Muốn tổ chức các hoạt động an sinh xã hội mang lại lợi ích thiết thực
Hẹn gặp Hiếu trong những ngày này không hề dễ bởi thủ lĩnh thanh niên sinh năm 1992 này cùng với đoàn viên, thanh niên đang lo cho những "Bữa cơm 0 đồng” hỗ trợ những gia đình khó khăn bị mất thu nhập bởi dịch COVID-19.
"Mô hình này, chúng tôi duy trì hằng tháng, tháng cao điểm do ảnh hưởng nặng nề của của dịch, tôi cùng anh em triển khai hằng tuần. Từ đầu năm đến nay, hơn 1.000 “Bữa cơm 0 đồng” gồm gạo, trứng, đồ hộp, rau, củ, hạt nêm đã được đoàn viên, thanh niên phường “giao hàng” đến tận nhà cho cô chú thanh niên xung phong, hộ nghèo, cận nghèo, người già neo đơn, người khuyết tật, người bán vé số, bán hàng rong, người lao công hay đối tượng đang ở trọ, sinh viên còn ở lại thành phố. Tân tay trao những nhu yếu phẩm cho đối tượng khó khăn lúc dịch bệnh bủa vây, cảm nhận sự trân quý của các cô bác, anh chị, ánh mắt mừng rỡ của những em nhỏ, mệt nhọc trong chúng tôi dường như tan biến", Hiếu chia sẻ.
|
"Bữa cơm 0 đồng” được đoàn viên, thanh niên phường Tam Thuận hỗ trợ những gia đình khó khăn bị mất thu nhập bởi dịch COVID-19 |
Tam Thuận là phường có tỷ lệ hộ nghèo khá cao của quận Thanh Khê. Đa phần người dân đều là lao động phổ thông, buôn bán nhỏ. Phần nhiều trong số này là người cao tuổi, mất sức lao động hoặc có hoàn cảnh neo đơn, thu nhập thấp. Không chỉ lúc dịch bệnh ập đến, trong trạng thái bình thường, nỗi lo cơm áo, gánh nặng mưu sinh cũng đã đè nặng lên vai. Chính vì vậy, bản thân tôi luôn muốn tổ chức các hoạt động an sinh xã hội mang lại lợi ích thiết thực cho người dân khó khăn trên địa bàn phường, Hiếu bày tỏ.
Trong những lần đi khảo sát, giúp các hộ vươn lên thoát nghèo, Hiếu nhận thấy những căn nhà cũ, nhà thuê đã lâu năm nơi những người dân nghèo trú ngụ đã xuống cấp trầm trọng, hệ thống điện rất cũ, chằng chịt tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Những bóng đèn sử dụng là loại cũ, ánh sáng yếu mà chi phí lại cao.
"Học phổ thông xong là tôi vừa học kế toán, vừa học thêm nghề điện vì đam mê. Sẵn có nghề trong tay, lại thêm thuận lợi là có một bạn là Ủy viên Ban thường vụ Đoàn phường từng học nghề điện cũng là cử nhân địa chính - xây dựng nên tôi đề xuất triển khai mô hình "Điện sáng cho người nghèo" và tích cực tham gia vận động kinh phí. Lúc đầu rất nhiều người hoài nghi ở thành phố mà còn triển khai mô hình này làm chi? Chẳng nhẽ những hộ đó chưa có điện hay sao? Rất nhiều câu hỏi đặt ra nhưng khi được giải thích, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ.
|
Hiếu đang trực tiếp bắt điện cùng đoàn viên, thanh niên triển khai mô hình "Điện sáng cho người nghèo" |
Bắt tay thực hiện, tôi và bạn đó làm chính, có thêm vài bạn cán bộ, hội viên theo phụ kéo dây điện hay một số việc khác để công việc được nhanh chóng. Chúng tôi tự biến mình thành những "thợ điện áo xanh" đến từng nhà khảo sát, lên phương án và dự trù kinh phí, rồi khoan lắp kéo lại đường dây điện mới, hệ thống ổ cắm, công tắc và bóng đèn tiết kiệm điện. Chúng tôi đều rất thận trọng khi thi công vì nhiều nhà có tường, hệ thống xà cột đã cũ, yếu. Một số hộ chỉ có người già ở nhà nên các bác rất cảnh giác với những "thợ điện lạ kỳ", đội phải liên hệ với tổ dân phố giới thiệu mới được vào nhà thi công. Mỗi khi hoàn thành xong một công trình, các hộ vui mừng thấy rõ, cảm ơn thanh niên tình nguyện, có hộ còn nấu những ly chè mát động viên chúng tôi. Mô hình được thực hiện từ đầu năm 2020 đến nay đã mang hệ thống chiếu sáng mới đến 10 hộ dân, chi phí thay lắp trung bình là 2 - 3 triệu đồng/hộ, có hộ lên đến 5 triệu đồng", Hiếu cười nói.
Vẫn đau đáu với các hoạt động an sinh, xuất phát từ mong muốn đoàn viên, thanh niên và các em thiếu nhi trên địa bàn có thêm điểm sinh hoạt, vui chơi, điểm thêm cho khu dân cư một không gian xanh, Hiếu lại cùng những người anh, người em đã xây dựng một góc của nhà sinh hoạt cộng đồng Khu dân cư Thuận Thành B thành “Khu vui chơi xanh” cho thiếu nhi.
Mô hình “Khu vui chơi xanh” tại Nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư Thuận Thành B được sự hỗ trợ, quyên góp từ các bạn thanh niên trên địa bàn phường. Những chiếc xích đu, bập bênh, bàn vẽ… được các bạn thanh niên tranh thủ thời gian rảnh rỗi làm từ các vật liệu tái chế như lốp xe, mút nệm cũ bỏ đi, chai nhựa… được mua và xin về, vệ sinh sạch sẽ rồi "phù phép" thành những món đồ chơi, giỏ hoa, chậu cây xanh không chỉ được các em nhỏ thích mê mà cũng rất "vừa mắt" các cô, bác có tuổi.
|
Đoàn viên, thanh niên phường Tam Thuận làm xích đu cho các em từ lốp xe tái chế |
Đây là mô hình khu vui chơi xanh đầu tiên trên địa bàn phường Tam Thuận, có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng nhắc nhở người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, được lãnh đạo địa phương, chi bộ và người dân khu dân cư Thuận Thành B đánh giá cao.
Trần Văn Hiếu cũng rất có duyên với rất nhiều mô hình xanh khác. Trước tình trạng nhiều tuyến đường, ngõ, hẻm trên địa bàn phường nhếch nhác bởi quảng cáo, rao vặt trái quy định và đổ rác thải bừa bãi, “Mảng tường KDC xanh” đã ra đời với mục đích tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, bảo đảm mỹ quan và vệ sinh môi trường. Nhiều đoàn viên, thanh niên tình nguyện đã ra quân xóa quảng cáo, rao vặt, dọn vệ sinh môi trường và vẽ tranh bích họa tuyên truyền về môi trường tại các bờ tường trống và bờ tường của nhà sinh hoạt cộng đồng.
Mô hình “Bánh chưng xanh” đến nay đã duy trì được 10 năm cũng là chừng ấy năm mỗi dịp Tết đến, Hiếu lên kế hoạch, vận động để thêm những chiếc “bánh chưng xanh” chia sẻ khó khăn, giúp cho các gia đình có thêm một cái Tết ấm áp, đủ đầy hơn.
"Với truyền thống của mô hình, hằng năm, các bạn đoàn viên sẽ tự tay gói, tự nấu và trao tặng cho các gia đình khó khăn, các bệnh nhân lưu trú tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. Hằng năm, tôi đều duy trì trao tặng 250 suất bánh chưng xanh trị giá 30 triệu đồng", Hiếu thông tin.
|
Những chiếc bánh chưng xanh do đoàn viên, thanh niên phường Tam Thuận được chuyển tới bệnh nhân lưu trú tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng |
"Làm sao để có những hoạt động thú vị, mang lại nhiều lợi ích thì tự khắc các bạn thanh niên sẽ đến với chúng ta"
Ngày học phổ thông được tham gia sinh hoạt hè do các anh chị trong Đoàn phường tổ chức, cậu bé Hiếu khi đó lên lớp 8 thấy rất vui và bổ ích nên chăm chỉ sinh hoạt thường xuyên. Sau đó, Hiếu xin các anh chị cho tham gia vào đội Thanh niên tình nguyện của phường để học kỹ năng, rồi câu lạc bộ kỹ năng của quận. Các hoạt động phong trào của Đoàn phường, Hiếu đều đi theo hoạt động.
Đến năm lớp 12 (năm 2010) Hiếu thi đạt chuẩn Huấn luyện viên cấp 1 thành phố về kỹ năng sau đó làm bí thư chi đoàn khu dân cư. Đến năm 2011, Hiếu thi đạt chuẩn huấn luyện viên cấp 1 Trung ương và tham gia vào công tác Đoàn địa phương từ đó tới nay.
Cùng với những mô hình kể trên, mỗi năm Hiếu cùng đoàn viên, thanh niên trong phường tổ chức rất là nhiều chương trình, hoạt động như: hỗ trợ sửa chữa nhà cho đoàn viên khó khăn, tặng quà tết, quà 1/6, quà trung thu cho thiếu nhi, hỗ trợ phương tiện sinh kế cho hộ nghèo, hỗ trợ học bổng cho những "Đứa em của Đoàn"....
Để duy trì được những hoạt động này một cách bền bỉ, nguồn lực mỗi năm là khá lớn, nhất là ở cấp cơ sở và với phường còn nhiều khó khăn như Tam Thuận. Hỏi Hiếu có khi nào "ngại" khi gọi điện là đầu dây bên kia nghĩ là xin hỗ trợ không? Hiếu thú thực là cũng có đôi lúc nhất là trong 2 năm vừa qua, tình hình dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng, các đơn vị sản xuất kinh doanh không được thuận lợi.
"Khó khăn nhất trong việc tổ chức các hoạt động đó là vấn đề kinh phí, nhất là hoạt động tình nguyện an sinh xã hội, rất cần nguồn kinh phí, nguồn lực lớn để duy trì và tổ chức các hoạt động tình nguyện. Nhưng không vì tình hình khó khăn mà các hoạt động giàu ý nghĩa này phải cắt giảm hay trì hoãn. Để duy trì hoạt động, kinh phí chủ yếu là từ vận động từ các bạn đoàn viên, thanh niên và từ các hoạt động gây quỹ tình nguyện do Đoàn, Hội tự tổ chức như qua việc bán vỏ lon, chai nhựa, sách báo cũ...
|
Trần Văn Hiếu, Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN phường Tam Thuận |
Chúng tôi vận động mỗi đoàn viên, hội viên tiết kiệm mỗi ngày ít nhất 5 - 10 nghìn đồng. Tôi nêu gương mỗi ngày bỏ 10 nghìn đồng vào heo đất để ở phòng làm việc. Trong các cuộc họp giao ban, tôi và thành viên tham gia cuộc họp cũng đều cho heo "ăn". Việc mổ heo đất thu hoạch diễn ra sau Tết Nguyên đán", Hiếu cho biết.
Là một thủ lĩnh thanh niên, Hiếu luôn tự nhủ đầu tiên phải giữ được phong trào, giữ lửa trong thanh niên, phải có mô hình, hoạt động thiết thực thì mới thu hút, xây dựng và tập hợp được các bạn thanh niên gắn bó với tổ chức. Chính những điều này đã luôn thôi thúc Hiếu có những ý tưởng, sáng kiến trong hoạt động thanh niên.
Hiện nay, công tác tổ chức, sinh hoạt Đoàn – Hội – Đội đã có nhiều đổi mới, sáng tạo dành cho đối tượng là các bạn đoàn viên, thanh thiếu nhi. Tuy nhiên do thời đại khoa học kỹ thuật, công nghệ phát triển, nhất là ảnh hưởng của mạng xã hội đối với các bạn trẻ, tôi luôn suy nghĩ làm sao để có những hoạt động thú vị, mang lại nhiều lợi ích thì tự khắc các bạn thanh niên sẽ đến với chúng ta.
Bản thân tôi cùng những người bạn đồng hành khi gắn bó với hoạt động Đoàn, Hội, làm các hoạt động tình nguyện vì an sinh xã hội nhận được nhiều bài học quý về tình người, sự yêu thương, sẻ chia cũng như sự đánh giá rất là cao của lãnh đạo địa phương nhất là sự ủng hộ, những lời khen tặng của người dân dành cho thanh niên phường nhà. "Đó là những phần thưởng vô giá", Hiếu bày tỏ.
Do hoàn cảnh gia đình, ba mất sớm, mẹ đi làm xa nên hiện Hiếu ở với bà nội đã ngoài 80 tuổi. "Thời gian làm công tác Đoàn, Hội phải đi nhiều, có khi đi xa và ở lại vài ngày. Tuy trong lòng rất lo lắng bởi bà nội ở nhà một mình không ai chăm sóc nhưng chính bà nội, khi biết mình vắng nhà do công việc hay đi hỗ trợ làm các công tác tình nguyện cho địa phương lại hết lòng động viên, ủng hộ", Hiếu xúc động khi kể về nguồn "động lực to lớn" khiến chàng thanh niên tuổi 29 tập trung vào công việc để tiếp tục có những sáng tạo, có thêm nhiều mô hình hoạt động hay hơn nữa để có thể thu hút, đoàn kết tập hợp thanh niên một cách hiệu quả nhất, mang lại giá trị cho cộng đồng.
Trần Văn Hiếu chính là một trong 65 cá nhân tiêu biểu toàn quốc nhận giải thưởng “15 tháng 10” - phần thưởng cao quý của Trung ương Hội LHTN Việt Nam trao tặng cho cán bộ Hội có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào thanh niên.
Trong quá trình hoạt động, Trần Văn Hiếu còn có nhiều sáng kiến như:
Mô hình “Sinh hoạt 1-2”: cứ 01 đoàn viên trong chi đoàn sẽ vận động và tập hợp thêm 01 bạn đoàn viên, thanh niên khác và 01 em thiếu nhi trong khu vực chưa tham gia sinh hoạt tổ chức Đoàn, Hội sẽ vào cùng tham gia sinh hoạt với chi đoàn, chi hội khu dân cư từ đó, tổ chức Đoàn, Hội tại khu dân cư sẽ có thêm lực lượng đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi ở mọi lứa tuổi tham gia sinh hoạt, dễ dàng tổ chức được các hoạt động. Qua thời gian thực hiện thí điểm tại chi đoàn khu dân cư 6 đến nay đã kết nạp mới được 12 đoàn viên, 32 hội viên, thanh niên và có 22 em học sinh từ 8 đến 15 tuổi trong khu vực cùng tham gia sinh hoạt. Chính nhờ vậy số lượng đoàn viên, thanh niên cũng như chất lượng sinh hoạt chi đoàn, phong trào thanh niên của khu dân cư 6 được nâng lên rõ rệt.
Mô hình “Thư viện thanh niên”: xây dựng văn hóa đọc trong thanh thiếu nhi mở cửa thường xuyên đón hơn 220 lượt thanh niên, thiếu nhi đến vui chơi và đọc sách.
Mô hình “Chợ giảm thiểu chất thải nhựa”: thay đổi nhận thức của đoàn viên thanh niên, học sinh và người dân trong việc chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa trong việc đi chợ hằng ngày của người dân và các tiểu thương đang buôn bán tại chợ Tam Thuận. Mô hình được triển khai được 28 đợt với 450kg túi nilong sinh học được phát cho tiểu tương và túi phân loại rác thải 3R cho các hộ gia đình.
Mô hình “Món quà tri ân”: thăm, phụ giúp người có công lau, sửa bàn thờ và tặng 20 suất quà trị giá 10 triệu đồng
Tổ chức bán hoa gây quỹ tình nguyện “Vì đàn em thân yêu” nhân ngày lễ 8/3, 20/10, 20/11 gây quỹ tình nguyện “Vì đàn em thân yêu” đã thu hút đông đảo thanh niên tham gia, mỗi đợt thu được hơn 10 triệu đồng từ đó triển khai mô hình “Góc học tập cho em”, trao tặng học bổng cho 5 em mỗi đợt...
|