Theo đó, Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển (IID) là đối tác triển khai tại Việt Nam bao gồm thiết kế chương trình, tìm kiếm doanh nghiệp, tổ chức hoạt động đào tạo, ươm tạo, kết nối các nguồn lực và cố vấn đồng hành cùng doanh nghiệp.
Ban tổ chức thông tin, chương trình sẽ tìm kiếm 50 doanh nghiệp Việt Nam liên quan bảo tồn hệ sinh thái rừng, có thể bao gồm các doanh nghiệp trong mảng: chuỗi giá trị lâm nghiệp bền vững (ví dụ: khai thác gỗ, cao su…); Lâm sản ngoài gỗ: Dầu và nhựa tự nhiên, Dược phẩm và Thực phẩm & Đồ uống (ví dụ: Mật ong và Nấm), Sản phẩm mây tre đan; Sản xuất năng lượng bền vững: Năng lượng sinh học, nhiên liệu sinh khối, dăm gỗ; Dịch vụ: Quản lý nước, Thị trường carbon, Du lịch sinh thái; Bảo vệ rừng; Ứng dụng công nghệ. Chương trình cũng sẽ tìm kiếm 50 cố vấn kinh doanh tình nguyện đồng hành cùng doanh nghiệp, các cố vấn là người quan tâm đến việc tạo ra tác động rõ nét trong phát triển kinh tế, cũng như phát triển bền vững về xã hội và môi trường; có ít nhất 5 năm kinh nghiệm chuyên môn hoặc học thuật trong các hoạt động kinh doanh, đổi mới sáng tạo, tài chính và/hoặc các hoạt động liên quan đến rừng; đam mê kinh doanh và sinh kế địa phương, sẵn sàng hỗ trợ cho các doanh nhân địa phương phát triển hoạt động kinh doanh của họ; có kiến thức về các khái niệm khởi nghiệp và kỹ năng tư vấn về các chủ đề như mô hình kinh doanh, dự báo tài chính, kế hoạch tiếp thị, phân tích cạnh tranh… đặc biệt sẵn sàng cam kết tham gia toàn bộ thời gian của chương trình với khoảng 1,5 giờ mỗi tuần trong 6 tháng (bao gồm thời gian cố vấn dành để gặp gỡ doanh nhân, xem xét các công việc của mình trên nền tảng và tham gia các phiên trực tuyến khác nhau).
|
Các đại biểu tại cuộc họp trực tuyến cuối tháng 2/2024 (Ảnh chụp màn hình) |
Cũng theo Ban tổ chức, các doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ có nhiều lợi ích, bao gồm: tham gia một chương trình đào tạo chuyên nghiệp trực tuyến trong 04 tháng gồm 8 học phần để hoàn thiện mô hình và kế hoạch kinh doanh gồm: Đề xuất giá trị, Xây dựng bản đồ cạnh tranh, Xây dựng bản đồ các bên liên quan, Xây dựng mô hình kinh doanh và marketing, Xây dựng chính sách giá, Lập kế hoạch tài chính, Chiến lược tạo tác động và Lên kế hoạch tăng trưởng; Được đồng hành cùng với cố vấn 1-1 để phát triển chiến lược kinh doanh phù hợp, lên ý tưởng và theo sát tiến trình phát triển của doanh nghiệp; Được kết nối với các doanh nghiệp trong mảng bảo tồn rừng, nông lâm nghiệp trong khu vực cũng như các chuyên gia trong ngành đến từ Việt Nam, Lào và Campuchia; Tham gia sự kiện pitching tổng kết chương trình để nhận phản hồi về mô hình kinh doanh cũng như kết nối với các bên liên quan và các nhà đầu tư tiềm năng.
Trong thời gian từ 31/01/2024 - 13/03/2024, Ban tổ chức mở đơn tuyển doanh nghiệp và cố vấn. Tiếp theo, thông báo các doanh nghiệp được chọn từ ngày 25/03/2024 - 31/03/2024; triển khai giai đoạn ươm tạo và cố vấn đồng hành từ tháng 4/2024 - tháng 8/2024 và sự kiện Pitching diễn ra trong tháng 9/2024.
Vừa mới đây, cuộc họp khởi động Chương trình đã diễn ra với hình thức online zoom meeting với sự tham gia của ông Alexis Corblin, Cố vấn kỹ thuật cấp cao Chương trình Môi trường liên hiệp quốc (UNEP), điều phối viên tổng thể sáng kiến SAFE; ông Martín Jacobo, quản lý dự án tại Bridge for Billions (B4B) đồng thời là điều phối khu vực của chương trình; PGS. TS. Trương Thị Nam Thắng, Nghiên cứu trưởng đơn vị triển khai Chương trình tại Việt Nam, Viện nghiên cứu đổi mới và Phát triển IID; bà Đặng Như Quỳnh, Nghiên cứu viên, Ban Khoa học Đào tạo và Hợp tác quốc tế, Viện khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam; bà Lương Ngọc Trâm, Giám đốc Công ty TNHH Pun coffee, Doanh nghiệp đạt Giải Nhất ý tưởng kinh doanh gắn với chuỗi giá trị Rừng do WWF-Việt Nam UNREDD, Bridge for Billions với đề tài “Du lịch cộng đồng”.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Điều phối Chương trình, đơn vị triển khai Chương trình tại Việt Nam, Viện nghiên cứu đổi mới và Phát triển IID.
Tại cuộc họp, ông Alexis Corblin đã phát biểu khai mạc và giới thiệu tổng quan nhất về Sáng kiến SAFE, những gì Chương trình kỳ vọng, mong đợi và sứ mệnh mà Chương trình muốn hướng tới khi tiếp cận hỗ trợ các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Dịp này, bà Đặng Như Quỳnh đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học, sinh kế và những thách thức dưới góc nhìn nghiên cứu trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó, tập trung vào các thông tin về tổng diện tích rừng và mức độ bao phủ rừng tại Việt Nam; phân loại rừng tại Việt Nam; bảo vệ, phục hồi và quản lý đa dạng sinh học; các mối đe dọa với đa dạng sinh học; tìm hiểu về sinh kế và nguyên tắc sinh kế bền vững; mối quan hệ giữa bảo tồn đa dạng sinh học và trách nhiệm xã hội (CSR) trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME); các thách thức về sự bền vững trong kinh doanh và chiến lược vượt qua thách thức.
|
Lương Ngọc Trâm, Giám đốc Công ty TNHH Pun coffee chia sẻ về hành trình cà phê đặc sản từ vườn rừng (Ảnh: PV) |
Cũng tại cuộc họp, bà Lương Ngọc Trâm, Giám đốc Công ty TNHH Pun coffee đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như hành trình kinh doanh với viêc đưa cà phê đặc sản từ vườn rừng của Công ty. Qua đó, cũng chia sẻ những lợi ích và tiến bộ trong việc phát triển mô hình kinh doanh khi tham gia chương trình năm 2023 và khẳng định giá trị của dự án đối với kinh tế - xã hội - môi trường tại địa phương.
Giới thiệu về chương trình tăng trưởng doanh nghiệp sinh thái rừng FOREST ECOPRENEUR 2024, PGS. TS. Trương Thị Nam Thắng đã thông tin tổng quan về chương trình, trong đó khẳng định: “Sáng kiến Bảo tồn đa dạng hệ sinh thái rừng - SAFE Initiative” do Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc tài trợ, triển khai bởi Cơ quan Môi trường liên hiệp quốc (UNEP) thông qua Tổ chức Ươm tạo Bridge for Billions. SAFE Initiative là một chương trình ươm tạo nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp/ dự án kinh doanh liên quan đến bảo tồn và phục hồi sự đa dạng dưới tán rừng cũng như thúc đẩy sinh kế tại địa phương, được triển khai đồng loạt tại ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.