân khôi phục nhà cửa, sản xuất nhằm sớm ổn định đời sống. Bên cạnh đó, tổ chức đánh giá cơ sở hạ tầng vùng hạ du của các hồ chứa thủy điện, công trình thủy lợi trong 2 đợt mưa lũ vừa qua, đề xuất trình Chính phủ giải pháp căn cơ, đảm bảo phòng, chống lũ an toàn. Tăng cường quản lý, giám sát xả lũ các hồ chứa, điều chỉnh phù hợp với thực tế để đảm bảo tích nước, phục vụ sản xuất năm 2017.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương cần tiếp tục duy trì thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong công tác ứng phó với lũ lụt, thiên tai. Đồng thời, cần chú ý đến công tác cứu hộ cứu nạn, nhất là ở vùng biển do diễn biến thời tiết được dự báo còn nhiều phức tạp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: BT)

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu. Tình hình thiên tai, bão, mưa lũ diễn biến ngày càng bất thường, đặc biệt, năm nay, theo dự báo, tình hình mưa lũ sẽ kết thúc muộn, vì vậy, cần hết sức chủ động để ứng phó. Với khu vực Miền Trung, Tây Nguyên - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, mưa lũ, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương cần tập trung chủ động triển khai các giải pháp nhằm ứng phó với mọi tình huống xấu nhất để giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhà nước, nhân dân.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung ứng phó với mưa, lũ, đồng thời khắc phục hậu quả thiệt hại do đợt mưa lũ gây ra vừa qua. Trong đó, tập trung tìm kiếm những người còn mất tích, hỗ trợ các gia đình chịu nhiều thiệt hại trong mưa lũ. Các địa phương chủ động kiểm soát, thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho người và vật nuôi. Đồng thời, tích cực khắc phục sản xuất, ổn định đời sống của người dân.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức rà soát, bổ sung, cập nhật các giải pháp nhằm có số liệu để điều chỉnh phương án ứng phó với bão lũ. Về lâu dài, để triển khai hiệu quả trong công tác phòng, chống mưa lũ, Phó Thủ tướng đề nghị cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền kiến thức cho người dân nhằm chủ động ứng phó với thiên tai. Nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ phòng chống thiên tai, qua đó nâng cao tính tích cực, tinh thần làm việc có trách nhiệm để giải quyết các vấn đề phức tạp do thiên tai. Ngoài ra, cần xây dựng được cơ chế phối hợp giữa các chủ hồ đập với các địa phương, quy định rõ trách nhiệm của các bên nhằm thực hiện tốt công tác vận hành hồ đập./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực