Đổi mới, sáng tạo, đưa Vĩnh Long phát triển nhanh và bền vững

Thứ năm, 24/09/2020 17:42
(ĐCSVN) - Kinh tế tiếp tục phát triển, quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đầu tư phát triển càng tăng và sử dụng hiệu quả hơn, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không ngừng được hoàn thiện và đồng bộ,... Vĩnh Long đã hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
 Toàn cảnh Đại hội.

Ngày 24/9, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc.

Dự Đại hội có Đại tướng Ngô Xuân Lịch- Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; Đảng ủy- Bộ Tư lệnh Quân khu 9; các đồng chí nguyên bí thư, phó bí thư, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh các khóa, cùng các Mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; các chức sắc tôn giáo và 348 đại biểu ưu tú đại diện gần 42.500 đảng viên 11 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy. 

Đại hội có chủ đề: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; Đảm bảo quốc phòng, an ninh. Huy động mọi nguồn lực đổi mới, sáng tạo, đưa Vĩnh Long phát triển nhanh và bền vững”. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, tạo sự thống nhất về chính trị, tư tưởng và hành động trong toàn Đảng bộ, xác định rõ trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trước nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân tin tưởng giao phó.

Phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Trong bối cảnh quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức, tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long đã nỗ lực, phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng.

 Đồng chí Trần Văn Rón phát biểu khai mạc Đại hội.

Kinh tế tiếp tục phát triển, quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, huy động lực lượng cho đầu tư phát triển càng tăng và sử dụng hiệu quả hơn, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không ngừng hoàn thiện và đồng bộ; hoàn thành trước 2 năm mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Vĩnh Long đã hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Văn hóa, giáo dục, y tế, lao động, việc làm, chính sách đối với người có công, an sinh xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; cải cách hành chính, cải cách tư pháp có nhiều tiến bộ.

Đồng chí Trần Văn Rón cho rằng, trong nhiệm kỳ tới, tỉnh sẽ bước vào thời kỳ phát triển mới với nhiều thời cơ, thuận lợi mới; nhiều công trình, dự án được Trung ương, tỉnh đầu tư sẽ hoàn thiện và phát huy hiệu quả, làm tăng khả năng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.

“Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức; nhất là với một tỉnh nông nghiệp, quy mô của nền kinh tế còn nhỏ, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao; nhiều nguồn lực chưa được khai thác, phát huy có hiệu quả; hạ tầng kinh tế xã hội có mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, cùng với những diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai, dịch bệnh, tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn.”- đồng chí Trần Văn Rón phân tích.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Rón nhấn mạnh: Mỗi đại biểu tích cực suy nghĩ, nghiên cứu tìm ra những biện pháp, giải pháp tốt nhất để tham gia đóng góp xây dựng Nghị quyết Đại hội và Chương trình hành động, để sau Đại hội có cơ sở triển khai và tổ chức thực hiện đạt kết quả cao nhất. Đồng thời, quán triệt sâu sắc Đề án nhân sự và quy chế bầu cử trong Đảng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, công tâm, khách quan, lựa chọn những đồng chí tiêu biểu nhất về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có năng lực lãnh đạo, bản lĩnh và trí tuệ, chú ý đến cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc bầu vào Ban Chấp hành để lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra.

 Các đại biểu tham dự Đại hội.

Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X, đồng chí Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày tóm tắt Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X. Báo cáo nhấn mạnh, thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ qua là Vĩnh Long đã đạt được mục tiêu tỉnh khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Thực hiện đồng bộ 8 nhiệm vụ cơ bản, 3 khâu đột phá và 6 chương trình hành động, đã mang lại những kết quả tích cực, toàn diện và quan trọng. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GRDP) bình quân 5 năm ước đạt 4,9%.

Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội được đầu tư ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là phát triển hệ thống đô thị, giao thông nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Hoàn thành mục tiêu xây dựng nông mới trước 2 năm. Các chỉ tiêu chủ yếu về tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật, tạo việc làm mới, giảm nghèo đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Quốc phòng- an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, kiện toàn và nâng chất. Phương thức lãnh đạo của Tỉnh ủy có nhiều đổi mới…

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, thời gian tới, Vĩnh Long thực hiện đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; nhưng thời cơ và vận hội phát triển cũng rất tốt, rất rộng mở.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch cũng thống nhất cao với chủ đề và phương châm Đại hội của tỉnh; cơ bản tán thành với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và 3 khâu đột phá nêu trong báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm trình tại Đại hội.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, cần có giải pháp đột phá, quyết liệt để giải quyết vấn đề sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp; chuyển đổi theo hướng sản xuất quy mô lớn, an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững, trong đó đặc biệt chú trọng tới thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là khô hạn, xâm nhập mặn.

Cùng với đó, tiếp tục dồn sức cho xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu; phát triển hài hòa giữa nông thôn và đô thị. Tiếp tục đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng kinh tế- xã hội, nhất là hệ thống giao thông, các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, tập trung cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tiếp tục chuyển đổi mô hình phát triển để hội nhập quốc tế và tham gia thành công cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu chỉ đạo Đại hội. 

Mặt khác, đẩy mạnh phát triển văn hóa- xã hội, xây dựng con người Vĩnh Long phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Tập trung phát triển y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Thực hiện chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người có công, gia đình chính sách..

Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường gắn với phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Quản lý tốt khai thác cát sông, xử lý tốt vấn đề ô nhiễm môi trường ở các khu, cụm, tuyến công nghiệp, các làng nghề và khu dân cư.

Đảm bảo quốc phòng- an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Chú trọng nâng chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; coi trọng phát triển Đảng; chăm lo xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là các bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ trẻ, cán bộ nữ…

Tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, biểu hiện bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch cũng lưu ý, các đại biểu cần tập trung trí tuệ, đề cao trách nhiệm trước đảng bộ và nhân dân, sáng suốt lựa chọn những đồng chí có đủ phẩm chất, năng lực và thật sự tiêu biểu, gương mẫu để bầu vào BCH Đảng bộ tỉnh, đủ số lượng, cơ cấu hợp lý. BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới phải là một tập thể thật sự vững mạnh, tiêu biểu cho trí tuệ và bản lĩnh chính trị của đảng bộ, lãnh đạo thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ mà Đại hội đề ra, xứng đáng với niềm tin và sự mong đợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà.

Việc bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng phải đảm bảo đủ số lượng được phân bổ- là những đồng chí tiêu biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Long; có khả năng tham gia đóng góp vào sự thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và kịp thời triển khai sớm đưa Nghị quyết Đại hội của Đảng vào cuộc sống./

Tin, ảnh: CM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực