Bảo vệ tài nguyên - môi trường tại Vườn quốc gia Côn Đảo

Thứ ba, 09/03/2010 15:00

Sự kiện nổi bật của Vườn quốc gia Côn Đảo trong năm vừa qua, đó là ngày 21/1/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 120 về việc phê duyệt Dự án tổng thể quy hoạch tổng thể đầu tư phát triển Vườn quốc gia đến năm 2020. Mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên nơi đây đã được Ngân hàng thế giới đưa vào danh sách “Các vùng được ưu tiên bảo vệ cao nhất”, trong hệ thống các vùng bảo vệ biển trên toàn cầu.

Nằm chơi vơi giữa vùng biển Đông Nam của Tổ quốc, cách thành phố Vũng Tàu 180km, Vườn quốc gia Côn Đảo thuộc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có diện tích 20.000ha, trong đó gần 6.000ha rừng nằm trên 14 đảo; diện tích vùng bảo vệ đa dạng sinh vật biển rộng 14.000ha; vùng đệm trên biển bao quanh vùng đa dạng sinh học biển có diện tích 20.500ha.

Theo đánh giá của ông Lê Xuân Ái, Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo: Có thể coi Côn Đảo như một cầu nối cho sự phát tán sinh vật từ trung tâm đa dạng của vùng biển Ấn Độ-Tây Thái Bình Dương đến vùng biển ven bờ của Việt Nam. Đặc biệt, mối liên hệ của rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn đã tạo nên một môi trường thuận lợi cho sinh sản, ươm giống và bảo tồn các loài sinh vật biển. Vùng nước nông ven đảo cũng là nơi phân bố nhiều loài động vật quý như rùa biển, cá heo, bò biển (dugong)…Sự đa dạng sinh học của vùng biển Côn Đảo có ý nghĩa quốc gia rất to lớn về bảo tồn thiên nhiên biển Việt Nam. Ở đây còn có một số quần thể sinh vật đặc hữu quý hiếm được đưa vào Sách Đỏ gồm 44 loài, bao gồm 2 loài rong, 2 loài sinh vật ngập mặn, 3 loài san hô, 12 loài thân mềm, 1 loài giáp xác, 4 loài da gai, 7 loài cá, 7 loài bò sát, 5 loài chim và 1 loài thú.

Ngay từ những năm đầu thành lập (1984), Vườn quốc gia Côn Đảo đã coi công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên-môi trường là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Vì vậy, Ban quản lý đã nhanh chóng thành lập hệ thống bảo vệ gồm 1 Văn phòng, 1 đội Kiểm lâm cơ động, 11 trạm Kiểm lâm bao gồm 50 kiểm lâm viên. Hệ thống bảo vệ này thường xuyên phối hợp cùng các lực lượng Biên phòng, Quân đội, Công an đóng trên địa bàn và Đội Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, 4 tổ quần chúng bảo vệ thiên nhiên thực thi Chương trình bảo vệ nghiêm ngặt. Nhờ đó, Vườn quốc gia Côn Đảo đã và đang làm tốt chức năng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ sinh cảnh và môi trường của các loài động, thực vật hoang dã trên quần đảo này.

Trước hết, phải kể đến Dự án Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển và ven biển Côn Đảo, do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và tổ chức phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA) tài trợ thực hiện từ năm 2006-2009, đã được Vườn quốc gia Côn Đảo thực hiện đúng mục tiêu đề ra, mà thành tích nổi bật nhất là không để xảy ra bất cứ vụ cháy rừng nào trên địa bàn nhờ có sự tham gia quản lý của cộng đồng địa phương. Trong năm 2009, lần đầu tiên tại Côn Đảo đội ngũ quản lý của Vườn phối hợp cùng 20 ngư dân địa phương đã trồng phục hồi san hô với quy mô 40ha gồm 52.000 cành, tỷ lệ sống đạt tới 80%. Thành công nữa của Vườn là quy hoạch quản lý chặt chẽ 1.281 tổ rùa biển đẻ an toàn trên các bãi biển Côn Đảo, có 117.000 rùa con được thả về biểm. Đây cũng là năm có số tổ trứng rùa đẻ và lượng rùa con thả về biển cao nhất từ trước đến nay, là minh chứng sống động của công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Côn Đảo.

Tuy vậy, việc phát triển du lịch và khai thác tài nguyên thiên nhiên thiếu bền vững, cộng với sự gia tăng dân số đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến đa dạng sinh học biển ở quần đảo giàu tiềm năng này. Do đó, định hướng phát triển kinh tế-xã hội tại Côn Đảo trong những năm tới phải đi đôi với những biện pháp làm giảm thiểu tới mức thấp nhất đến tác động môi trường, bảo vệ bền vững đa dạng sinh học nơi đây, cần được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và huyện Côn Đảo cân nhắc một cách kỹ lưỡng./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực