Bộ Y tế đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư

Thứ hai, 05/08/2024 19:30
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế nếu thể chế có đầy đủ nhưng ở địa phương, đơn vị "mà còn vấn đề" trong tổ chức thực hiện thì cũng dẫn đến tình trạng không đủ thuốc, vật tư phục vụ khám chữa bệnh.

Chiều 5/8, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, trả lời câu hỏi của phóng viên về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra tại một số bệnh viện, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phân tích hai yếu tố cần thiết để thực hiện mua sắm thuốc và vật tư y tế tại cơ sở y tế.

Yếu tố thứ nhất là về thể chế, có nghĩa là thực hiện các văn bản liên quan như nghị định, thông tư liên quan đến vấn đề mua sắm thuốc và vật tư y tế. Thứ hai là tổ chức thực hiện tại các địa phương, các cơ sở y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trả lời báo chí tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7.  Ảnh:  Nhật Bắc 

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, nếu thể chế có đầy đủ nhưng ở địa phương, đơn vị "mà còn vấn đề nọ vấn đề kia" trong tổ chức thực hiện thì cũng dẫn đến tình trạng không đủ thuốc, vật tư phục vụ khám chữa bệnh.

"Ví dụ các địa phương có bố trí kinh phí cho việc mua sắm thuốc, vật tư y tế không? Trong quá trình xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu có đảm bảo tiến độ không? Lựa chọn nhà thầu thế nào? Khi lựa chọn được nhà thầu rồi thì nhà thầu có chịu tham gia cung ứng thuốc vật tư không hay là bỏ đó?..."- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, vừa qua, đặc biệt là sau dịch COVID-19, có xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở một số đơn vị, một số địa phương nhưng chỉ diễn ra cục bộ, tại một số thời điểm, đơn vị, một số loại, chứ không phải tất cả.

"Tôi đã đi khảo sát Bệnh viện Trung ương Huế, đơn vị này khẳng định không thiếu thuốc, vật tư y tế" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên dẫn chứng.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, nhận diện được vấn đề này, Bộ Y tế đã đề ra giải pháp khắc phục, cụ thể là tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ, phối hợp với các Bộ Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư liên quan để ban hành Thông tư, Nghị định, Luật.

Ngay từ năm 2023, Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Đây là Nghị quyết có nhiều ý nghĩa trong vấn đề cấp sổ đăng ký lưu hành thuốc.

Trên cơ sở nội dung này, sẽ đưa vào trong dự thảo Luật dược (sửa đổi) dự kiến trình thông qua vào tháng 10 tới đây. Nếu làm tốt sẽ cải cách hành chính trong cấp giấy đăng ký gia hạn thuốc.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 30/2023/NQ-CP ngày 04/3/2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế cũng đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc. Cùng với đó, Bộ Y tế đã tham mưu và trình Quốc hội ban hành Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết thêm, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Luật Đấu thầu; phối hợp với Bộ Tài chính trình Luật giá. Sau khi có các Luật được thi hành, Bộ Y tế tiếp tục ban hành các văn bản thi hành Luật Khám chữa bệnh; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư về khám chữa bệnh.

Bộ cũng chủ động ban thành Thông tư dưới Luật hướng dẫn về lĩnh vực đấu thấu vật tư y tế; danh mục thuốc đàm phán giá; danh mục thuốc đấu thầu tập trung; quy định đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế, Bộ đã hướng dẫn cụ thể về các bước xây dựng, quy trình…

Bộ Y tế cũng đang phối hợp với các đơn vị hoàn thiện 2 dự án Luật hết sức quan trọng đó là Luật Dược (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2024.

Nếu Luật Dược (sửa đổi) thông qua, trong đó Bộ Y tế đã trình 5 chính sách, trong đó, cơ bản các chính sách đều cải cách thủ tục hành chính mạnh theo yêu cầu của Thủ tướng để làm sao đẩy nhanh tiến độ cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc. Từ đó, các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh có điều kiện nhập nguyên liệu, nhập thuốc sản xuất, cung ứng trong cơ sở y tế. Đây sẽ là điều kiện để bảo đảm về thuốc.

Các văn bản cũng có nhiều điểm mới nổi bật như: cho sử dụng 1 giấy báo giá hoặc cho phép lấy giấy báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính, chuyên môn, nhu cầu của các đơn vị, địa phương, cơ sở y tế (trước đây phải có 3 báo giá).

Ngoài ra, được chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách để duy trì hoạt động chi thường xuyên; Luật đấu thầu được thực hiện trong trường hợp cấp cứu người bệnh trong tình trạng cấp cứu theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) bao gồm các gói thầu dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp do nhu cầu đột xuất, không có mặt hàng thay thế và bắt buộc phải sử dụng để đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người bệnh; cơ sở y tế được áp tùy chọn mua thuốc để mua thêm ngay tối đa 30% số lượng theo hợp đồng chưa có.

Đây là những điểm mới mà trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế được Bộ Y tế đưa ra nhằm giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.

"Qua đi khảo sát thực tế, vấn đề hoàn thiện thể chế trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế cơ bản đầy đủ, chủ yếu ở khâu triển khai thực hiện. Các địa phương phải rất linh hoạt trong vận dụng để tổ chức đấu thầu, miễn là công khai, minh bạch, không có lợi ích nhóm, hay dấu hiệu tham nhũng, lãng phí trong vấn đề này" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực