Vĩnh Long: Quy hoạch bố trí dân cư gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn

Chủ nhật, 28/03/2010 15:15

Vĩnh Long tập trung quy hoạch phát triển dân cư nông thôn gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành các điểm dân cư mới có cơ sở hạ tầng thiết yếu hoàn chỉnh với những mô hình phù hợp với đặc thù của từng vùng khai thác tiềm năng lao động, đất đai.

Tỉnh tập trung phát triển 2 hình thái dân cư chủ yếu là hình thái tuyến - cụm dân cư trong khu vực chuyên lúa, quy mô 100-300 hộ, kết hợp dân cư với vùng sản xuất lúa và phát triển các cơ sở chế biến nông sản, dịch vụ sản xuất nông nghiệp; hình thái tuyến-cụm dân cư trong khu vực làng vườn ở các cù lao kết hợp dân cư – mô hình vườn cây ăn trái- nuôi tôm-cá và du lịch sinh thái.

Tỉnh triển khai 2 dự án trọng điểm đầu tư xây dựng xã nông thôn mới Trung Hiếu (huyện Vũng Liêm) và Thành Đông (huyện Bình Tân), các huyện thực hiện quy hoạch dân cư nông thôn gắn với quy hoạch phát triển các vùng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp-hiện đại hóa nông thôn, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cụm dân cư xã Thới Hòa (huyện Trà Ôn), Thành Lợi (huyện Bình Minh), Tân Lộc, Hậu Lộc, Hòa Lộc, Phú Lộc, Mỹ Lộc (huyện Tam Bình), Trung Hiếu, Trung Ngãi, Hiếu Nghĩa (huyện Vũng Liêm), Long An, Phú Đức (huyện Long Hồ) và Tân An Luông (huyện Mang Thít). Tỉnh gắn kết với nguồn vốn các chương trình phát triển giao thông, nước sạch, cấp điện, y tế, giáo dục nâng cấp cơ sở hạ tầng các cụm, tuyến dân cư hiện có hướng đến phát triển thành thị trấn, thị tứ làm hạt nhân thúc đẩy phát triển khu vực nông thôn.

Năm nay, Vĩnh Long bố trí nguồn vốn ngân sách 11 tỷ đồng đối ứng thi công hạ tầng kỹ thuật 14 cụm tuyến dân cư vùng lũ giai đoạn 2 để bố trí ổn định chỗ ở trên 11.000 hộ dân vùng sạt lở, đầu tư 100 tỷ đồng thi công các dự án nâng cấp đường giao thông nông thôn đồng thời kiến nghị Trung ương bổ sung nguồn vốn đầu tư 1.450 tỷ đồng thi công nâng cấp 2 dự án trọng điểm là đường tỉnh 902 và đường tỉnh 907 tạo điều kiện phát triển các tuyến dân cư sống ven quốc lộ, tỉnh lộ, các thị trấn, thị tứ như thị trấn Ba Càng, Cái Ngang (huyện Tam Bình), Hựu Thành (huyện Trà Ôn). Tỉnh khuếyn khích phát triển các cụm dân cư – làng nghề như làng nghề gạch ngói, gốm sứ dọc theo sông Cổ Chiên ở huyện Mang Thít và Long Hồ; làng nghề dệt chiếu thảm ở xã Thanh Bình, Trung Thành Đông (huyện Vũng Liêm); làng nghề chế biến thực phẩm, nước chấm ở thị trấn Cái Vồn (huyện Bình Minh); các cụm dân cư - làng vườn tại các xã An Bình, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh, Đồng Phú (huyện Long Hồ), làng vườn cù lao Lục Sỹ Thành-Phú Thành (huyện Trà Ôn), làng vườn cù lao Dài (huyện Vũng Liêm), qua đó gắn kết các hình thái dân cư này với mô hình du lịch cộng đồng.

Hiện nay, hệ thống dân cư nông thôn của Vĩnh Long phân bổ theo 2 hình thái tuyến cụm và làng nghề, làng vườn, có 10 – 20% dân cư sống phân tán trên các tuyến kênh rạch vùng sâu, nội đồng gây khó khăn cho việc xây dựng các tuyến giao thông, đê bao thuỷ lợi chống lũ và hạn chế trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng (điện, trường học, trạm y tế) do chi phí đầu tư cao./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực