Năng lực hay sự thờ ơ vô cảm của cán bộ - (Ảnh:https://dantri.com.vn)
Cán bộ, đảng viên không gương mẫu thì nói ai nghe?
Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều tâm huyết nói về sự gương mẫu,“lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”,… để nói về người đầy tớ công bộc của dân. Người cho rằng, cán bộ, đảng viên phải là: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “cán bộ, đảng viên không được kêu đói khi dân chưa no”… Theo Người, nêu gương có một vai trò quan trọng là giá trị nhân văn trong chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Người cho rằng:“Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Vì thế, Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên không những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt, mà còn phải làm gương trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, luôn nói phải đi đôi với làm để dân tin và noi theo.
Là cán bộ lãnh đạo khi có nhiều thành tích, dấu ấn cá nhân, đóng góp nhiều công lao cho đất nước sẽ luôn được lịch sử ghi nhận. Nhiều tấm gương trong thực tế là những vị khai quốc công thần, trở thành những anh hùng, vĩ nhân trong lịch sử, được Tổ quốc, dân tộc và Nhân dân mãi mãi khắc ghi, lập tượng đài tưởng nhớ. Đã có rất nhiều những anh hùng giữa đời thường sống trọn vẹn với những chiến công được Nhân dân nuối tiếc khi phải chia xa...
Tuy nhiên, trên thực tế, cũng có không ít những vị lãnh đạo nói và làm trái với những quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phản bội lại lời thề của người đảng viên khi đứng trong hàng ngũ của Đảng, xa rời mục tiêu, lý tưởng của người cộng sản, sa vào chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, sống xa dân, chỉ vun vén lợi ích cho chính mình, bị lợi ích vật chất cám dỗ, dẫn tới nguy cơ “tự diễn biến, tự chuyển hóa” như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nhận định.
Chỉ tính từ sau nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (khoá XII) (01/2019), các cấp có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý. Trong đó có 1 Uỷ viên Bộ Chính trị và 4 Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XII; 14 nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, một nguyên Phó thủ tướng , 5 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 Bí thư Tỉnh uỷ, 5 nguyên Bí thư Tỉnh uỷ và 17 tướng lĩnh. Một số cán bộ cấp cao đã bị xử lý hình sự. Những cán bộ bị kỷ luật chủ yếu do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; ban hành chủ trương, nghị quyết về đầu tư; góp vốn, chỉ định thầu, cổ phần hóa; thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát, tham nhũng, lợi ích nhóm; vụ lợi, ưu ái, vun vén cho gia đình, không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, sử dụng bằng cấp không đúng quy định,... Đó rõ ràng là không gương mẫu chấp hành những nội quy, quy định trong quá trình làm việc.
Cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật không những làm gương xấu cho xã hội, tổn thất cho Đảng, làm mất niềm tin của Nhân dân mà còn gây tổn thất và hậu quả khôn lường trên nhiều lĩnh vực, cả về kinh tế - chính trị - xã hội, an ninh - quốc phòng và đối ngoại. Xử lý vi phạm kỷ luật cán bộ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phải thốt lên rằng: “Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của Nhân dân”.
Theo ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng – Ban Tổ chức Trung ương: “Trước, quần chúng mong vào Đảng, phấn đấu vào Đảng thì bây giờ người ta nhìn vào gương đảng viên có thực sự gương mẫu không?. Có thực sự để cho người ta học tập, noi theo và phấn đấu không?, chứ bây giờ không ít những đảng viên không hơn gì quần chúng lắm. Vậy thì tấm gương để người ta phấn đấu, học tập noi theo là thế nào?”. Cán bộ, đảng viên không gương mẫu thì nói ai nghe?
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhận định: Quá trình đổi mới cũng phát sinh những vấn đề phức tạp, có thể tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân. Nơi này, nơi kia vẫn còn tồn tại những bức xúc, có những vụ việc nghiêm trọng kéo dài. Điều đó cho thấy một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trước dân, chưa xem trọng quan hệ giữa Đảng với Nhân dân, còn dân chủ hình thức, làm ảnh hưởng, tổn thương mối quan hệ, để lại hình ảnh chưa tốt trong Nhân dân cần phải kịp thời xem xét, giải quyết thấu đáo. Thời gian qua, không ít cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, tác phong với những biểu hiện như: nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “hành” dân là chính đã bị luật pháp trừng trị...
“Tình trạng dân khiếu kiện vượt cấp, tập trung đông người chính là chúng ta chưa vì dân. Đồng bào còn đói nghèo, mất an ninh trật tự trước hết trách nhiệm ở cán bộ, đảng viên và người đứng đầu cấp ủy”, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.
Để khắc phục tình trạng trên, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, công tác cán bộ thời gian qua là “bài học sâu sắc, đắt giá”, và đề nghị từng Uỷ viên Trung ương Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện; thường xuyên nêu gương, tự soi, tự sửa, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng để không đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất khôn lường.
Đây là lời cảnh báo, cảnh tỉnh răn đe mạnh mẽ cho những ai đã và đang thiếu rèn luyện, không gương mẫu cố tình vi phạm, say men vật chất, tự đánh mất mình; hãy nêu gương tốt vì dân trong cuộc sống học tập và công tác.
Theo đó, cán bộ, đảng viên nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu phải quán triệt quan điểm của Đảng, nêu gương là phương thức lãnh đạo của Đảng, có vai trò dẫn dắt, chỉ dẫn mọi người làm theo. Do vậy, phải thực sự gương mẫu trong cuộc sống và mọi hoạt động của mình; phải trọng dân, chân thành với dân, gần dân, sát dân, vui buồn cùng dân, có trách nhiệm với dân, luôn đặt lợi ích tập thể, lợi ích của dân lên trên hết.
Trách nhiệm của người đứng đầu
Thấy rõ được vai trò của công tác dân vận trong tình hình hiện nay, Bộ Chính trị, đã ban hành Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.
Quy định nêu rõ, người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân; thực hiện nghiêm việc tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Việc tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân, phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân; dân chủ, công tâm, khách quan, kịp thời, đúng phạm vi thẩm quyền; trình tự, thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân; bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định.
Về xử lý trách nhiệm, Quy định nêu rõ, người đứng đầu cấp ủy bị xem xét xử lý trách nhiệm trong các trường hợp sau: Thiếu trách nhiệm hoặc buông lỏng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân. Vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước về tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo dẫn đến tình trạng đơn, thư kéo dài, vượt cấp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Như vậy, có thể thấy trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy là rõ ràng và chặt chẽ về nhiệm vụ và quyền hạn trong việc xử lý các nội dung tiếp công dân. Và người đứng đầu cấp ủy nếu vi phạm các Quy định trên phải bị xem xét xử lý trách nhiệm. Đây có thể được coi là chế tài quan trọng để chỉ rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp công dân.
Ngoài việc tiếp công dân, người đứng đầu cấp ủy luôn phải trăn trở với cuộc sống khó khăn của người dân, chủ động tích cực đề ra những chủ trương, chính sách, những mô hình sáng tạo mang lại lợi ích cho dân, xem lợi ích của dân làm trọng. Như Bác Hồ đã dạy cán bộ “phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm… không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh… phải thật thà nhúng tay vào việc. Quán triệt quan điểm mọi quyết định của Đảng phải xuất phát từ cuộc sống của nhân dân, đặt lợi ích hợp pháp, chính đáng, đời sống của người dân là mối quan tâm hàng đầu.
Theo đó, các cấp ủy đảng, chính quyền nhất là người đứng đầu cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức theo hướng thiết thực, lấy cuộc sống của người dân làm trọng tâm. Tư duy, trăn trở, suy nghĩ đưa ra quyết sách hợp lòng dân có lợi cho người dân, những mô hình kinh tế, văn hóa, xã hội… tập hợp động viên người dân tham gia. Luôn gắn bó với nhân dân, thảo luận, trao đổi bàn bạc dân chủ với dân tìm ra hướng đi mới hiệu quả, giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Hành động và hiện thực hóa những lời nói bằng sản phẩm cụ thể có hiệu quả, tránh lời nói không đi đôi với việc làm, nói suông, “ông hứa”, hô hào chung chung làm mất niềm tin của dân.
Phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân
Để phát huy và nâng cao vai trò của Nhân dân, cần hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”; thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở với các loại hình theo Chỉ thị số 30-CT/TW và Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị; nghiên cứu khả năng xây dựng, ban hành Luật về Thực hành dân chủ cơ sở.
Coi trọng công tác dân vận của cơ quan nhà nước, nhất là công tác dân vận chính quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đạo đức công vụ, cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của nhân dân là mục tiêu hành động… Cùng với đó, phải triệt để đổi mới công tác tuyên truyền, giải thích, thuyết phục bằng nhiều hình thức (gặp gỡ trực tiếp, qua báo chí, mạng xã hội…), để nhân dân hiểu về tình hình đất nước, tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thấy rõ lợi ích các dự án, công trình kinh tế-xã hội đem lại cho dân, cho nước.
Nắm chắc tình hình tư tưởng, nguyện vọng của nhân dân một cách khoa học, công khai, minh bạch, lý giải rõ ràng, thấu tình, đạt lý trước khi triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, xây dựng các dự án, công trình kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Đây là nội dung quan trọng trong hoạt động của cơ quan nhà nước trong việc đưa nghị quyết vào cuộc sống, tình trạng quan liêu, hách dịch coi thường dân thường xuất hiện nhiều ở lĩnh vực này. Cần lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đạo đức công vụ. Mỗi cán bộ, đảng viên làm việc trong lĩnh vực này phải thực sự là “đầy tớ” của dân. Bài học đau xót trong thời gian qua là sự cám dỗ về vật chất, chức vụ… đã làm cho nhiều cán bộ hoạt động trong cơ quan nhà nước vi phạm kỷ luật và pháp luật, làm cho lòng tin của nhân dân bị xói mòn.
Giải quyết điểm nóng ngay từ cơ sở
Quan tâm đối thoại công khai với dân là nội dung hết sức quan trọng, bởi khi đối thoại nội dung khiếu nại của người dân sẽ rõ ràng hơn. Hai bên đưa ra những chứng cứ pháp lý để bảo vệ mình xem đúng ở đâu, sai thế nào... Mọi sự kiện từ nhỏ đến lớn, nhất là sự kiện “nóng” khiếu kiên kéo dài căng thẳng phải chủ động đối thoại, đây là phương thức rất quan trọng để “rút ngòi nổ” ở điểm nóng. Sự kiện đất đai ở Thủ Thiêm T.PHCM hay Đồng Tâm - Hà Nội… là những minh chứng rõ nhất cho vai trò và sự cần thiết phải đối thoại với dân. Đối thoại là cách giải quyết tốt nhất, hiệu quả nhất.
Trong quá trình giải quyết cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, vận động, xem xét đầy đủ, thấu đáo các nội dung, nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo; nguyên nhân người dân chưa đồng tình với biện pháp giải quyết của chính quyền, xem xét bản chất của vụ việc, tố chức đối thoại công khai, làm rõ những nội dung có ý kiến khác nhau, trao đổi thống nhất, tạo đồng thuận hướng giải quyết vụ việc.nNếu sai phải xin lỗi dân, kiên quyết sửa, khắc phục, tìm biện pháp giải quyết dứt điểm. Nếu giải quyết đúng, thấu đáo, có lý, có tình, cần thuyết phục để người dân hiểu, chấp hành, công khai kết quả giải quyết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong quá trình đối thoại, nếu người khiếu nại có hoàn cảnh khó khăn, cần xem xét, vận dụng chính sách xã hội để có biện pháp hỗ trợ giúp người dân ổn định cuộc sống, chấm dứt khiếu nại. Nếu đã giải quyết đúng pháp luật, có lý, có tình mà các đối tượng cố tình lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo kích động, vu cáo, gây rối an ninh, trật tự, phải có biện pháp xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Khắc phục tồn tại trong quản lý: Nguyên nhân của khiếu nại, tố cáo, đó là trong quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, yếu kém chậm được sửa chữa. Cán bộ thiếu trách nhiệm, đề cao lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, xem thường lợi ích của cá nhân… Để khắc phục tình trạng này cần tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, bám sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; sớm khắc phục tình trạng chậm hoặc không nắm được tình hình, diễn biến tâm lý, tư tưởng của nhân dân. Tập trung xử lý khẩn trương, dứt điểm, kịp thời các vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân, các vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài, tránh để hình thành và lan rộng các “điểm nóng” về an ninh, trật tự xã hội.
Công tác giám sát thông qua cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”: Phối hợp cùng với các cơ quan (Nhà nước, Mặt trận, Quốc hội, tổ chức đoàn thể…) theo chức năng thực hiện giám sát những vấn đề nóng, bức xúc, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, giám sát chuyên đề; lắng nghe ý kiến góp ý; tăng cường giám sát về những vấn đề nhân dân quan tâm; nâng cao chất lượng, hiệu quả về các hoạt động giám sát phản biện. Quan tâm chú trọng đến hoạt động phối hợp trong việc chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát.
Tăng cường công tác giám sát, phản biện qua báo chí, truyền thông: Thực tiễn trong thời gian qua, báo chí đã tích cực tuyền truyền về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhân dân đặt niềm tin vào báo chí. Nhiều vi phạm của cán bộ, đảng viên được dân tìm đến báo chí để tố cáo. Các vụ việc tiêu cực đa số do báo chí và nhân dân phát hiện. Qua báo chí, nhân dân tham gia, kiểm soát quyền lực nhà nước, là nội dung có vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Báo chí cần bám sát cơ sở, đồng hành cùng người dân tiếp cận sự việc ngay từ khi mới phát sinh, phản ánh kịp thời, chính xác, khách quan, góp phần định hướng dư luận.
Thực hiện được những giải pháp trên sẽ là liều thuốc “đặc trị” căn “bệnh mãn tính” thờ ơ, vô cảm, xa dân của cán bộ, đảng viên; xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa dân với Đảng, Đảng với dân./.