Hà Nội: Tạo môi trường thuận lợi để người dân tham gia vào công việc chung

Thứ năm, 04/07/2024 16:44
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chia sẻ, Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua là căn cứ khoa học, công cụ quan trọng để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế đặc thù Thủ đô… Vì vậy, các địa phương cần lan tỏa tinh thần trên đến mỗi người dân, gia đình; tạo môi trường thuận lợi nhất để người dân được tham gia vào công việc chung của địa phương cũng như thành phố.

Ngày 4/7, tại trụ sở Thành uỷ Hà Nội, Ban Chỉ đạo Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo thành phố chủ trì hội nghị.

 Các đơn vị, địa phương của Hà Nội có những cách làm hay, sáng tạo trong việc thực hành Quy chế dân chủ ở cơ sở... Nhờ đó, trên địa bàn thành phố không phát sinh các “điểm nóng”, đặc biệt liên quan đến giải phóng mặt bằng triển khai các dự án.

Theo báo cáo tại hội nghị, trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo các cấp thành phố Hà Nội đã chủ động, tích cực tham mưu giúp cấp ủy Đảng chỉ đạo và triển khai nghiêm túc, bảo đảm tiến độ các nội dung về thực hiện dân chủ theo chương trình, kế hoạch đề ra gắn với chủ đề công tác năm của thành phố “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Nhờ đó, nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, đơn vị và đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, các doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn thành phố có chuyển biến tích cực, ngày càng được nâng cao.

MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thành phố Hà Nội đã phát huy tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân; tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở, giám sát việc xây dựng và thực hiện các quy chế, quy ước dân chủ ở cơ sở...

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, tập trung làm rõ những kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở 6 tháng qua, đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.

Trong đó, các các đại biểu đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế để khắc phục trong thời gian tới, như một số địa phương chưa chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy chế dân chủ trong loại hình mới. Việc ban hành quy ước, hương ước thôn, tổ dân phố theo Nghị định số Chính phủ còn chậm được triển khai. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có nơi, có lúc còn chưa chủ động, chất lượng chưa cao. Việc tổ chức hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại và ký kết thỏa ước lao động tập thể ở một số đơn vị doanh nghiệp còn mang tính hình thức.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá cao sự vào cuộc của Ban Chỉ đạo thành phố cũng như các địa phương trong thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở; đồng thời biểu dương các đơn vị, địa phương có những cách làm hay, sáng tạo trong việc thực hành Quy chế dân chủ ở cơ sở, nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nhờ đó, trên địa bàn thành phố không phát sinh các “điểm nóng”, đặc biệt liên quan đến giải phóng mặt bằng triển khai các dự án.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy quyền làm chủ của người dân theo quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, việc triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở hiệu quả sẽ góp phần khẳng định quyền làm chủ của người dân, theo đúng tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, để người dân được thụ hưởng những gì tốt đẹp nhất của chế độ mang lại.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về Quy chế dân chủ ở cơ sở cũng như Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chia sẻ, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) và cho ý kiến vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Đây là căn cứ khoa học, công cụ quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách, kiến tạo không gian, động lực phát triển nhằm khai thác tối đa tiềm năng nổi trội, lợi thế đặc thù của thành phố với “tầm nhìn mới - tư duy mới” để tạo ra “cơ hội mới - giá trị mới”. Vì thế, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị các địa phương cần lan tỏa tinh thần trên đến mỗi người dân, gia đình của Thủ đô. Trong đó, cần tạo môi trường thuận lợi nhất để người dân được tham gia vào công việc chung của địa phương cũng như thành phố.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về Quy chế dân chủ ở cơ sở cũng như Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Phát huy dân chủ đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ vi phạm pháp luật, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân. Đồng thời, nghiên cứu cơ chế hỗ trợ các địa phương xây dựng quy trình, mục đích, ý nghĩa của quy ước, hương ước. Trong đó, chú trọng đến giá trị tinh thần, lịch sử và văn hóa của các quy ước, hương ước và yếu tố đặc trưng của mỗi địa phương…/.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực