|
Trung tá, Thạc sĩ Phạm Như Quỳnh (thứ 2 từ phải sang) chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Tùng trên địa bàn thị xã Sơn Tây. Ảnh: CTV |
Trung tá, Thạc sĩ Phạm Như Quỳnh sinh năm 1982, tại xã Gia Phong, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên, sau đó, chị học cao học tại Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội. Năm 2005, chị thi tuyển và nhận công tác tại HVBP, là giảng viên bộ môn Tâm lý giáo dục học quân sự, Khoa Công tác Đảng, công tác chính trị. Hiện nay, chị đang đảm nhiệm cương vị Phụ trách bộ môn Tâm lý giáo dục học quân sự, Khoa Công tác Đảng, công tác chính trị, HVBP.
Nghề nghiệp chuyên môn mà Trung tá Quỳnh được đào tạo ở Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội là chuyên ngành Tâm lý - Giáo dục học, bao gồm những kiến thức cơ bản về tâm lý, giáo dục chung. Nhưng khi giảng dạy ở HVBP, với đặc thù của hoạt động của BĐBP gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và gắn với đồng bào các dân tộc nơi biên giới, hải đảo xa xôi, vì vậy, chị luôn phải cố gắng học hỏi qua đồng nghiệp, qua những chuyến công tác thực tế tại các đơn vị cơ sở và vận dụng những kiến thức đã học vào trong từng bài giảng để sát với từng đối tượng học viên. Đó cũng là những khó khăn trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học của chị những ngày đầu mới bước chân vào HVBP.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Phạm Như Quỳnh chia sẻ: Là một giảng viên trẻ, tôi luôn ý thức mình đang gánh trên vai trách nhiệm nặng nề và niềm vinh dự của sự nghiệp trồng người. Đặc biệt, HVBP là nơi đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học của BĐBP. Do đó, mỗi thầy giáo, cô giáo vừa phải có tâm, vừa phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, để đào tạo những sĩ quan Biên phòng tương lai vừa hồng vừa chuyên, tốt nghiệp ra trường hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy trên lớp để truyền kiến thức, truyền kinh nghiệm, truyền tình yêu ngành, yêu nghề đến với những sĩ quan Biên phòng tương lai ưu tú, chị luôn tâm niệm hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong những hoạt động cơ bản của người giảng viên, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng của đội ngũ nhà giáo. Chính vì vậy, từ năm 2017 đến năm 2022, chị là Chủ nhiệm đề tài NCKH cấp Bộ Tổng Tham mưu, Chủ nhiệm 2 đề tài NCKH cấp cơ sở. Trong đó, năm 2019, với đề tài: “Nâng cao chất lượng nghiên cứu đề tài khoa học của đội ngũ cán bộ trẻ các trường trong BĐBP” do Trung tá Quỳnh làm Chủ nhiệm đã được trao giải Nhất trong cuộc thi Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân lần thứ XIX do Bộ Quốc phòng tổ chức.
Vinh dự hơn khi năm 2020, đề tài NCKH: “Nâng cao năng lực sư phạm cho đội ngũ giảng viên ở HVBP đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, Trung tá Quỳnh tham gia cùng với nhóm tác giả, một lần nữa được trao giải Nhất trong cuộc thi Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân lần thứ XX. Hai đề tài nghiên cứu thành công vừa có ý nghĩa về mặt lý luận, vừa có ý nghĩa về mặt thực tiễn, góp phần vào việc nâng cao hơn nữa chất lượng của đội ngũ giảng viên trong các nhà trường của BĐBP nói riêng, từ đó, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ sĩ quan Biên phòng tương lai.
|
Trung tá, Thạc sĩ Phạm Như Quỳnh (bên trái) trao quà trong Chương trình “Sóng và máy tính cho em” năm 2021. Ảnh: CTV |
Trên cương vị là Chủ tịch Công đoàn cơ sở I, HVBP, chị đã cùng với Ban chấp hành Công đoàn triển khai công tác một cách có hiệu quả. Nhiều mục tiêu, hoạt động công đoàn có ý nghĩ được triển khai như: vận động, quyên góp hưởng ứng Chương trình “Mái ấm công đoàn-Nghĩa tình đồng đội”; Chương trình “Sóng và máy tính cho em” cho con đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; nhận chăm sóc, phụng dưỡng 1 Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn thị xã Sơn Tây (thành phố Hà Nội); quyên góp, ủng hộ bà con bị lũ lụt ở miền Trung; ủng hộ bà con khu vực biên giới Lai Châu trong Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”... Công đoàn HVBP đã kịp thời hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với đoàn viên công đoàn nhà trường và nhân dân trên địa bàn đóng quân và ở khu vực biên giới. Đây là những hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, truyền đi năng lượng tích cực, lan tỏa yêu thương rộng rãi, được đông đảo công đoàn viên tham gia, ủng hộ và được Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện khen ngợi, đánh giá cao.
Nhận xét về Trung tá Phạm Như Quỳnh, Đại tá Lê Khả Đài, Phó Chủ nhiệm Chính trị HVBP cho biết: “Trên cương vị là Chủ tịch Công đoàn cơ sở I, đồng chí Phạm Như Quỳnh luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, sự hướng dẫn của cơ quan chính trị để cùng với Ban chấp hành Công đoàn thực hiện có hiệu quả nhiều hoạt động của tổ chức công đoàn. Nhiều mô hình hay, nhiều cách làm sáng tạo đã được các đoàn viên công đoàn nhiệt tình ủng hộ, hăng hái tham gia, tạo nên tính lan tỏa rất lớn, góp phần vào thành tích chung của HVBP”.
Với gần 20 năm trong quân ngũ, Trung tá Phạm Như Quỳnh đã gặt hái được nhiều thành tích nổi bật. Nhiều năm liền, chị là Giáo viên dạy giỏi cấp Học viện, cấp Bộ Tư lệnh BĐBP. Đặc biệt, năm 2017, chị đạt Giáo viên dạy giỏi cấp Bộ Quốc phòng. Hai năm liền (2019, 2020), chị đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm 2019, 2020, chị đạt giải Nhất cuộc thi Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân. Năm 2019, chị được Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tặng Bằng khen về thành tích trong công tác Công đoàn; Bộ Tư lệnh BĐBP và Ban Giám đốc HVBP tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen khác…