Bước chuẩn bị công phu và đột phá của Đảng về công tác nhân sự

Thứ tư, 20/01/2016 11:58
(ĐCSVN) – Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã bế mạc với nội dung quan trọng được nhân dân cả nước quan tâm, đó là việc hoàn tất công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội khóa XII. Đây là bước chuẩn bị công phu và đột phá của Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XI.

Dấu ấn thực hiện Nghị quyết Đại hội XI

 

Bế mạc lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp khóa I. (Ảnh: Hiền Hòa)

Để chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này, Đảng đã tập trung chỉ đạo, chuẩn bị từ rất sớm về mọi mặt. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng đã triển khai đề án nhân sự tổng thể từ Trung ương tới địa phương. Công tác đào tạo, quy hoạch, luân chuyển cán bộ được thực hiện bài bản và có quy trình; qua đó thử thách, rèn luyện cán bộ ở các nhiệm vụ khác nhau. Kết quả thành công của tất cả 67 đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương về công tác nhân sự vừa qua đã khẳng định được điều đó và là cơ sở, tạo tiền đề tốt đẹp cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Cho biết về quá trình chuẩn bị nhân sự, đồng chí Tô Huy Rứa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định, thành công này là kết quả tất yếu thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo chủ động, thống nhất và có hiệu quả của Đảng ta về đổi mới công tác xây dựng Đảng trong suốt nhiệm kỳ đại hội, được bắt nguồn từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI.

Về thực chất, Nghị quyết Trung ương 4 tập trung trước hết nhằm khắc phục một vấn đề vô cùng khó khăn lâu nay là công tác đánh giá cán bộ. Bằng việc triển khai ba nhiệm vụ cấp bách và bốn nhóm giải pháp, việc đánh giá cán bộ theo Nghị quyết Trung ương 4 được yêu cầu nhấn mạnh hơn, quyết liệt hơn các tiêu chuẩn: Lập trường tư tưởng chính trị, năng lực thực tiễn thể hiện bằng hiệu quả công việc; uy tín trong Đảng và trong nhân dân; tư duy đổi mới và sáng tạo; có khả năng nắm bắt, xử lý có hiệu quả các vấn đề mới phát sinh; đoàn kết, quy tụ đội ngũ cán bộ; phong cách làm việc khoa học, dân chủ, sâu sát, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; minh bạch, công tâm, khách quan trong công tác cán bộ; khả năng phát hiện và sử dụng người có đức, có tài; không tham ô, tham nhũng; có thái độ kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tham ô, tham nhũng, tiêu cực và phản bác các luận điệu xuyên tạc, phản động, trái với Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước.

Những tiêu chuẩn này là cụ thể, rõ ràng và mang tính định lượng hơn, là tấm gương soi cho cán bộ, đảng viên tự sửa mình trong công việc. Đây là cơ sở quan trọng và là điều kiện tiên quyết để đánh giá, lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ cũng như cho việc chuẩn bị nhân sự của đại hội đảng bộ các cấp sau này. Bởi vậy, trong Chỉ thị 36 ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các tiêu chuẩn này đã được lưu ý rất rõ ràng trong hướng dẫn công tác nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp.

Đồng thời, để tạo sự khách quan trong đánh giá, lựa chọn cán bộ, lần đầu tiên, Đảng ta quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể và theo đó, những người hai năm liền tín nhiệm thấp, không hoàn thành nhiệm vụ sẽ được xem xét, cho thôi giữ chức vụ, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Theo đồng chí Tô Huy Rứa, “rõ ràng, Đảng bắt mạch đúng bản chất của vấn đề, xác định điểm nghẽn sâu xa của mọi sự trì trệ, yếu kém trong Đảng hiện nay nằm ở công tác cán bộ, nhất là công tác đánh giá cán bộ. Chỉnh đốn Đảng bắt đầu từ công tác cán bộ là sự lựa chọn đột phá đúng và trúng của Đảng ta ở nhiệm kỳ Đại hội XI”.

Điểm nhấn trong công tác cán bộ nhiệm kỳ XI là công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược ở Trung ương. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng nhằm khắc phục nguy cơ hẫng hụt cán bộ cấp chiến lược và đồng thời đáp ứng yêu cầu bảo đảm tính nhất quán, liên thông và đồng bộ về công tác cán bộ nói chung, công tác quy hoạch nói riêng trong toàn bộ hệ thống chính trị. Việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược đã được Đảng triển khai một cách đồng bộ, thực chất, dân chủ, công khai, minh bạch: Lấy thực tế kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 làm cơ sở để hoàn chỉnh tiêu chuẩn về đánh giá và lựa chọn cán bộ đưa vào quy hoạch; lấy quy hoạch cán bộ cấp chiến lược làm cơ sở cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách; đồng thời, lấy quy hoạch cấp chiến lược để thúc đẩy quy hoạch cán bộ chủ chốt ở cấp dưới.

Đặc biệt, quy hoạch cán bộ cấp chiến lược phải đặt dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và là cơ sở cho việc chuẩn bị công tác nhân sự diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý cũng như công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa khẳng định, “đây là việc chưa từng làm, nhiều thách thức và không ít khó khăn nhưng lại là việc rất cần thiết lẽ ra phải được triển khai từ lâu. Nói cách khác, đây sẽ là công việc thường xuyên trong công tác cán bộ của Đảng”.

Sau ba năm triển khai thực hiện, công tác quy hoạch cán bộ nói chung, quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nói riêng đã đi vào đời sống của Đảng như một lẽ tự nhiên, trở thành nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị. Công tác bổ nhiệm tuân thủ nghiêm túc theo quy hoạch, hạn chế được tình trạng tuỳ tiện, vị thân, không đúng người, vì người bổ nhiệm chứ chưa vì công việc để chọn người phù hợp.

Dõi theo quá trình chuẩn bị nhân sự công phu của Đảng, GS.TS Hoàng Chí Bảo cho rằng, “đây là thái độ rất dũng cảm, rất kiên quyết và chỉ như vậy thì mới được lòng dân. Bởi vì, dân cần những người lãnh đạo của Đảng thực hiện đúng như Bác Hồ đã nêu là “dĩ công vi thượng”, đặt việc công, việc Đảng lên trên hết, dũng cảm đứng ngoài vòng danh lợi, không bon chen chức quyền, không vì danh, vì lợi mà vì trách nhiệm, trọng trách với nhân dân”.

Để chuẩn bị tốt hơn cho công tác cán bộ, trong nhiệm kỳ qua, Đảng ta đã tổ chức được 6 lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp với 511 học viên, trong đó 231 đồng chí là cán bộ cấp tỉnh, 280 đồng chí là cán bộ khối ban, bộ, ngành Trung ương nhằm cung cấp hệ thống lý luận đồng bộ gắn với thực tiễn đất nước trong giai đoạn hiện nay để mỗi cán bộ vận dụng sáng tạo trong quá trình công tác của mình. Kết quả, nhiều học viên đạt kết quả xuất sắc, được quy hoạch và bổ nhiệm ở các vị trí công tác cao hơn. Đặc biệt, 100% số học viên các lớp dự nguồn cao cấp công tác tại các địa phương được bầu vào Ban Thường vụ, Phó Bí thư Tỉnh ủy và 45 trong tổng số 61 đồng chí đắc cử bí thư tỉnh ủy, thành ủy vừa qua đều là học viên của các khóa dự nguồn cao cấp nhiệm kỳ Đại hội XI. Điều đó cũng có nghĩa là Đảng ta đã chủ động hơn về công tác nhân sự, nguy cơ hẫng hụt về cán bộ cấp chiến lược đã được khắc phục đáng kể.

Những kết quả đó cũng là cơ sở cho việc chuẩn bị nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII và nhân sự lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại các hội nghị tiếp theo.

Việc bàn thảo về công tác nhân sự cũng được Trung ương chuẩn bị kỹ. Ngay từ Hội nghị Trung ương 6 (năm 2012), Trung ương đã thảo luận, thông qua Đề án quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2016- 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Không chỉ dừng lại ở Trung ương bàn thảo, Dự thảo Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ khóa XII đã được Tiểu ban Nhân sự tổ chức lấy ý kiến của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương. Có nghĩa rằng, nhân sự cấp cao của Đảng đã được thảo luận, giới thiệu từ các cấp chứ không phải chỉ do Trung ương chuẩn bị.

Tiêu chuẩn Ban Chấp hành Trung ương cũng được đưa ra khá cụ thể, ngoài những tiêu chuẩn chung của cán bộ được quy định trong các nghị quyết của Đảng, để phù hợp với tình hình mới, tiêu chuẩn nhiệm kỳ này cũng được bổ sung các yêu cầu như: “Bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi; có ý thức giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, gương mẫu chấp hành sự phân công và nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình; công minh, công bằng trong đánh giá, sử dụng cán bộ...”.

Trong các Hội nghị, tất cả những vấn đề gì khi Trung ương bàn, thảo luận còn ý kiến khác nhau thì đều biểu quyết bằng phiếu để đảm bảo tính công tâm, khách quan, dân chủ. Chính vì vậy, tại Hội nghị lần thứ 14, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận kỹ, thông qua dự thảo Báo cáo công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XII trình Đại hội; thống nhất cao bằng hình thức bỏ phiếu kín đề cử nhân sự chức danh Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương khoá XII; đề cử chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2021 để Ban Chấp hành Trung ương khoá XII xem xét, giới thiệu Quốc hội khoá XIV quyết định theo quy định của pháp luật. Hoàn tất công tác chuẩn bị nhân sự trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xem xét, quyết định.

Những công việc mà Đảng ta đã triển khai để chuẩn bị cho công tác nhân sự đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao, đồng tình ủng hộ. Việc hoàn thành công tác chuẩn bị nhân sự trình Đại hội Đảng là một thành công lớn của Đảng, là bước chuẩn bị công phu và mang tính đột phá trong nhiệm kỳ qua./.

Hiền Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực