Tạo cơ hội cho người dân tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục nghề nghiệp

Thứ hai, 11/09/2023 10:51
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh Cao Thanh Bình đề nghị, cần tăng cường các nhóm giải pháp để phát triển chính sách giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn theo hướng mở, linh hoạt, tạo cơ hội cho mọi người dân tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục nghề nghiệp theo nhu cầu học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập...
 Toàn cảnh chương trình. Ảnh: Web Thành ủy TP Hồ Chí Minh

Ngày 10/9, HĐND TP Hồ Chí Minh phối hợp Đài Truyền hình TP và Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” tháng 9/2023 với chủ đề “Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm”.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, 7 tháng đầu năm 2023 đã giải quyết việc làm cho 189.791/300.000 lượt người lao động, bình quân có khoảng hơn 90% sinh viên cao đẳng nghề, hơn 84% học viên trung cấp nghề có việc làm phù hợp.

Hiện thành phố có 370.914 người học nghề tại các trường, trong đó 177.129 người học cao đẳng, 126.131 người học trung cấp, 33.827 người học sơ cấp đào tạo thường xuyên. Tuy nhiên, thiết bị giảng dạy tại các trường nghề còn lạc hậu chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo. Phần lớn các trường nghề ở thành phố hiện nay chưa đảm bảo diện tích; các trường nghề khó tuyển sinh chiếm khoảng 20%, mất cân đối ngành nghề đào tạo, học viên học nghề khó khăn trong giai đoạn tìm việc.

Tại chương trình, trả lời về chính sách hỗ trợ Doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo nâng cao chất lượng, tay nghề cho đội ngũ người lao động này, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh Huỳnh Lê Như Trang cho biết:  Nếu người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo tối đa 2 triệu đồng/người/khóa học; Phần chênh lệch học phí sẽ do Doanh nghiệp cử người đi học, người học thỏa thuận đóng góp; Người lao động khác thuộc các đối tượng chính sách như: Phụ nữ, Lao động nông thôn, Người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.. sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo cao nhất 6 triệu đồng/người/khóa học dành cho người khuyết tật và thấp nhất là 2 triệu đồng/người/khóa học dành cho phụ nữ, người lao động nông thôn. Bên cạnh đó, còn được hỗ trợ tiền ăn hàng ngày và hỗ trợ 01 lần tiền đi lại nếu địa điểm học cách nơi ở từ 15km trở lên.

Về định hướng đào tạo nhân lực trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng của TP Hồ Chí Minh trong thời gian sắp tới, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh trả lời theo Quyết định số 2673 ngày 29/6/2023 của Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã xác định 08 lĩnh vực ưu tiên đào tạo nhân lực sau tốt nghiệp các trình độ giáo dục nghề nghiệp gồm: Lĩnh vực Công nghệ thông tin - truyền thông; Lĩnh vực Cơ khí - Ô tô; Lĩnh vực Cơ điện tử - Tự động hóa; Lĩnh vực Kế toán - Tài chính - Ngân hàng - Quản trị doanh nghiệp; Lĩnh vực Logistics; Lĩnh vực Chăm sóc sức khỏe; Lĩnh vực Du lịch;  Lĩnh vực Xây dựng - Môi trường - Đô thị.

Về công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học vào học giáo dục nghề nghiệp , đại diện Sở GD&ĐT chia sẻ , trong thời gian qua, ngành Giáo dục Thành phố đã triển khai đến các cơ sở giáo dục thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông với nhiều hình thức đa dạng, để thông qua đó giới thiệu cho học sinh các hướng đi sau THCS, chương trình đào tạo của các trường trung cấp, cao đẳng, điều kiện theo học từng ngành nghề và thông tin dự báo nhu cầu thị trường lao động.  Sở GDĐT sẽ yêu cầu các cơ sở giáo dục quan tâm hơn đến việc tư vấn cho phụ huynh học sinh về nội dung hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh để phụ huynh và học sinh có thêm thông tin, hiểu về giáo dục nghề nghiệp, từ đó lựa chọn phù hợp với năng lực và điều kiện của mỗi học sinh, đáp ứng nhu cầu học tập và phát triển nghề nghiệp của cá nhân tương ứng sự phát triển của xã hội.

Ngoài ra, Chương trình GDPT 2018 đưa hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc, qua những hoạt động, học sinh sẽ được thầy cô giới thiệu hướng dẫn chi tiết các nội dung định hướng nghề nghiệp theo từng chủ đề, xuyên suốt và có tính kế thừa trong suốt những năm học của cấp THCS và THPT. Qua đó, dần dần hình thành cho học sinh những hiểu biết về các nhóm ngành nghề và giúp các em tự đánh giá năng lực bản thân, xác định hướng đi sau THCS và THPT, từ đó các em có thể đề ra kế hoạch học tập, rèn luyện phù hợp cho mình để thực hiện mục tiêu.

Hiện nay, Thành phố có hơn 370 trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các trường rất chú trọng mở rộng quy mô và chất lượng; đa dạng hóa các ngành nghề, các hình thức đào tạo, đáp ứng nhu cầu học nghề cho học sinh và có chính sách liên thông giữa các bậc học nhằm tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội học tập suốt đời.

Kết luận tại chương trình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Cao Thanh Bình nhấn mạnh, Hội đồng nhân dân Thành phố cũng sẽ tăng cường giám sát các nội dung, phần việc mà các đơn vị nêu ra để công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố ngày càng tốt hơn.

Thay mặt HĐND, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh Cao Thanh Bình đề nghị UBND Thành phố tăng cường chỉ đạo các đơn vị thực hiện các vấn đề, đó là:

Trước hết, cần tăng cường các nhóm giải pháp để phát triển chính sách giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, tạo cơ hội cho mọi người dân tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục nghề nghiệp theo nhu cầu học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; có phân tầng chất lượng, bảo đảm quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế.

Hai là, tập trung nâng cao chất lượng Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố; Trung tâm dịch vụ việc làm Thành phố: cần dự báo và đánh giá chính xác cung – cầu nguồn nhân lực trong từng giai đoạn ngắn hạn, dài hạn; lao động khu vực chính thức, phi chính thức; nhu cầu lao động tại địa phương, ngoài tỉnh và quốc tế; lao động qua đào tạo, lao động phổ thông; ….Đồng thời xây dựng hệ thống kết nối cung cầu lao động liên tỉnh, liên vùng và quốc tế để sàn giao dịch việc làm đạt hiệu quả tối ưu.

Ba là, sớm phê duyệt đề án quản lý mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh đến năm 2030 (giai đoạn 2) để làm cơ sở sắp xếp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tổ chức lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Bốn là,  Nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hướng đến xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế hoặc nhận chuyển giao chương trình đào tạo từ các tổ chức quốc tế có uy tín; Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động liên kết, phối hợp trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Năm là, Nhanh chóng xây dựng khung chính sách hỗ trợ cho người lao động vượt qua khó khăn, yên tâm lao động sản xuất góp phần phát triển  kinh tế - xã hội Thành phố; đồng thời, có giải pháp đồng bộ để thực hiện hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học tham gia chương trình giáo dục nghề nghiệp.

Sáu là, Nghiên cứu xây dựng thí điểm chính sách khuyến khích phát triển nghề truyền thống và các ngành nghề nông thôn chủ lực trên địa bàn các huyện ngoại thành của Thành phố góp phần giải quyết việc làm, đồng thời bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đi đôi với việc kết hợp giữa du lịch làng nghề truyền thống gắn với các mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái, du lịch trải nghiệm.

Bảy là, Nghiên cứu vận dụng những cơ chế đặc thù của nghị quyết 98 để khẩn trương xây dựng các chính sách, đề án, chương trình, kế hoạch thực hiện các vấn đề mà UBND TP đề ra . HĐND TP cùng đồng hành các đơn vị để tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách, các đề án để công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn ngày càng hiệu quả và đáp ứng sự mong đợi, kỳ vọng của đồng bào cử tri TP./.

CM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực