Tăng năng suất lao động: Con đường ngắn nhất đưa nền kinh tế phát triển nhanh

Thứ ba, 19/09/2023 18:09
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là vấn đề cốt lõi hiện nay, là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới.

 

Thúc đẩy, tăng năng suất lao động là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới. (Ảnh minh hoạ: KT)

Năng suất lao động của Việt Nam đứng đâu trong khu vực và thế giới?

Các chuyên gia nhấn mạnh, nâng cao năng suất lao động là vấn đề sống còn đối với tất cả các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Những năm qua, năng suất lao động của Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước trong khu vực ASEAN có trình độ phát triển cao hơn.

Tuy vậy, có thực tế là bình quân hai năm 2021-2022, năng suất lao động chỉ tăng 4,65%/năm, thấp khá xa so với mục tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đặt ra là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân mỗi năm trên 6,5%. Nghĩa là để đạt được mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025 thì bình quân ba năm 2023-2025, mỗi năm năng suất lao động cần phải tăng khoảng 7,8%. Như vậy, mặc dù đã có sự cải thiện nhưng năng suất lao động những năm gần đây tăng tương đối chậm và chưa có đột phá như kỳ vọng. Đây là thách thức lớn đối với kinh tế Việt Nam vì thực tiễn quá trình phát triển đất nước cho thấy việc đẩy mạnh tốc độ tăng năng suất lao động có ý nghĩa quyết định đối với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

TS Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, theo số tuyệt đối tính theo sức mua tương đương năm 2017, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 đạt 20,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,4% mức năng suất lao động của Singapore; 35,4% của Malaysia; 64,8% của Thái Lan. So với các nền kinh tế phát triển có quy mô lớn, năng suất lao động của Việt Nam bằng 15,4% của Mỹ; 19,1% của Pháp; 21,6% của Anh; 24,7% của Hàn Quốc; 26,3% của Nhật Bản và 59% của Trung Quốc. So sánh năng suất lao động của Việt Nam với các nước cho thấy chúng ta đang phải đối mặt với thách thức rất lớn để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới trong thời gian tới. 

Lí giải nguyên nhân chính của thực trạng năng suất lao động thấp, TS Nguyễn Lê Hoa, Trưởng Phòng Nghiên cứu năng suất, Viện Năng suất Việt Nam cho rằng, tại Việt Nam đang thiếu hụt lao động lành nghề có kỹ năng cao; thành phần kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhưng hầu hết là quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên khó có thể nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực này.

Mặc dù các chính sách của Nhà nước đều tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế đã tác động tích cực đến tăng năng suất ở Việt Nam nhưng năng suất nội ngành chưa đạt được như kỳ vọng, các ngành đóng góp cao vào GDP và sử dụng lao động cao nhưng mức năng suất còn thấp, tốc độ tăng trưởng chưa đạt như mong muốn…

Theo TS Nguyễn Lê Hoa, thời gian qua đã có nhiều chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong thúc đẩy nâng cao năng suất lao động của Việt Nam, như đổi mới mô hình tăng trưởng, giải quyết thủ tục hành chính, đổi mới khoa học công nghệ nhưng quá trình thực thi chính sách còn chậm; các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa có sự tham gia tích cực từ phía doanh nghiệp. Vì vậy, thời gian tới, các hoạt động thúc đẩy nâng cao năng suất lao động Việt Nam cần được triển khai mạnh mẽ hơn.

Tăng năng suất lao động, con đường ngắn nhất đưa kinh tế phát triển nhanh 

Ông Felix Weidencaff - Chuyên gia về Việc làm, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Khu vực Châu Á Thái Bình Dương nhận định, thách thức liên quan đến năng suất của Việt Nam khá đa dạng theo từng phân khúc doanh nghiệp: Năng suất của khu vực nhà nước và FDI cao hơn so với khu vực tư nhân trong nước và hộ kinh doanh.

Trong bối cảnh hiện nay, để bảo đảm cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, phát triển bền vững, Việt Nam cần có động lực mới về tăng trưởng năng suất. “Việt Nam chuyển đổi từ khu vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp, song không thể tiếp diễn vĩnh viễn nên cần có công nghiệp và sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Đây là động lực để tăng năng suất”, ông Felix Weidencaff nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo ông, vai trò của các thể chế và chính sách thị trường lao động rất quan trọng để giải quyết những thách thức kép trong việc duy trì tăng trưởng năng suất và bảo đảm tăng trưởng năng suất bao trùm, tạo nhiều công ăn việc làm. Phải tạo được hệ sinh thái về thị trường lao động, điều này đòi hỏi sự can thiệp từ cấp quốc gia, ngành và doanh nghiệp.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về nâng cao năng suất, ông Jonathan Pincus, Chuyên gia Kinh tế quốc tế cấp cao của Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, hiện nay trên thế giới chỉ có khoảng 11 quốc gia có thể duy trì tăng năng suất về lâu dài, trong đó Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu và phần lớn các quốc gia là ở châu Âu. Điểm chung của các quốc gia này là những nước xuất khẩu thành công, tận dụng nhu cầu nước ngoài để tăng quy mô sản xuất các ngành cả công nghiệp và nông nghiệp.

Chuyên gia kinh tế của UNDP cho rằng hai vấn đề trong đầu tư nghiên cứu phát triển của Việt Nam là tiêu quá ít và tiêu quá dàn trải. Khả năng điều phối thấp giữa trung ương và địa phương trong đầu tư nghiên cứu phát triển. Đầu tư dàn trải với quá nhiều cơ quan bộ ngành và chưa tập trung vào những ngành then chốt. Nhiều dự án nhỏ làm hạn chế tác động của việc đầu tư.

Ngoài ra, chuyên gia của UNDP cũng góp ý vào công tác đào tạo chuyên sâu, sau đại học ở Việt Nam. Hiện nay chưa có đủ không gian trong giáo dục cao học nhất là các ngành khoa học, kĩ thuật. Trong bối cảnh các doanh nghiệp hứng thú với đầu tư tại Việt Nam, Việt Nam cần chuẩn bị tốt hơn để tận dụng cơ hội này, nâng cấp năng lực của mình. Việt Nam có nhiều du học sinh ở các nước phát triển, nhiều nhân tài khoa học công nghệ cần được khuyến khích trở về các viện, trường ở Việt Nam để tận dụng được nguồn vốn nhân lực này.

Theo TS Nguyễn Bích Lâm, để hoà nhịp với xu hướng thay đổi không thể đảo ngược của kinh tế thế giới, để nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế Việt Nam, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và toàn bộ hệ thống chính trị cần thấm nhuần nhận thức về tầm quan trọng của năng suất lao động, khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động Việt Nam. Định kỳ đánh giá, bổ sung, cập nhật Chiến lược này phù hợp với những thay đổi mau lẹ của kinh tế thế giới.

Suy cho cùng, để “cạnh tranh sòng phẳng” với các nền kinh tế trong khu vực và thế giới, chúng ta phải cạnh tranh bằng năng suất lao động vượt trội. Phải coi nâng cao năng suất lao động là giải pháp quan trọng hàng đầu đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững trong một thế giới đầy bất trắc, khó lường, trật tự kinh tế thế giới lỏng lẻo. Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel kinh tế Paul Robin Krugman đã tổng kết: “Năng suất không phải là tất cả nhưng nó gần như là tất cả. Một quốc gia có khả năng nâng cao mức sống lâu dài hay không gần như hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng nâng cao sản lượng tính trên đầu người của quốc gia đó”./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực