Lào Cai tích cực đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận

Thứ hai, 16/08/2021 16:40
(ĐCSVN) - Xác định công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, Lào Cai tích cực đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận theo hướng linh hoạt phù hợp, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về công tác dân vận.
 Lễ kết nghĩa cư dân biên giới giữa thôn Lồ Cô Chin, xã Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và thôn Lao Kha, xã Kiều Đầu, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tháng 12/2013.

Nhiều nội dung, phương thức phù hợp

Lào Cai là tỉnh vùng cao, miền núi biên giới phía Bắc với 25 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 66,2%. Nhận thức vai trò đặc biệt quan trọng của công tác dân vận nói chung và dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng; trong những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Lào Cai luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Trung ương về công tác dân vận. Đặc biệt là Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Theo đó, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Chỉ thị về công tác dân tộc, cụ thể là: “Tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai,  “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh”, “ Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai”… Cùng với đó là các nghị quyết, đề án phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận; chú trọng đổi mới công tác dân vận trong cơ quan Nhà nước gắn với chức năng nhiệm vụ ở các cấp, ngành, địa phương.

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy Lào Cai, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc và vùng đồng bào có tôn giáo luôn được Ban Dân vận Tỉnh ủy quan tâm, chú trọng. Giai đoạn 2016-2020, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tổ chức hàng 100 hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác vận động quần chúng, dân tộc, tôn giáo, quy chế dân chủ, tuyên truyền xây dựng nông thôn mới cho trên 10 nghìn lượt cán bộ làm công tác dân vận, người uy tín, già làng, trưởng bản; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về cải tạo tập quán lạc hậu trong cộng đồng cho đại biểu người có uy tín, thầy cũng, thầy mo, thầy then trong đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Đặc biệt, việc nắm tình hình cơ sở luôn được Ban Dân vận Tỉnh ủy chú trọng và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục; chỉ đạo Ban Dân vận các huyện ủy, thành ủy, thị ủy nắm chắc tình hình nhân dân, tình hình tôn giáo, tình hình đơn thư khiếu kiện trên địa bàn thông qua việc dự Hội nghị công tác tuyên vận tại cơ sở và dự sinh hoạt tôn giáo tại các điểm nhóm đã được đăng ký sinh hoạt tập trung. Cùng với đó, Lào Cai đã tăng cường phối hợp giữa công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số với công tác đối ngoại nhân dân trong bảo vệ biên giới; theo đó, tỉnh đã tổ chức các tổ, đội công tác, đội xây dựng tăng cường cơ sở về các xã đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới để bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình nhân dân. Đến nay, đã có 20 cán bộ của Bộ đội biên phòng tỉnh được điều động giữ chức Phó bí thư Đảng ủy xã khu vực biên giới; đã tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền xã/phường biên giới củng cố gần 500 tổ chức chính trị xã hội… Qua đó góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.

Cán bộ Đồn biên phòng Mường Khương (Lào Cai) hướng dẫn nhân dân thực hiện mô hình trồng quýt.

Một trong những đổi mới công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua, đó là Lào Cai đã đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân trong việc tổ chức tốt các chương trình giao lưu hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa giữa nhân dân hai bên biên giới. Đã tổ chức kết nghĩa giữa 10 Đồn Biên phòng (Việt Nam) với 15 phân Trạm, Trạm kiểm soát biên phòng xuất nhập cảnh, Đồn biên giới, Đại đội quản lý biên giới (Trung Quốc) và 6 cụm dân cư hai bên biên giới; qua đó đã góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ và tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới.

Đổi mới, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội; đồng chí Giàng Seo Vần, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: MTTQ tỉnh đã tổ chức việc thực hiện quy chế phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội với chính quyền, lực lượng vũ trang trong công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số với những nội dung cụ thể, thiết thực hiệu quả; xây dựng, bồi dưỡng lực lượng nòng cốt, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số làm công tác vận động quần chúng ở cơ sở. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã vận động nhân dân ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” được trên 25 tỷ đồng, hỗ trợ làm mới trên 600 nhà “Đại đoàn kết”, vận động nhân dân làm mới trên 3 nghìn km giao thông nông thôn; huy động từ nguồn xã hội hóa và nhân dân tham gia tự nguyện đóng góp xây dựng nông thôn mới với trên 141 tỷ đồng, hơn 2 triệu ngày công lao động, nhân dân hiến gần 623 nghìn m2 đất để xây dựng các công trình phúc lợi trong cộng đồng dân cư vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số..

Tiếp tục đổi mới công tác dân vận

Thực tế cho thấy, những kết quả đạt được trong công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong những năm qua đã tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,2%. Đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, khối đoàn kết dân tộc được giữ vững. Đặc biệt là tạo được sự đồng thuận, tin tưởng của nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp.

Dự báo trong những năm tới, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, quá trình đô thị hóa sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh, mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức; nhất là trong bối cảnh hiện nay còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về chính trị, kinh tế… Do đó, trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, tỉnh Lào Cai xác định cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của các ấp ủy, tổ chức đảng; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, thực hiện tốt các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Phát huy vai trò MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vùng đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xây dựng, triển khai có hiệu quả về chính sách dân tộc, các nghị quyết, đề án của tỉnh theo quan điểm lấy “dân làm gốc”;  tăng cường sự đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân để tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, kịp thời giải quyết kiến nghị chính đáng của Nhân dân. Phối hợp chặt chẽ giữa công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số với công tác đối ngoại nhân  trong bảo vệ biên giới; đấu tranh chống mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch…

Tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác dân vận của Đảng; bố trí cán bộ công chức là người dân tộc thiểu số làm việc tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện, xã đảm bảo tương xứng với tỷ lệ cơ cấu thành phần dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề cao và phát huy tốt vai trò của già làng, trương bản, người có uy ín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác tuyên truyền, vận động; tiếp tục bổ sung quy ước, hương ước thôn/bản để xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ, văn minh phù hợp với từng địa phương, cơ sở./.

Bài, ảnh: Hồng Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực