Việt Nam thuộc nhóm nước có nguy cơ đột qụy cao nhất thế giới

Chủ nhật, 27/10/2024 16:30
(ĐCSVN) - Việt Nam thuộc nhóm những nước có tỷ lệ đột quỵ cao nhất trên thế giới. Cứ 4 người trên 25 tuổi thì tương lai một người có khả năng mắc đột qụy.

Thông tin được GS.TS.BS Đỗ Doãn Lợi, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia chia sẻ tại Hội thảo giới thiệu về Chương trình dự phòng đột quỵ và nhồi máu cơ tim do Đại học Y Khoa Tokyo Việt Nam và Bệnh viện Kusumi tổ chức ngày 27/10 tại Hưng Yên.

Các chuyên gia của Việt Nam và Nhật Bản giải đáp thông tin cho người dân. 

Theo GS.TS.BS Đỗ Doãn Lợi, bệnh lý tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Ước tính cứ 100 người tử vong thì có đến hơn 30 người chết vì bệnh lý tim mạch, cứ 1,5 giây lại có một người chết. Nó gây ra cái chết của 20,5 triệu người trên thế giới nên được gọi là kẻ giết người số một.

Trong số này, nguy cơ về bệnh đột quỵ và nhồi máu cơ tim là vô cùng lớn. Hiện nay, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 300.000 người chết do 2 căn bệnh này và cứ 100 người tử vong thì có hơn 30 người tử vong do 2 căn bệnh này.

Thống kê cho thấy, Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới. Cứ 4 người trên 25 tuổi thì tương lai một người có khả năng mắc đột qụy.

Đáng báo động, tình trạng bệnh nhân bị đột quỵ và nhồi máu cơ tim đang có xu hướng trẻ hóa. Có 20% số bệnh nhân nhồi máu cơ tim trên thế giới là dưới 40 tuổi. Còn tại Việt Nam, các bệnh viện chuyên ngành tim mạch, đột qụy ghi nhận nhiều bệnh nhân chỉ hơn 20 tuổi đến hơn 30 đã bị đột qụy và nhồi máu cơ tim. Nguyên nhân là do giới trẻ hiện nay ăn nhiều đồ ăn nhanh, nghiện thuốc lá, uống nhiều rượu, bia, chất kích thích, nước ngọt có ga, sử dụng điện thoại, máy tính liên tục, sống vội vã căng thẳng và ít vận động. Đây là những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh đột qụy và nhồi máu cơ tim.

 GS.TS.BS Đỗ Doãn Lợi, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam chia sẻ bên lề Hội thảo.

"Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đột quỵ cao nhất thế giới, có thể tắc mạch não, xuất huyết não. Diễn biến về sau cũng hết sức nặng nề, nếu không tử vong, hôn mê thì người bệnh có thể gặp rất nhiều biến chứng (suy giảm nhận thức, rối loạn ngôn ngữ, liệt nửa người, động kinh, co giật…). Đây là gánh nặng vô cùng lớn cho gia đình và xã hội", GS. Lợi phân tích.

Theo GS Lợi, bệnh nhồi máu cơ tim, đột quỵ có triệu chứng khác nhau, nhưng đều có cùng yếu tố nguy cơ. Đây đều là những bệnh thường gặp ở người lớn tuổi nhưng ngày càng tăng ở người trẻ. Các yếu tố nguy cơ chính đều có thể thay đổi được để giảm tỷ lệ mắc bệnh. Bệnh có thể dự phòng được.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, năm 2020, Việt Nam có gần 160.000 người chết vì đột quỵ do tắc mạch não, xuất huyết não. Thông thường cứ 3 người bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ thì 2 người sẽ tử vong hoặc gặp các di chứng nặng cần người chăm sóc trong vòng 5 năm sau đột quỵ.

Với đột quỵ do xuất huyết, cứ 4 người thì 3 người tử vong hoặc để lại biến chứng, cần người chăm sóc nhiều năm. Còn với nhồi máu cơ tim, tỷ lệ sống sót chỉ khoảng 60% và cũng để lại tình trạng tàn phế, gây ra gánh nặng cho gia đình và xã hội.

TS.BS Azumi Ishizaki, Bác sĩ chuyên khoa Nội, Hiệp hội Nội khoa Nhật Bản chia sẻ: “Nguy cơ chính gây ra các bệnh tim mạch ở người Việt Nam được xếp theo thứ tự từ cao đến thấp gồm huyết áp cao, hút thuốc, đường máu cao, mỡ máu cao và béo phì. Như vậy, đối với người Việt, việc cải thiện tình trạng tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, tăng mỡ máu, béo phì...; không lạm dụng rượu bia, không hút thuốc, kiểm soát cân nặng hợp lý, vận động, tập thể dục phù hợp thì sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch”.

 TS.BS Azumi Ishizaki, Bác sĩ chuyên khoa Nội, Hiệp hội Nội khoa Nhật Bản chia sẻ tại Hội thảo.

Theo TS.BS Azumi Ishizaki, mọi người thường nghĩ bệnh tim mạch là bệnh đột ngột xuất hiện vào một ngày nào đó, nhưng đây không phải là bệnh xảy ra đột ngột, trước khi xảy ra đột quỵ hay nhồi máu cơ tim, cơ thể đã có những dấu hiệu trước. Vì thế, vấn đề dự phòng đóng vai trò rất quan trọng.

Nhật Bản cũng như một số nước phát triển trên thế giới đã thành công trong việc giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh lý tim mạch nhờ dự phòng, điều trị các yếu tố nguy cơ (mỡ máu, tiểu đường, huyết áp cao béo phì…), tăng cường chế độ ăn, duy trì lối sống năng động…/.

 

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực