Khẩn trương, quyết liệt chống dịch trong bối cảnh bình thường mới

Thứ sáu, 29/01/2021 21:00
(ĐCSVN) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý cho dừng các hoạt động không cần thiết, tập trung đông người; các lễ ăn mừng; các trận bóng đá tập trung, các hoạt động đông người, đám cưới, đám tang… Khẩu hiệu "chống dịch như chống giặc" vẫn còn nguyên giá trị nhưng “chống dịch trong bối cảnh bình thường mới”.

Chiều 29/1, ngay sau khi kết thúc ngày làm việc thứ 5 của Đại hội XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục triệu tập cuộc họp tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình nhằm đánh giá tình hình công tác khoanh vùng, xử lý các ca lây nhiễm COVID-19 mới được phát hiện.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và lãnh đạo các tỉnh: Hải Dương, Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng và một số địa phương khác.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. 

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày hôm nay (29/1) ghi nhận thêm ghi nhận thêm 53 trường hợp nhiễm COVID-19 tại Hải Dương (47 ca), Quảng Ninh (3 ca), Hà Nội (2 ca) và Bắc Ninh (1 ca). Như vậy, từ ngày 25/1 đến nay, Bộ Y tế đã ghi nhận 149 trường hợp mắc tại 5 tỉnh, thành phố gồm Hải Dương (130 ca), Quảng Ninh (15 ca), Hà Nội (2 ca), Hải Phòng (1 ca).

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, 53 ca nhiễm chiều nay có thể là lần phát hiện lớn nhất còn lại trong đợt dịch này.

Về khả năng ngăn chặn dịch, Phó Thủ tướng cho biết với tình hình quyết liệt truy vết và thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống hiện nay thì khoảng 8 ngày nữa sẽ ngăn chặn được dịch lây lan. Việc truy vết, đang diễn ra rất khẩn trương và hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã lấy mẫu các nơi xung quanh Công ty TNHH Poyun và kết quả đều âm tính. Như vậy, có thể khẳng định là đã khoanh trúng ổ dịch.

Cụ thể, Quảng Ninh có 15 ca, tất cả đều ở sân bay Vân Đồn. Hải Phòng có 2 ca là 2 mẹ con ở bệnh viện và đều liên quan đến Hải Dương. Các trường hợp khác ở Hà Nội cũng liên quan đến Chí Linh (Hải Dương).

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, dù còn có thể xuất hiện ca mắc rải rác nhưng cho đến nay có thể khẳng định là sẽ dập được dịch và tình hình khả quan.

Người đứng đầu Bộ Y tế chia sẻ, tất cả các hoạt động Bộ Y tế thực hiện đều được kích hoạt rất nhanh, đã khoanh vùng dập dịch sớm nhất có thể đối với Hải Dương. Hiện huy động 1.200 người xuống Hải Dương để dập dịch.

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho biết, Hải Dương đã phản ứng nhanh khi có dịch. Đến nay, Hải Dương đã cách ly 3.000 ca F1. Ngoài Chí Linh còn xuất hiện ba địa phương có người làm công nhân tại Công ty Poyun là huyện Kinh Môn, huyện Nam Sách, huyện Kim Thành. Có rất nhiều F1 tại ba huyện trên. Ngoài ra, hiện đang truy vết F1 tại hai đám cưới, một đám tang.

Ngay sau khi kết thúc ngày làm việc thứ 5 của Đại hội XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc họp về công tác phòng chống COVID-19.

Bí thư Phạm Xuân Thăng cho rằng, ngoài Chí Linh và ba địa phương trên thì còn có thể thêm địa điểm khác. Do đó, đề nghị Bộ Y tế tăng cường hỗ trợ xét nghiệm và hỗ trợ một số địa điểm quân đội để cách ly.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Xuân Ký cho biết, ổ dịch Vân Đồn đến nay là hoàn toàn yên tâm sẽ dập được. Đối với ổ dịch Chí Linh (Hải Dương) giáp với Đông Triều (Quảng Ninh), điểm chung là có chợ chung giữa hai địa phương. Ba ca mới phát hiện ở Đông Triều xác định có một ca đi qua Hải Dương ăn đám cưới. Một ca khác đi từ Hải Dương về Vân Đồn thì đã cách ly ngay. Hôm nay đã truy vết được 10.000 người, lấy mẫu 5.000 người và xét nghiệm 2.500 mẫu, cho ra 18 ca dương tính. Các mẫu còn lại tối nay sẽ thực hiện xong.

Bí thư Quảng Ninh Phạm Xuân Ký kiến nghị các địa phương cần thông suốt thông tin với nhau để vừa chống dịch và vừa đảm bảo cung ứng các vấn đề khác, trong đó có hàng hóa.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các địa phương, các ngành đã tích cực triển khai chủ trương ngăn chặn thần tốc sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 tại Hải Dương, Quảng Ninh với tinh thần quyết liệt đồng bộ trong chỉ đạo thực hiện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần "thần tốc với các biện pháp quyết liệt, đồng bộ ngay khi các ổ dịch được phát hiện". Đồng thời cũng phê bình, lưu ý những biểu hiện thiếu quyết tâm ngăn chặn hiệu quả nếu có, nhất là một số địa phương, một số nơi mất cảnh giác.

Thủ tướng cho rằng, trong khi triển khai công tác chống dịch, chúng ta đã có nhiều biện pháp rất cụ thể, với sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Đến nay, Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế đã tiến hành 2 lần giao ban toàn quốc.

Thủ tướng cũng cho biết một số đồng chí lãnh đạo đang dự Đại hội Đảng lần thứ XIII tại Hà Nội cũng đã về địa phương để chỉ đạo hoặc chủ trì họp trực tuyến với địa phương về công tác phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, ngành Y tế đã cử nhiều cán bộ chuyên môn hỗ trợ các địa phương.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự cuộc họp tiếp tục thảo luận những chủ trương, biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ hơn để đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu, xét nghiệp trên diện rộng; chủ trương xây dựng một số bệnh viện dã chiến; phong tỏa một số khu vực có nguy cơ cao trên tinh thần giãn cách xã hội.

Bộ Y tế phải đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng về việc mua vaccine bằng ngân sách Nhà nước và xã hội hóa hỗ trợ. "Chúng ta đang chuẩn bị Tết Nguyên đán cổ truyền cho nhân dân, đang tiến hành Đại hội Đảng lần thứ XIII, đã thực hiện thành công mục tiêu kép ở Việt Nam trong suốt năm 2020, giờ đây chúng ta bị lây nhiễm cộng đồng ở khu vực dân cư đông đúc, thành phố lớn, tỉnh trọng điểm kinh tế... Vì thế chúng ta phải có biện pháp quyết liệt hơn nữa để khoanh vùng, dập dịch, không để dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Một lần nữa, hệ thống y tế được khởi động, vào cuộc, lực lượng công an, quân đội, các địa phương cần có trách nhiệm hơn nữa, cơ quan báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng để nhân dân đề cao cảnh giác thực hiện thông điệp 5K, nhưng cũng không hoang mang, dao động", Thủ tướng nói.

Trước diễn biến mới của tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, khẩu hiệu "chống dịch như chống giặc" vẫn còn nguyên giá trị nhưng “chống dịch trong bối cảnh bình thường mới”. Chủng virus mới lây lan rất nhanh, chúng ta cần hành động nhanh hơn, xét nghiệm nhanh trên diện rộng, thần tốc truy vết để ngăn chặn kịp thời, hiệu quả ở các tỉnh, thành phố.

 
Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với phóng viên về tình hình dịch COVID-19

Thủ tướng đề nghị: Một tinh thần Việt Nam, một quyết tâm của các cấp, các ngành ngăn chặn dịch kịp thời. Đó cũng chính là thành tích chào mừng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII “Nhanh chóng dập dịch hiệu quả trước Tết, khoanh gọn các ổ dịch là nhiệm vụ rất quan trọng hiện nay”.

Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia và các cấp, các ngành, địa phương không được chủ quan, đẩy mạnh xét nghiệm, đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch. Cùng với đó là tiếp tục thực hiện chiến lược đã từng mang lại hiệu quả: Lấy phòng dịch làm ưu tiên, khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài; khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong; chữa trị hiệu quả.

Thủ tướng nêu rõ: Những địa phương có ca nhiễm mới trong cộng đồng cần thực hiện giãn cách xã hội đối với các khu vực có nguy cơ cao. Mức độ khoanh vùng do UBND các địa phương phối hợp với Bộ Y tế quyết định hợp lý, chặt chẽ; không làm quá rộng, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn; đảm bảo thực hiện mục tiêu kép nhưng ưu tiên đảm bảo sức khỏe người dân. Phòng dịch quyết liệt, đồng bộ, nhưng cần đảm bảo an sinh xã hội và đặc biệt lo Tết cho người dân.

Thủ tướng đồng ý cho dừng các hoạt động không cần thiết, tập trung đông người; các lễ ăn mừng; các trận bóng đá tập trung, các hoạt động đông người, đám cưới, đám tang… Các địa phương hạn chế tối đa các hoạt động liên hoan, tổng kết cuối năm; xét nghiệm ngay người có biểu hiện nghi nhiễm COVID-19.

Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế cần có chỉ đạo phối hợp cụ thể, hỗ trợ việc tăng tốc truy vết, tăng cường cách ly, kịp thời hỗ trợ các địa phương trong điều trị các trường hợp bệnh nặng. Bộ Y tế sớm trình Thủ tướng phương án mua vắc-xin để cố gắng trong quý I/2021 có vắc xin phục vụ người dân.

Thủ tướng nêu rõ, Chủ tịch UBND các địa phương toàn quyền xử lý các biện pháp, kể cả vấn đề mua thiết bị khẩn cấp cho chống dịch. Bộ Y tế cần tiếp tục thiết lập đường dây nóng cho các địa phương. Các cấp, các ngành cần chống tình trạng ép giá, găm hàng, xử lý nghiêm các vi phạm. Tăng cường ngăn chặn các đối tượng nhập cảnh trái phép và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…/.

 

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực