Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc - Con người đổi mới, sáng tạo phát triển nông nghiệp

Thứ ba, 29/12/2020 11:23
(ĐCSVN) - Với người nông dân nói riêng, câu chuyện về Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc sẽ mãi mãi là một trong những câu chuyện đẹp như huyền thoại trên cánh đồng thời đại Hồ Chí Minh và đáng ghi nhớ nhất của thế kỷ XX. Những đóng góp của đồng chí Kim Ngọc đã in dấu vào đời sống hàng chục triệu người nông dân Việt Nam suốt nửa thế kỷ qua.

Ngày 29/12 tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc - Chân dung một con người đổi  mới, sáng tạo phát triển nông nghiệp”.

Hội thảo nhằm ôn lại thân thế, sự nghiệp và tôn vinh những cống hiến nổi bật của đồng chí Kim Ngọc đối với sự nghiệp cách mạng nói chung và sự phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng. Đây cũng là dịp để khắc họa rõ nét và sâu đậm hơn chân dung, cốt cách Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc - người khởi xướng chủ trương “Khoán hộ” ở Vĩnh Phúc những năm 1966-1968. Tấm gương đổi mới, sáng tạo trong phát triển nông nghiệp của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, để lại những kinh nghiệm, bài học quý có thể kế thừa, phát huy trong sự nghiệp đổi mới, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Phát biểu đề dẫn, PGS.TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, đồng chí Kim Ngọc, tên thật là Kim Văn Nguộc, sinh ngày 10/10/1917, trong một gia đình nông dân nghèo, có truyền thống yêu nước và cách mạng, tại thôn Đại Nội, xã Bình Định, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Xuất thân trong gia đình nông dân, Kim Văn Nguộc đã thấu tỏ những tâm tư, nguyện vọng của người nông dân. Những trải nghiệm trong cuộc sống ở vùng đất thuần nông đã hun đúc, hình thành trong ông những suy nghĩ, mong muốn phải làm sao cho người nông dân thoát khỏi cảnh cơ cực, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Quang cảnh Hội thảo 

Trải qua các thời kỳ lịch sử, dù ở cương vị và lĩnh vực công tác nào, đặc biệt với vai trò là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc (từ năm 1959), đồng chí Kim Ngọc luôn tỏ rõ phẩm chất của một người cộng sản chân chính, luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm thực hiện ước vọng lớn nhất của cuộc đời mình là đem lại ấm no cho người nông dân. Với quyết tâm ấy, chủ trương “Khoán hộ” của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc và tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ra đời. 

Chủ trương “Khoán hộ” là một hướng đi tích cực trong tìm tòi cách thức quản lý mới trong nông nghiệp, gắn lợi ích của người nông dân với kết quả lao động, nhằm đem lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp. Đây là quá trình đổi mới tư duy nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, khắc phục tình trạng “dong công, phóng điểm” diễn ra phổ biến trong các hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc lúc bấy giờ. “Khoán hộ” chính là những đóng góp quan trọng về lý luận và thực tiễn, là cơ sở quan trọng để Đảng từng bước hoạch định chủ trương đổi mới quản lý trong nông nghiệp. Thông qua “Khoán hộ”, làm nổi bật chân dung Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, một con người giàu nghị lực, nhiệt huyết, quyết tâm đổi mới, sáng tạo trong phát triển nông nghiệp với mục tiêu tất cả vì lợi ích của người nông dân, PGS.TS Dương Trung Ý nêu rõ.

Tham luận của PGS.TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, chủ trương “khoán hộ” của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc và tập thể Ban thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc là một hướng đi tích cực trong tìm tòi cách thức quản lý mới trong nông nghiệp, gắn lợi ích của người nông dân với kết quả lao động nhằm đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. “Khoán hộ” góp phần thay đổi tư duy lý luận và kiểm nghiệm thực tiễn, là cơ sở quan trọng để Đảng từng bước hoạch định chủ trương đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp.

Dẫn đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về cống hiến của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc: "Đất nước phải biết ơn anh Kim Ngọc. Một người tâm huyết dám đưa ra cái mới, đến bây giờ đất nước có phát triển là nhờ có lúa gạo mà anh Ngọc đã đi tiên phong", PGS.TS Nguyễn Danh Tiên cho rằng, những nội dung tiến bộ vượt thời gian của “Khoán hộ” đã thổi luồng sinh khí mới, khẳng định thực tiễn đổi mới, sáng tạo của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc.

Từ tấm gương của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, nhiều đảng bộ tỉnh, thành phố đã thấm nhuần, kế thừa, vận dụng tư duy đổi mới của đồng chí Kim Ngọc trong từng điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn cho biết, hiện 100% xã (2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao), 4/9 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 44,4%, 38 sản phẩm được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm OCOP, thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn đạt 47,04 triệu đồng/người/năm. Từ đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chú trọng đẩy mạnh và tạo đột phá trong phát triển sản xuất công nghiệp với phương châm "Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc ". Đến nay, tỉnh đã thu hút được 414 dự án FDI với tổng số vốn trên 6,1 tỷ USD, 803 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký trên 98 nghìn tỷ đồng. Thu ngân sách năm 2019 đạt hơn 35 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 8 cả nước và thứ 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, 1 trong 16 tỉnh có tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương lớn nhất trong số các tỉnh phía Bắc.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân TP Hải Phòng Đỗ Đức Hòa, chủ trương "khoán" là hướng đi táo bạo trong tìm tòi cách thức làm ăn mới, cách thức quản lý mới gắn lợi ích với kết quả lao động của người nông dân nhằm đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khoán trong nông nghiệp đã xuất hiện trong vài hợp tác xã ở 2 huyện An Lão, Tiên Lãng. Đặc biệt đối với các lãnh đạo ở xã Đoàn Xá, Đồ Sơn nay thuộc huyện Kiến Thụy đã mạnh dạn cùng tập thể cấp ủy, chính quyền và Nhân dân bàn cách "phá rào" đi lên - đây là cơ sở để Hải Phòng hình thành nên phương thức "Khoán sản phẩm trong nông nghiệp đến nhóm và người lao động". Từ “Khoán hộ” ở Vĩnh Phúc đến "Khoán sản phẩm trong nông nghiệp" ở Hải Phòng là những cơ sở thực tiễn của "Khoán 100" và "Khoán 10" chính là bệ phóng cho nông nghiệp.

Đại diện gia đình đón nhận Kỷ niệm chương "Vì giai cấp nông dân Việt Nam" cho đồng chí Kim Ngọc do Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng trao tặng

Kết luận Hội thảo, TS Thào Xuân Sùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khẳng định, theo thời gian và sự phát triển của quá trình nhận thức chính trị - xã hội, những quan điểm và việc làm của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc liên quan đến chủ đề “Khoán hộ” đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân trân trọng ghi nhận. 

"Với Hội thảo này, chúng ta có thêm cơ hội để cùng “gặp lại” đồng chí Kim Ngọc, một tấm gương “Vì nông dân”, “Dựa vào nông dân” theo tư tưởng của Bác Hồ vĩ đại. Ôn lại tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nông dân trong mối tương quan với dân tộc, với đất nước và cách mạng Việt Nam là một việc làm cần thiết, góp phần giải đáp ngọn nguồn hình thành nên tính cách và hành động của đồng chí Kim Ngọc trong những năm đảm nhiệm chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú sau đó", Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nói.

Trên cơ sở thí điểm ở các địa phương, ngày 13/01/1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 100-CT/TW về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp” - lần đầu tiên khoán sản phẩm chính thức trở thành cơ chế quản lý mới trong cả nước với tên gọi “Khoán 100”. Ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW “Về đổi mới quản lý kinh tế trong nông nghiệp” do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ký ban hành (còn gọi là “Khoán 10”). 

Chính sách “Khoán 10” với những quy định mới, có tiếp thu những tinh thần cốt yếu của "Khoán hộ" và những điều chỉnh phù hợp cho một chính sách quy mô toàn quốc đã đánh thức tính năng động của người nông dân; khuyến khích nông dân chủ động sản xuất và làm giàu. Dân có giàu thì nước mới mạnh. "Khoán 10" cùng với những chủ trương, chính sách thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ của Đảng đã đưa nông nghiệp nước ta vào một thời kỳ phát triển bứt phá ấn tượng đầu tiên trong lịch sử, từ một nước thiếu lương thực triền miên đến năm 1989 (chỉ sau 1 năm thực hiện Khoán 10) sản lượng lúa gạo của cả nước đã đạt 21,5 triệu tấn và lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được 1,2 triệu tấn lúa gạo. Cho đến nay, nước ta đã trở thành nước xuất khẩu gạo và nông sản thực phẩm hàng đầu thế giới. "Khoán 10" cũng là tiền đề để quy định về giao ruộng đất ổn định, lâu dài cho nông dân được cụ thể hóa tại Luật Đất đai năm 1993, được củng cố ở những Luật đất đai 2003 và Luật Đất đai 2013. Trong những lúc đất nước khó khăn nhất, chính ngành nông nghiệp với những người nông dân được “cởi trói” từ chính sách "Khoán 10" và được tiếp sức bởi những chính sách mới sau đó đã trở thành nền tảng, trụ đỡ của nền kinh tế, của sự ổn định chính trị - xã hội. 

"Với người nông dân nói riêng, câu chuyện về Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc sẽ mãi mãi là một trong những câu chuyện đẹp như huyền thoại trên cánh đồng thời đại Hồ Chí Minh và đáng ghi nhớ nhất của thế kỷ XX. Những đóng góp của đồng chí Kim Ngọc đã in dấu vào đời sống hàng chục triệu người nông dân Việt Nam suốt nửa thế kỷ qua. Với truyền thống "uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây", nông dân Việt Nam mãi mãi tri ân đồng chí Kim Ngọc", đồng chí Thào Xuân Sùng bày tỏ. 

Dịp này, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã quyết định truy tặng Kỷ niệm chương "Vì giai cấp nông dân Việt Nam" cho đồng chí Kim Ngọc./.

Tin, ảnh: Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực