Thừa Thiên Huế: Tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng, ứng dụng công nghệ trong phòng, chống thiên tai

Thứ năm, 06/06/2024 10:48
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Thừa Thiên Huế đang vào cao điểm nắng nóng gay gắt, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Địa phương đã có nhiều giải pháp để phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), tránh bị động, bất ngờ khi có tình huống cháy xảy ra.

Thừa Thiên Huế chủ động phòng, chống thiên tai

Sẵn sàng các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng

Theo đồng chí Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ngay khi bước vào mùa nắng nóng, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương có rừng và chủ rừng rà soát, bổ sung phương án, kế hoạch PCCCR năm 2024; tổ chức diễn tập 3 đợt chữa cháy rừng để chủ động các phương án xử lý tình huống theo quy định tại Điều 45, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP; chỉ đạo thực hiện đảm bảo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng; phương tiện, dụng cụ; hậu cần và chỉ huy) và “5 sẵn sàng” (lực lượng; phương tiện, dụng cụ; hậu cần; chỉ huy và thông tin liên lạc)” trong PCCCR.

Lực lượng bảo vệ rừng tại Thừa Thiên Huế tuần tra không quản ngày đêm trong mùa nắng nóng. 

Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tiến hành hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện phương án của 12/12 đơn vị chủ rừng nhà nước (với 35 lượt kiểm tra), 4 đơn vị Hạt Kiểm lâm; 70 lượt kiểm tra đối với UBND cấp xã và Hợp tác xã có rừng, kết quả bên cạnh các đơn vị triển khai đảm bảo theo phương án PCCCR của đơn vị. Chỉ đạo triển khai ứng trực thông tin về PCCCR ngay từ đầu tháng 4/2024. Trong thời gian cao điểm nắng nóng triển khai trực 24/24 giờ, đồng thời tổ chức lực lượng tại các điểm chốt chặn, canh gác ở những khu vực trọng điểm, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao.

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh luôn chỉ đạo theo dõi và cung cấp thông tin Cấp dự báo cháy rừng hàng ngày đến các địa phương, đơn vị để nhắc nhở, cảnh báo cháy. Theo dõi và xử lý các thông tin cảnh báo được đăng lên Hue S và các Đài phát thanh và Truyền hình địa phương. Chỉ đạo các đơn vị tổ chức tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình như: tổ chức họp 53 cụm (tổ) dân cư gần rừng và ven rừng với 1.539 người tham gia; tổ chức 35 lượt tuyên truyền lưu động về công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) và PCCCR.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp, phân bổ kinh phí xây dựng các công trình phục vụ PCCCR: triển khai thi công giảm vật liệu cháy dưới tán rừng cho 1.290,15 ha rừng; xây mới 15 bể chứa nước; phát dọn thực bì trên 104 km đường ranh cản lửa; làm mới 12 bảng cấp dự báo cháy rừng; đồng thời chỉ đạo rà soát, mua sắm thêm dụng cụ, trang thiết bị phòng cháy như rựa phát, bàn dập, cào…

Chỉ đạo các đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát và quản lý cháy rừng bằng thiết bị bay không người, và camera 360 độ để phục vụ công tác phát hiện sớm lửa rừng, chỉ đạo, chỉ huy cháy rừng và vạch tuyến tiếp cận đám cháy một cách nhanh nhất. Xác định 5 vùng trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng cao với diện tích hơn 70 ha để chủ động trong công tác phòng cháy và huy động lực lượng khi có cháy rừng xảy ra.

Ứng dụng công nghệ trong phòng, chống thiên tai

Công tác cảnh báo thiên tai luôn đóng vai trò quan trọng giúp người dân chủ động và phòng tránh thiên tại kịp thời. Đối với việc sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong việc truyền tin dự báo, cảnh báo thiên tai đến cộng đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: Để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho người dân, đặc biệt trong các thời điểm thời tiết thay đổi bất thường, cực đoan, mưa lớn, dông, sét, nắng gắt… UBND tỉnh đã chỉ đạo và giao Sở Thông tin và Truyền thông là đơn vị chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng Kế hoạch và đẩy nhanh tiến độ phủ sóng thiết bị Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông thay thế cho hệ thống đài truyền thanh có dây/không dây trên địa bàn.

Thừa Thiên Huế chỉ đạo triển khai ứng trực thông tin về PCCCR ngay từ đầu tháng 4/2024. 

Với đài ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông hiện nay, cán bộ quản lý và vận hành Đài chỉ cần thao tác trên máy điện thoại smartphone có cài đặt phần mềm quản lý sẽ dễ dàng thao tác cung cấp thông tin đến người dân trên địa bàn. Các thao tác soạn thảo, đọc văn bản, phát sóng bản tin được thực hiện dễ dàng và có tính tương tác từ cấp tỉnh đến huyện, xã và ngược lại.

Kết hợp với việc kết nối các Đài cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông vào hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh do Sở Thông tin và Truyền thông quản lý vận hành thì hiệu quả thông tin, tuyên truyền đến người dân sẽ được nâng cao, bởi khi các bản tin do Hệ thống nguồn đăng phát (dưới dạng khẩn cấp) thì tất cả các thiết bị loa phát thanh tại cấp xã đều thực hiện tiếp và phát sóng nội dung đó.

Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế đã chủ động tổng hợp, biên tập các nội dung thông tin phát sóng trên hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh do sở quản lý, vận hành; đồng thời chia sẻ các nội dung liên quan đến toàn bộ các Đài cấp huyện, xã để các đơn vị cơ sở có thể khai thác và phát lại thông tin nhằm hỗ trợ người dân cập nhật, kịp thời phòng, tránh các rủi ro có thể gặp phải khi thiên tai xảy ra.

Với mục tiêu đảm bảo thông tin dự báo, cảnh báo, các yêu cầu chỉ đạo của các cấp chính quyền tiếp cận nhanh nhất đến bà con nhân dân, giúp ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại khi bão lụt xảy ra. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện truyền thông trên các nền tảng số về dự báo, cảnh báo thiên tai đến cộng đồng.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế, Trung tâm IOC thuộc Sở đã triển khai, vận hành hệ thống thông tin, truyền thông đa kênh. Trung tâm IOC còn phát trực tiếp camera các vị trí ngập úng gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại lên các nền tảng mạng xã hội Facebook, ứng dụng Hue-S để người dân tiện theo dõi, chủ động phòng tránh.

Nội dung đăng tải trên các kênh truyền thông bao gồm các thông tin thông báo, cảnh báo mưa dông sấm sét, cảnh bão mưa lớn, công điện khẩn của UBND tỉnh và của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) về công tác ứng phó mưa, bão lũ, tin bão, các thông tin chỉ đạo của UBND tỉnh và của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh.

Cung cấp các dịch vụ đến người dân thông qua dịch vụ thời tiết thiên tai trên nền tảng di động Hue-S như: Thông tin thời tiết; theo dõi thời tiết lượng mưa theo thời gian thực: 43 địa điểm; xem bản đồ radar, sức gió; theo dõi mực nước sông Bồ, sông Hương theo thời gian thực; bản đồ ngập lụt trên địa bàn tỉnh; danh sách các hồ, đập, thuỷ điện; mực nước đến và đi tại các hồ, đập, thuỷ điện theo thời gian thực; theo dõi camera các điểm ngập lụt, ứng cứu khi gặp sự cố thiên tai; cung cấp ứng dụng phòng chống bão lụt trên nền tảng di động Hue-S cho cán bộ công chức viên chức, phục vụ công tác phòng chống thiên tai.

“Các kênh truyền thông của Trung tâm IOC là một trong những kênh thông tin chính thống, kịp thời và chính xác, thu hút lượng người quan tâm, tương tác rất cao phục vụ kịp thời, nhanh chóng trong việc truyền tin dự báo, cảnh báo thiên tai đến cộng đồng.” – Đồng chí Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chia sẻ. 

 Để công tác phòng, chống thiên tai đạt hiệu quả cao, một trong những điều kiện quan trọng là phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực, chủ động của cả cộng đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh, qua công tác thực tiễn về phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, tỉnh Thừa Thiên Huế rút ra một số giải pháp như sau: Tiếp tục tổ chức quán triệt, huy động nguồn lực triển khai Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Triển khai Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Tỉnh Thừa Thiên Huế tăng cường năng lực thể chế của bộ máy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, huyện và xã. Thành lập Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã theo quy định tại Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06/7/2021 của Chính phủ. Lập, rà soát kế hoạch phòng chống thiên tai các cấp; phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai. Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, đặc biệt là công tác dự báo, cảnh báo mưa, kịp thời, chính xác về hình thế phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo vận hành các hồ chứa nước.

Bên cạnh đó, tỉnh triển khai đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 06/4/2021. Trồng rừng và bảo vệ rừng (rà soát quy hoạch 3 loại rừng để tích hợp quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, theo đó những diện tích có nguy cơ sạt lở cao sẽ chuyển sang quy hoạch rừng phòng hộ để tăng cường chức năng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tăng cường trồng rừng phòng hộ đa loài để tăng thảm thực vật góp phần bảo vệ, giữ đất; cập nhật các khu vực có nguy cơ sạt lở trên địa bàn tỉnh, đề xuất các giải pháp phòng tránh); Tăng cường năng lực ứng cứu và tái thiết.

Phải khẳng định rằng công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có chuyển biến mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Và làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại là nhiệm vụ được tỉnh Thừa Thiên Huế đặt lên hàng đầu trong công tác phòng, chống thiên tai. “Với tình hình thiên tai ngày càng có xu hướng cực đoan, bất thường và khó dự đoán hơn, công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai cần có tầm nhìn xa hơn. Để công tác phòng, chống thiên tai đạt hiệu quả cao, một trong những điều kiện quan trọng là phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực, chủ động của cả cộng đồng.”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định./.

Bài, ảnh: Hoàng Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực