Sinh ra và lớn lên tại huyện Nậm Pồ - một huyện miền núi, biên giới của tỉnh Điện Biên, suốt những năm tháng tuổi thơ, Lò Thị Thanh Hợp phải nếm trải biết bao những khó khăn, thiếu thốn và càng lớn, Hợp càng đồng cảm với đồng bào nơi đây.
"Từ khi bắt đầu học cấp 2, tôi đã phải xa gia đình vượt quãng đường 70 cây số theo học trường dân tộc nội trú của huyện. Nhà xa nên chỉ dịp Tết hay nghỉ hè mới được về nhà với bố mẹ. Những lần được bố đưa xuống trường vui lắm nhưng ngồi xe thì rất vất vả. Có lần bố đưa tôi đi đúng vào mùa mưa, đường trơn trượt khiến bố bị lăn mấy vòng xuống vực, bỏ lại chiếc xe đổ chỏng chơ và cô con gái nhỏ không biết xoay xở làm sao để cứu bố", Thanh Hợp kể.
|
Bác sỹ Lò Thị Thanh Hợp |
Kỉ niệm ấy cùng việc chứng kiến gia đình cũng như dân bản khó tiếp cận với hệ thống y tế đã thôi thúc Hợp nỗ lực không ngừng học tập, thi đậu vào Trường Đại học Y Thái Bình. Cô gái Thái quyết gạt nước mắt, một lần nữa chấp nhận xa gia đình, xa bản làng gấp nhiều lần quãng đường từ Nà Hỳ xuống huyện học chữ để đến khi cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp đại học lại một lòng, một dạ quay trở về quê hương với mong muốn chăm lo sức khỏe, cải thiện cuộc sống cho người dân quê nhà.
"Nghĩ lại chặng đường "học chữ gian nan" không hiểu sao tôi chẳng nghĩ tới những giọt nước mắt, những giọt mồ hôi mà chỉ thấy mình may mắn. Được thầy cô rèn giũa, mang theo kỳ vọng của không chỉ gia đình mà cả dân bản, tôi tự nhủ phải làm sao cố gắng học thật tốt. Thời đó, cách đây 20 năm còn thiếu thốn hơn bây giờ nhiều lắm nhưng mỗi lần khăn gói đi học là dân bản lại dúi cho quả trứng, người móc túi cho 10 nghìn, 20 nghìn. Cử chỉ ấm áp yêu thương ấy hun đúc trong lòng đứa trẻ như tôi là chỉ có thể báo đáp một cách thiết thực nhất bằng kết quả học tập", Hợp xúc động.
Và cô gái trẻ đã không ngại ngần tham gia vào dự án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn" (dự án 585) của Bộ Y tế. Nữ bác sĩ sinh năm 1990 ngày ấy giờ đã là Trưởng khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện.
Nhưng ở một huyện miền núi như Nậm Pồ, những thầy thuốc có trình độ lại trẻ như bác sỹ Hợp đâu có nhiều! Cũng chính vì neo người nên chị còn phải đảm nhiệm cả việc khám chữa bệnh tại các khoa lâm sàng và trong suốt hơn 2 năm qua, Lò Thị Thanh Hợp cùng đồng nghiệp gánh thêm trọng trách chiến đấu, dập dịch.
|
Bác sỹ Hợp đang khám cho bệnh nhi tại Trung tâm Y Tế huyện Nậm Pồ |
“Tháng 5, tháng 6 năm ngoái, giữa tiết trời mùa hè, không chỉ tôi mà nhiều nhân viên y tế khác phải khoác trên người bộ quần áo bảo hộ kín mít xuống bản. Nhiều giờ đồng hồ nếm trải cảm giác bức bối, ngột ngạt, mồ hôi ướt sũng chảy vào mắt cay xè. Lúc được bỏ khẩu trang, những vết hằn hiện rõ lên gương mặt từng người.
Có ngày phải đi lấy mẫu xét nghiệm ở xã biên giới cách trung tâm huyện khoảng 20km đường núi. Lúc đến nơi, bà con hầu hết không ở nhà mà ở... trên nương. Dù "chống dịch như chống giặc" nhưng hiểu thói quen, tập tục của bà con trong hoàn cảnh này, chúng tôi chỉ còn cách kiên nhẫn chờ đợi. Bà con hợp tác để chúng tôi lấy mẫu xét nghiệm, truy vết khi bóng tối đã bủa vây.
Cao điểm có hôm vừa hoàn thành ca trực 24 giờ ở Trung tâm y tế, cả đêm thức trắng điều trị cho một ca bệnh nặng nhưng sáng hôm sau, tôi lại một mình trên chiếc xe máy xuống bản", bác sỹ Hợp nhớ lại những ngày tháng khi mà COVID-19 đang bùng phát.
"Trở ngại khi phải thực hiện nhiệm vụ trong khi thời tiết nắng nóng như thiêu, như đốt, trang thiết bị phòng hộ thiếu thốn, lực lượng chống dịch mỏng, vừa phải di chuyển xa, vượt núi, băng rừng... chưa khó bằng việc phải vận động người dân đâu", Hợp cho hay.
Mới đầu bà con chưa hiểu về tình hình dịch bệnh, nhiều nhân viên y tế lại không biết tiếng dân tộc nên công tác tuyên truyền, tránh gây hoang mang cho người dân đối mặt với không ít thách thức rồi cả hướng dẫn bà con cách phòng dịch, chủ động khai báo y tế, chủ động cách ly khi về từ các vùng đang có dịch hay vận động bà con tiêm vắc xin. Nhiều người phải nhờ đến sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, của trưởng bản.
Có ngày ở một điểm tiêm chỉ tiêm được chục người. Vậy là cả nhân viên y tế, cán bộ, trưởng bản phải "chuyển hướng" đến tận nhà vận động, chuẩn bị sẵn mọi thứ để bà con đổi ý là tiêm luôn ở nhà. Giải thích, phân tích rõ rồi những vẫn có trường hợp kiên quyết không tiêm. Mệt mỏi lắm nhưng đó chỉ là thiểu số thôi! Có những người lúc đầu khăng khăng từ chối sau lại cầm tay bác sỹ cảm ơn vì "nhờ bác sỹ thuyết phục, tiêm cho cả nhà tôi mà con virus tránh xa rồi"!, Hợp nở nụ cười.
|
Lò Thị Thanh Hợp trong trang phục dân tộc nhận Bằng khen và biểu trưng là một trong 10 thầy thuốc trẻ tiêu biểu toàn quốc trên mặt trận phòng chống COVID-19 |
Chỉ tính riêng đợt bùng phát dịch vào tháng 5/2021, chị cùng với viên chức Khoa Xét Nghiệm, Trung tâm Y Tế huyện phối hợp với trạm y tế xã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm diện rộng tại các xã có ghi nhận các ca F0, F1 như: xã Vàng Đán 1.400 mẫu, xã Nà Hỳ được 1.510 mẫu. Hỗ trợ các trạm y tế xã hàng chục đợt tiêm vắc xin với hàng nghìn mũi tiêm. Đó là những con số "biết nói" thể hiện nỗ lực không nhỏ của những nhân viên y tế tuyến cơ sở như bác sỹ Hợp ở Nậm Pồ.
"Tôi luôn tâm niệm rằng, trong mọi hoàn cảnh chỉ cần cố gắng hết mình thì đều nhận được kết quả tốt đẹp thôi", Lò Thị Thanh Hợp - một trong 10 thầy thuốc trẻ tiêu biểu toàn quốc trên mặt trận phòng chống COVID-19 khiêm tốn bày tỏ.
Về Hà Nội nhận khen thưởng, nữ bác sỹ trẻ vẫn đau đáu nỗi niềm: "Ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, ít bác sỹ được đào tạo bài bản, học sau đại học lại càng hiếm. Có khi được học nhiều kỹ thuật cao, thích thú lắm nhưng về địa phương chưa triển khai được do trang thiết bị thiếu thốn. Giờ dịch bệnh đã "êm", điều tôi mong mỏi nhất là nhận được sự hỗ trợ chuyên môn thường xuyên của các anh chị đồng nghiệp ở tuyến trên, tạo ra mạng lưới thầy thuốc gắn kết từ trung ương đến cơ sở. Đặc biệt, khi có ca bệnh khó, chúng tôi rất mong tuyến trên tư vấn chuyên môn từ xa một cách kịp thời để những cán bộ y tế tuyến cơ sở như chúng tôi tự tin "bám dân, bám bản"./.