Quan tâm đúng mức thiết chế văn hóa gắn với khu nhà ở công nhân

Thứ tư, 13/10/2021 01:34
(ĐCSVN) - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị cần có nghiên cứu tổng thể dựa trên căn cứ khoa học, thực tiễn để có những chính sách phù hợp khi tiến hành quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong đó, quan tâm đúng mức đến đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao gắn với khu nhà ở, khu lưu trú tiện ích an toàn.

Ngày 12/10 tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) tổ chức hội nghị theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố, ký kết chương trình phối hợp về xây dựng đời sống văn hóa trong công chức, viên chức và công nhân lao động (CNVCLĐ) giai đoạn 2021-2026.

Đánh giá cao những kết quả đạt được của chương trình phối hợp giữa hai cơ quan trong giai đoạn 2016-2021, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam, các bộ, ngành, cơ quan liên quan kiến nghị với Đảng, Nhà nước có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất để CNLĐ trở lại làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp, đảm bảo việc làm, thu nhập và an toàn.

Quang cảnh Hội nghị 

Đồng tình với 6 nội dung trong chương trình phối hợp hai cơ quan triển khai trong giai đoạn 2021-2026, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tin tưởng việc triển khai tốt các nội dung từ Trung ương đến địa phương, cơ sở thì chắc chắn sẽ “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tăng cường các hoạt động thể dục, thể thao nhằm nâng cao thể lực và sức khỏe tinh thần cho CNVCLĐ, góp phần hiện thực hóa những định hướng về phát triển con người và nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được đề cập trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Nhắc tới những tổn thất nặng nề mà đại dịch gây ra đang tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội và làm thay đổi tư duy, chuẩn mực xã hội trên một số lĩnh vực, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, trong bối cảnh đó, các cấp, các ngành cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò của CNLĐ trong các khu công nghiệp. Đây chính là lực lượng quan trọng, quyết định sự phát triển của một doanh nghiệp, một khu công nghiệp, một tỉnh và của cả một nền kinh tế của đất nước.

Bí thư Trung ương Đảng Đỗ Văn Chiến đề nghị cần có nghiên cứu tổng thể dựa trên căn cứ khoa học, thực tiễn để có những chính sách phù hợp khi tiến hành quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong đó, quan tâm đúng mức đến đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao gắn với khu nhà ở, khu lưu trú tiện ích an toàn.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang, xây dựng và phát triển văn hóa, con người được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ chiến lược, cần phải được thực hiện thường xuyên với sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, nhất là ở cấp cơ sở. 

Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ VHTT-DL đã triển khai chương trình phối hợp nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng đời sống văn hóa trong CNVCLĐ; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. 

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang và Bộ trưởng Bộ VHTT-DL Nguyễn Văn Hùng ký chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2026 

Đặc biệt, dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng nặng nề đến mọi tầng lớp Nhân dân, trong đó có đoàn viên, CNLĐ. Bên cạnh những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của Nhân dân và kinh tế - xã hội, dịch bệnh cũng cho thấy những vấn đề về văn hóa rất đáng quan tâm, suy ngẫm. Nhiều giá trị tích cực tiếp tục được phát huy, nhân lên như: lòng yêu nước, yêu thương con người, sự hy sinh và sẻ chia trong khó khăn, hoạn nạn; tinh thần tận tụy, hết lòng vì đoàn viên, người lao động của những cán bộ công đoàn nơi tâm dịch... 

Bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại, hạn chế mà chúng ta không thể không băn khoăn như: hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh, lôi kéo, kích động người dân và CNLĐ, sự vô cảm hay trục lợi trong khó khăn, phát lộ nhiều chủ doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ chính sách, pháp luật với NLĐ, bỏ mặc người lao động trong khó khăn…

Giai đoạn 2021-2026, hai bên sẽ tập trung vào 6 nội dung phối hợp cụ thể như: phối hợp tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; khuyến khích thói quen đọc sách, rèn luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp; nhân rộng các mô hình điểm về văn hóa, thể thao và gia đình trong CNVCLĐ; phát huy các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa…/.

5 năm qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ VHTT-DL đã cùng xây dựng kế hoạch tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa CNVCLĐ theo từng chủ đề, hình thức chuyển tải khác nhau như: “Ứng xử văn hóa - chìa khóa vạn năng”; “Sống thử - hậu quả thật”, “Sách - vitamin tâm hồn”, “Tiêu chí tác phong lao động công nghiệp”, “Mạng xã hội - thế giới ảo - cảm xúc thật”, “Khỏe để góp phần nâng cao năng suất lao động”…

Hai bên cũng tổ chức 43 cuộc tập huấn cho 3.550 cán bộ công đoàn từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Từ nội dung tập huấn, kết quả nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội của đội ngũ CNVCLĐ được nâng lên văn minh, tiến bộ hơn.

Về xây dựng hệ thống các thiết chế công đoàn, tính đến hết năm 2020, cả nước có 66 thiết chế văn hoá cấp tỉnh (trung tâm văn hoá, trung tâm văn hóa nghệ thuật, trung tâm văn hóa - điện ảnh, trung tâm thông tin triển lãm...); 700 quận, huyện có trung tâm văn hoá - thể thao hoặc nhà văn hoá, đạt tỷ lệ khoảng 96,5%; 7.945 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hoá - thể thao, đạt tỷ lệ 74,5%; 78.273 làng, thôn, bản, ấp… có nhà văn hoá.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực