Bạc Liêu: Kiến nghị thực hiện dự án đầu tư cấp bách phòng, chống sạt lở bờ sông

Thứ tư, 20/09/2023 14:37
(ĐCSVN) - Sạt lở bờ sông tại Bạc Liêu đã trở thành nỗi lo thường xuyên của người dân, nhất là vào mùa mưa bão. Đáng lo ngại là tình trạng này diễn ra với tần suất ngày càng nhiều, cùng với đó là mức độ thiệt hại cũng gia tăng. Điều này khiến người dân sống dọc theo các tuyến sông luôn thấy bất an.
 Sạt lở tại doanh nghiệp thủy sản huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Nhật Hồ)

* Sạt lở nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, từ đầu mùa mưa bão năm 2023 đến nay, địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ sạt lở bờ sông, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022 và các năm trước. Các vụ sạt lở có chiều dài gần 1.000 m, làm 119 căn nhà bị sụp, nứt, thiệt hại trên 10 tỷ đồng.

Một số vụ sạt lở nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tài sản như: Vụ sạt lở vào đêm 6/7 tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dương Lộc Tiến (chuyên sản xuất bột cá) ở ấp 4, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, thiệt hại hơn 5 tỷ đồng. Vị trí sạt lở đất có xây dựng kè bê tông dài 50 m, rộng 40 m. Công ty mới xây dựng phần kè chắn bên ngoài để bảo vệ nhưng không chống chịu được dòng chảy mạnh, nên đã xảy ra sạt lở.

Tại huyện Đông Hải, trước đó là vụ sạt lở trên phần đất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành niên thủy sản Trường Phúc, ấp Canh Điền, xã Long Điền Tây. Đoạn sạt lở dài 59 m, chiều ngang 20 m, tổng diện tích bị sạt lở khoảng 1.180 m­2, gồm: nhà xưởng, hồ xử lý nước thải cùng toàn bộ hàng rào xây dựng bằng bê tông bị sạt lở hoàn toàn. Thiệt hại về tài sản trên 2 tỷ đồng. Nguyên nhân được xác định là do phần đất nền móng khu vực phía sau nhà xưởng của Công ty dọc tuyến sông Gành Hào - Hộ Phòng (sông sâu, có dòng chảy siết, biên độ triều lên xuống chênh lệch nhiều) tác động làm cho sạt lở.

Các địa phương khác cũng xảy ra sạt lở như: thị xã Giá Rai dù nằm sâu trong nội địa nhưng nhiều vụ sạt lở xảy ra. Theo phản ánh của người dân sinh sống dọc bờ sông Bạc Liêu - Cà Mau (đoạn qua phường Hộ Phòng và xã Tân Phong, thị xã Giá Rai), tình trạng bờ sông sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại mà ngày càng nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân. Các điểm sạt lở bờ sông khá rộng, kéo dài; nguy hiểm hơn là sạt lở cứ lấn sâu sát vào nhà của người dân và các công trình xây dựng.

Anh Nguyễn Hoàng Vũ, cư ngụ ở xã Tân Phong (nơi thường xuyên xảy ra sạt lở) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc đến thời điểm căn nhà của gia đình anh ở ngay bờ sông Bạc Liêu - Cà Mau bị trôi tuột xuống sông. Căn căn nhà được xây dựng khá kiên cố, nhưng đã bị đổ ụp xuống sông sau vài tiếng kêu lớn. Gia đình anh Vũ hiện phải ở tạm nhà người thân.

Ông Đỗ Minh Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai cho biết, dọc theo tuyến bờ sông Cà Mau - Bạc Liêu (đoạn phía sau lưng nhà thờ Tắc Sậy thuộc phường Hộ Phòng) bị sạt lở với chiều dài 150 m, sâu khoảng 2 m, ảnh hưởng đến 104 hộ dân, tương ứng với hơn 380 khẩu; trong đó, sụp lún nhà 14 hộ dân, còn lại 90 hộ nền nhà bị rạn nứt. Nguyên nhân được xác định là do xâm thực của dòng chảy và ảnh hưởng của thủy triều gây ra sạt lở.

* Kiến nghị hỗ trợ kinh phí phòng, chống sạt lở

Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, chính quyền địa phương đã tăng cường kiểm tra, kịp thời báo cáo cấp trên để có biện pháp xử lý, đồng thời chỉ đạo cắm biển cảnh báo không cho người ra khu vực sạt lở; bố trí lực lượng theo dõi diễn biến tình hình sạt lở, thực hiện các biện pháp khoanh vùng, có biện pháp để đảm bảo an toàn cho người dân.

Thị xã Giá Rai kiến nghị, UBND tỉnh Bạc Liêu xem xét hỗ trợ cho các hộ dân có nhà bị sạt lở để sớm ổn định đời sống, sinh hoạt. Cùng với đó, UBND tỉnh có kế hoạch triển khai dự án Khu tái định cư trên địa bàn thị xã, xem xét bố trí nguồn vốn, triển khai xây dựng kè chống sạt lở tại vị trí sạt lở và nguy cơ sạt lở để đảm bảo ổn định đời sống lâu dài cho dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều cho biết, để hạn chế sạt lở, giảm nhẹ thiệt hại, Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 20/1/2021 về "Thực hiện đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030". Kế hoạch xác định, trên địa bàn tỉnh có 39 khu vực sạt lở bờ sông và 4 khu vực sạt lở bờ biển, tổng chiều dài sạt lở là 596,9 km. Do đó, tỉnh cần triển khai thực hiện 50 danh mục dự án, công trình với số đầu tư đến năm 2030 là 19.257 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Thiều cho rằng, tình trạng sạt lở bờ sông đang đến mức báo động nhưng giải quyết vấn đề không đơn giản bởi khó nhất vẫn là kinh phí hỗ trợ các hộ dân di dời đến nơi an toàn. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, ngân sách tỉnh chưa đủ khả năng cân đối nguồn vốn để triển khai thực hiện các dự án chống sạt lở bờ sông. Vì thế, UBND tỉnh kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét hỗ trợ địa phương hơn 3.660 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện dự án đầu tư cấp bách đối với 6 khu vực sạt lở nguy hiểm và phòng, chống chiều cường, bảo vệ sản xuất với tổng chiều dài 82,3 km, bao gồm: kè chống sạt lở dài 16,3 km, xây dựng hệ thống đê sông và công trình để phòng, chống triều cường dài 66 km./.

 

Tuấn Kiệt

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực