Nữ đảng viên trẻ mở kế sinh nhai cho nông dân nghèo ở Đà Bắc

Thứ ba, 27/09/2022 09:56
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Với ý tưởng mở chuỗi liên kết trong việc trồng cây sachi và gai lai lấy sợi, Thạc sĩ, Kỹ sư nông nghiệp trẻ Trịnh Thị Thanh Hòa, sinh năm 1987, ở thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đã đạt được nhiều thành công, mở ra con đường làm giàu cho người dân địa phương.
Kỹ sư Nông nghiệp Trịnh Thị Thanh Hòa hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây sachi. Ảnh: Xuân Nguyễn 

Chia sẻ với chúng tôi, Thanh Hòa cho biết: Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp và bảo vệ xuất sắc luận văn Thạc sĩ ngành Nông nghiệp, cô quay về công tác cống hiến năng lực tại quê hương. Trở thành cán bộ Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Đà Bắc là điều kiện thuận lợi để cô thường xuyên có mặt ở các xã, khảo sát, tham mưu các cấp định hướng cho người dân phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập.

Năm 2017, nhận thấy sachi là loại cây có giá trị kinh tế cao, có nhiều công dụng, lại có thể tận dụng hầu hết các bộ phận để chế biến thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm; đặc biệt, loại cây này chỉ đầu tư trồng 1 lần, nhưng cho thu hoạch nhiều năm, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương nên Kỹ sư trẻ Trịnh Thị Thanh Hòa đã mạnh dạn xây dựng Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây sachi trên địa bàn huyện Đà Bắc và được các cấp, ngành địa phương đồng tình ủng hộ. Đến nay hợp tác xã (HTX) của Hòa đã hướng tới sản xuất các sản phẩm chủ lực như dầu omega 3, hạt rang sấy, trà sachi… sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao và cung cấp một phần dầu ép lạnh cho các công ty dược phẩm trong nước, góp phần làm gia tăng giá trị sản phẩm và được khách hàng đón nhận tích cực.

Không dừng lại ở cây sachi, hiện nay HTX tiếp tục liên kết với Tập đoàn An Phước thực hiện mô hình trồng cây gai lai AP1 lấy sợi là nguyên liệu phục vụ nghành dệt may ở các xã vùng cao của huyện Đà Bắc.

Nữ đảng viên trẻ - Kỹ sư Nông nghiệp Trịnh Thị Thanh Hòa. Ảnh: Kim Chiến 

Năm 2021, Thanh Hòa cùng các cộng sự đã vận động các hộ dân trồng được trên 20ha cây gai lai và cho thu hoạch 2 vụ ở năm đầu tiên ở xã Trung Thành. Tính đến tháng 8/2022 diện tích gai lai tiếp tục được mở rộng tại xã Trung Thành, Mường Chiềng, Yên Hòa huyện Đà Bắc với 142 hộ tham gia nâng diện tích tăng lên 62ha. Diện tích cây gai vào năm thứ 2 cho sản lượng ổn định chiếm 30% diện tích.

“Cây gai lai có mức đầu tư thấp, chi phí đầu tư ban đầu  40 -50 triệu đồng/ha. Một năm thu hoạch 4 - 5 lứa, trồng một lần thu hoạch 8-10 năm, năng suất vỏ gai năm thứ 2 trở đi đạt 3 – 3,5 tấn sợi khô/ ha. Thu nhập người trồng gai 120 triệu – 135 triệu /ha… So với các cây trồng truyền thống như ngô, sắn hiệu quả tăng gấp 2 -3 lần. Có được sự thành công của mô hình liên kết chuỗi sản xuất trên là nhờ sự vào cuộc, ủng hộ mạnh mẽ về mọi mặt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến các xã về chủ trương phát triển cây sachi và gai lai trên địa bàn Hòa Bình” – Trịnh Thị Thanh Hòa nói.

Bên cạnh sản phẩm sợi gai khô, các phụ phẩm sau thu hoạch của cây gai được ủ phân vi sinh hữu cơ, bón trở lại cho cây trồng thành chuỗi tuần hoàn, một phần ủ chua làm thức ăn chăn nuôi đại gia súc và thủy sản trong vùng.

Dự kiến trong giai đoạn 2022-2025, diện tích trồng gai sẽ đạt 200ha tại huyện Đà Bắc cung cấp 550- 600 tấn sợi khô về cho các nhà máy. Mô hình theo hình thức liên kết chuỗi giá trị từ nông dân – HTX– nhà máy sợi của Tập đoàn An Phước đang mở ra hướng mới thay đổi cơ cấu cây trồng và thói quen sản xuất hàng hóa đối với nông dân vùng dân tộc thiểu số Đà Bắc.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đinh Công Sơn – Bí thư Huyện Đoàn Đà Bắc (Hòa Bình) nhận xét: Kỹ sư nông nghiệp, đảng viên trẻ Trịnh Thị Thanh Hòa là người có năng lực, trình độ chuyên môn vững vàng, rất quyết đoán, xông xáo, dám nghĩ dám làm, cô làm việc bằng cả cái tâm khi tích cực cống hiến năng lực của mình cho quê hương, giúp người dân vùng cao Đà Bắc làm kinh tế, cải thiện cuộc sống… Đồng thời Hòa cũng là tấm gương sáng trong phong trào thanh niên khởi nghiệp để cho các bạn trẻ và nhiều người dân địa phương học hỏi noi theo.

 Trịnh Thị Thanh Hòa (mặc áo vàng ở giữa ảnh) vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2021. Ảnh: Quỳnh Trâm.

"Điều đáng mừng là khi cây gai lai “bén rễ” trong dự án mới của Thanh Hòa được 1 năm thì cũng là lúc nó mang đến cho chủ nhân một niềm vinh dự đặc biệt: Giải Vàng cuộc thi “Thách thức kinh doanh”. Đây là cuộc thi dành riêng cho thanh niên dân tộc thiểu số có sáng kiến khởi nghiệp và kinh doanh đổi mới, sáng tạo, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế địa phương do Liên minh châu Âu và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam tài trợ; thực hiện bởi tổ chức Aideet Action, Trung tâm Hợp tác Phát triển Tây Bắc cùng Hội Liên hiệp Thanh niên 2 tỉnh Hòa Bình và Lào Cai. Với phần thưởng 120 triệu đồng và sự đồng hành của Đoàn thanh niên, giải thưởng được giải ngân vào hạng mục mua máy tuốt sợi và vật tư phục vụ vùng nguyên liệu. Năm 2021 Thanh Hòa được nhận giải thưởng Lương Định Của là phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn dành cho nhà nông trẻ tiêu biểu.

Ngoài ra, dự án trồng cây gai lai lấy sợi đã được Chương trình VCIC CONNECT “Chuyển giao công nghệ, kết nối đầu tư và xúc tiến thị trường” do Ban quản lý dự án “Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam” (VCIC) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lựa chọn (cùng 22 dự án khác trong cả nước) tham gia chương trình. Ngoài ra, Trịnh Thị Thanh Hòa còn được chọn là một trong những Start-up tiêu biểu tham gia sự kiện, trưng bày sản phẩm tại Impact Techfest các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc tổ chức tại Phú Thọ tháng 12/2019 và Techfest Quốc gia 2019 tại Quảng Ninh” – Bí thư Huyện Đoàn Đà Bắc cho biết thêm../.

Kim Chiến – Xuân Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực