An Giang triển khai các dự án hạn chế sạt lở bờ sông

Thứ sáu, 12/05/2023 09:36
(ĐCSVN) - Ở đầu nguồn của sông Cửu Long, An Giang có nhiều sông, kênh, rạch, địa chất yếu, thiếu hụt nguồn phù sa, sự gia tăng của tốc độ dòng chảy trên các sông..., nguy cơ xảy ra cơ sạt lở bờ sông, kênh, rạch ngày càng gia tăng về quy mô, tầng suất. Đặc biệt là sạt lở ở các tuyến kênh, rạch cấp 1 và cấp 2 liên tục gia tăng.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: PV) 

Theo số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, địa bàn tỉnh hiện có 56 đoạn nằm trong cảnh báo sạt lở từ đặc biệt nguy hiểm đến nguy hiểm, với tổng chiều dài khoảng 181.450 m. Sạt lở thường xảy ra trên các tuyến sông, kênh, rạch chính như: Sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, sông Bình Di, sông Châu Đốc, sông Cái Vừng, kênh Xáng Tân An, rạch Ông Chưởng, rạch Cái Sắn. Các đoạn cảnh báo sạt lở có khả năng gây ảnh hưởng cho 20.000 hộ dân, trong đó có hơn 5.380 hộ dân cần di dời khẩn cấp.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang đánh giá, nguyên nhân sạt lở gia tăng là do diễn biến thời tiết bất thường, tác động của quá trình biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của các đập thủy điện trên sông Mê Kông gây thiếu bùn cát bồi lắng và hoạt động khai thác cát, xây dựng, vận tải hai bên bờ sông... Bên cạnh đó, An Giang nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung nền đất yếu, rất dễ bị xâm thực, bào mòn nhanh; việc gia tăng phương tiện giao thông trên bờ, dưới sông gây chấn động và sóng... là nguyên nhân gây sạt lở đất ven sông, kênh, rạch.

Năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 68 điểm sạt lở, sụt lún và răn nút đất bờ sông, kênh, rạch với chiều dài 3.279 m, ảnh hưởng đến 40 căn nhà. Trong đó, huyện An Phú xảy ra 14 điểm; Chợ Mới 3 điểm; Tri Tôn 8 điểm; Châu Phú 20 điểm; Tân Châu 5 điểm; Phú Tân 15 điểm; Thoại Sơn và Long Xuyên mỗi địa phương xảy ra một điểm sạt lở. So với năm 2021, tăng hơn 25 điểm sạt lở (năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 43 điểm sạt lở, với chiều dài sạt lở 2.049 m, ảnh hưởng đến 39 căn nhà).

Để phòng ngừa, cảnh báo sạt lở, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang ông Trần Anh Thư cho biết, hằng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tổ chức triển khai quan trắc, cảnh báo sạt lở định kỳ 2 lần/năm và đo đạc, phối hợp, hỗ trợ địa phương khảo sát, bảo cáo tình hình sạt lở đột xuất tại 20 điểm trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở cảnh báo kịp thời cho địa phương và nhân dân trong vùng biết nguy hiểm. Trên cơ sở kết quả quan trắc cảnh báo sạt lở, tỉnh đã thực hiện cấm mốc trên thực địa khoanh vùng các khu vực có nguy cơ sạt lở (khu vực nguy hiểm và khu vực an toàn) cho các đoạn được cảnh báo.

Theo ông Trần Anh Thư, tất cả các đoạn cảnh báo sạt lở và thông số cảnh báo của 56 đoạn cảnh báo sạt lở này được thể hiện trên web: https://satlo.angiang.gov.vn/ để các ngành, địa phương và người dân biết chủ động cộng tác phòng tránh. Đồng thời, tỉnh đã tổ chức cắm 186 biển cảnh báo sạt lở tại các khu vực sạt lở, để tuyên truyền và cảnh báo người dân trong vùng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để phục vụ công tác phòng ngừa và ứng phó với sạt lở, An Giang đã và đang triển khai một số đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ liên quan đến sạt lở, như: Áp dụng mô hình TELEMAC 3D để mô phỏng dòng chảy và vận chuyển trầm tích tại khu vực ngã ba sông Hậu và sông Vàm Nao; khoanh vùng cảnh báo sạt lở, xây dựng cơ sở dữ liệu địa hình đáy sông và các giải pháp hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra tại các sông chính trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu phát triển hệ thống cảnh báo sạt lở sớm từ xa và tự động.

Tại An Giang, khi các địa phương phát hiện có dấu hiệu xảy ra sạt lở bờ sông, kênh, rạch, cấp huyện, cấp xã sẽ chủ động thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó xử lý sạt lở bờ sông, như: Huy động lực lượng tại chỗ lực lượng xung kích, người dân địa phương,... sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và hiểm. Ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, địa phương sẽ thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở. Đồng thời, tổ chức xử lý bước đầu để hạn chế sạt lở như: di dời nhà, công trình, vật kiến trúc ra khỏi khu vực sạt lở,...

Để ứng phó với sạt lở, tỉnh An Giang tranh thủ nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn địa phương đầu tư các cụm, tuyến dân cư để phục vụ di dời, bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng của sạt lở như: Tuyến dân cư Phú Hiệp - Hòa Lạc, tuyến dân cư An Thạnh Trung, tuyến dân cư Châu Phong,...Đặc biệt, tỉnh triển khai các dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy nhằm hạn chế sạt lở bờ sông như: Dự án chính trị dòng chảy nhằm hạn chế sạt lở bờ sông Hậu, bảo vệ đô thị thành phố Long Xuyên thích ứng với biến đổi khí hậu; dự án nạo vét chính trị dòng chảy hạn chế sạt lở đường bờ sông Tiền khu vực xã Vĩnh Hòa thị xã Tân Châu và một số dự án khác...

Để hạn chế thiệt hại về người, tài sản do sạt lở đất bờ sông, tỉnh An Giang tăng cường cảnh báo, phòng, chống và khắc phục hậu quả sạt lở đất bờ sông; tiếp tục nâng cao năng lực cảnh báo, theo dõi, quan trắc cảnh báo các đoạn sông xảy ra sạt lở. Các huyện, thị, thành tăng cường kiểm tra không để phát sinh, cải tạo gia tăng tải trọng nhà ở, công trình trên bờ sông, kênh, rạch trái phép; thanh tra, kiểm tra việc khai thác cát sông trái phép, xử lý nghiêm các sai phạm./.

Thanh Sang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực