Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi đầu tư vì phát triển xanh

Thứ bảy, 27/01/2024 11:47
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Hướng tới mục tiêu thành phố thông minh, xanh, sạch, đẹp và đáng sống, Thành phố Hồ Chí Minh tăng tốc độ triển khai các dự án, để hoàn thành mạng lưới giao thông vận tải theo quy hoạch
 TP Hồ Chí Minh kêu gọi đầu tư  phát triển xanh - Ảnh: https://vneconomy.vn

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, tài chính, thương mại, du lịch của cả nước. Với quy mô dân số trên 10 triệu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, Thành phố đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề giao thông.

Theo thống kê, đến cuối năm 2023, Thành phố đang quản lý 9.220.973 phương tiện (trong đó, có 940.126 xe ô tô và 8.280.847 xe mô tô-chiếm hơn 95% tổng lượng xe). So với cùng kỳ năm 2022, tổng số phương tiện đang quản lý tăng 4,64% (ô tô tăng 5,84% và mô tô tăng 4,50%). Tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông cá nhân cao, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Ngoài ra, ô nhiễm môi trường do khí thải từ phương tiện giao thông cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Theo kết quả quan trắc, nồng độ bụi mịn trong không khí tại các khu vực trung tâm thành phố thường xuyên vượt ngưỡng cho phép.

Để giải quyết căn cơ các thách thức, đáp ứng nhu cầu giao thương thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đô thị; Thành phố đã lập quy hoạch và đang từng bước triển khai đầu tư: các mạng lưới giao thông công cộng nhanh, sức chở lớn, với 08 tuyến Metro (MRT), 03 tuyến đường sắt nhẹ (LRT), 06 tuyến xe buýt nhanh (BRT) tổng chiều dài mạng lưới khoảng 300km; hàng trăm km mạng lưới đường bộ vành đai, cao tốc liên vùng; mạng lưới đường thủy nội địa; hệ thống cảng, bến và các Trung tâm Logistic; đồng thời, xây dựng các chiến lược thúc đẩy, khuyến khích chuyển đổi phương tiện tham gia giao thông từ sử dụng nhiên liệu phát thải carbon sang sử dụng điện và các nhiên liệu xanh, sạch với môi trường. Tuy nhiên, quá trình đầu tư xây dựng diễn ra chậm so với kế hoạch (nguyên nhân chủ yếu do khó khăn về nguồn vốn và xác định cơ chế đầu tư phù hợp), khiến cơ sở hạ tầng và dịch vụ vận tải vẫn chưa đáp ứng kịp thời.

Hướng tới mục tiêu thành phố thông minh, xanh, sạch, đẹp và đáng sống, Thành phố cần phải tăng tốc độ triển khai các dự án, để hoàn thành mạng lưới giao thông vận tải theo quy hoạch; yêu cầu đặt ra là cần phải nghiên cứu, đề xuất chiến lược và giải pháp để giải quyết các thách thức liên quan đến huy động vốn, cơ chế chính sách, kêu gọi thu hút nâng cao hiệu quả đầu tư và khai thác;

Để giải quyết những vấn đề trên, Thành phố đã xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển giao thông vận tải giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050 đảm bảo đồng bộ với Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2022.

Theo Kế hoạch, Thành phố sẽ tập trung đầu tư phát triển hệ thống giao thông theo hướng xanh, bền vững, bao gồm các lĩnh vực sau:

Đầu tư xây dựng hệ thống giao thông công cộng: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tuyến metro đang triển khai, phấn đấu đưa vào khai thác toàn tuyến metro 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vào năm 2025, khởi công tuyến metro 2 (Bến Thành - Tham Lương) vào năm 2026 và tuyến metro 3 (Bến Thành - Tân Kiên) vào năm 2027. Nghiên cứu, đầu tư xây dựng các tuyến metro tiếp theo, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Phát triển hệ thống xe buýt nhanh BRT, xe buýt điện, xe buýt sử dụng năng lượng xanh.

Đầu tư hệ thống đường bộ: Hoàn thành các dự án đường vành đai, đường cao tốc, kết nối Thành phố với các tỉnh, thành phố lân cận, tạo mạng lưới giao thông liên vùng đồng bộ. Nâng cấp, mở rộng các tuyến đường nội đô, kết nối các khu vực trung tâm với các khu đô thị mới, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay. Đầu tư xây dựng hệ thống bến bãi, bãi đỗ xe đáp ứng nhu cầu đậu, đỗ xe của người dân và phương tiện vận tải.

Đầu tư phát triển hệ thống vận tải thủy, cảng biển: Phát triển hệ thống vận tải thủy nội địa, kết nối Thành phố với các tỉnh, thành phố lân cận, góp phần giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ. Đầu tư xây dựng các cảng biển, cảng cạn ICD, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của Thành phố và khu vực.

Chuyển đổi phương tiện phát thải carbon sang phương tiện chạy điện và năng lượng xanh: Khuyến khích người dân chuyển đổi từ phương tiện phát thải carbon sang phương tiện chạy điện và năng lượng xanh. Nghiên cứu, đầu tư phát triển các trạm sạc điện, trạm cung cấp nhiên liệu sạch cho phương tiện giao thông.

Phát huy hiệu quả mạng lưới Logistic vận chuyển hàng hóa, hành khách: Cải thiện hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Logistic, kết nối các phương thức vận tải đa phương thức, tạo chuỗi cung ứng logistics hiệu quả. Phát triển các trung tâm logistics, kho bãi, đáp ứng nhu cầu lưu trữ, phân phối hàng hóa của Thành phố và khu vực.

Mục tiêu của Thành phố không chỉ dừng lại ở việc xây dựng hệ thống giao thông, mà còn hướng đến chuyển đổi sang các phương tiện chạy điện và sử dụng năng lượng xanh, nhằm đóng góp tích cực vào việc giảm khí thải carbon, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.

Để từng bước đạt được những mục tiêu đầy tham vọng này, Thành phố rất cần sự hỗ trợ về các nguồn lực tài chính, kinh nghiệm từ cộng đồng các nhà đầu tư, các định chế tài chính trong nước và quốc tế. Hiện TP đã đặt ra mục tiêu kêu gọi đầu tư một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, cấp bách, ưu tiên, nhằm hoàn thành trước năm 2030 (với 09 dự án cùng tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4 tỷ 235 triệu USD) và các chương trình chuyển đổi hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải đã sẵn sàng về mặt công nghệ, Phát triển hợp lý các phương thức vận tải, chú trọng vận tải Hành khách công công, kiểm soát phương tiện cá nhân, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Các nhà đầu tư, đặc biệt là những đối tác có kinh nghiệm quốc tế, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật tiên tiến để giúp Thành phố đạt được những mục tiêu này. Thành phố rất hoan nghênh sự tham gia tích cực từ các tổ chức tài chính, doanh nghiệp quốc tế và cộng đồng đầu tư, đồng lòng xây dựng một hệ thống giao thông không chỉ hiệu quả mà còn bảo vệ môi trường.

Trong quá trình triển khai các dự án, TP cam kết phối hợp chặt chẽ với các đối tác, đảm bảo quy trình đầu tư diễn ra suôn sẻ và mang lại hiệu quả lớn nhất. Các cuộc họp thường xuyên và cổ động sẽ được tổ chức để đối thoại và giải quyết mọi khó khăn có thể phát sinh.

Trong hành trình đầy thách thức này, TP  muốn kêu gọi sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các định chế tài chính trong và ngoài nước, đặc biệt là những tổ chức quốc tế có quan tâm đến phát triển bền vững và hỗ trợ xã hội. Sự đồng lòng và sự chia sẻ nguồn lực sẽ giúp Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một điển mẫu về phát triển tăng trưởng xanh và bền vững./.

CM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực