Phát triển đa dạng nhiều hình thức thông tin dự báo thời tiết

Thứ năm, 01/10/2020 14:58
(ĐCSVN) - Thời gian tới, ngành khí tượng thủy văn (KTTV) sẽ tiếp tục phát triển đa dạng dưới nhiều hình thức thông tin dự báo, cảnh báo hàng giờ trong ngày và cung cấp cho người dân, xã hội theo những hình thức khác nhau, phù hợp với các đối tượng khác nhau như: qua các kênh truyền thông, mạng xã hội, phần mềm trên điện thoại thông minh…
 
Ảnh minh họa: Bích Liên 

Thông tin trên được ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn  quốc gia chia sẻ với phóng viên.

Phóng viên (PV): Trước tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), mưa lũ thất thường như hiện nay, công tác dự báo thời tiết của nước ta đáp ứng được đến đâu, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Cường: Công tác dự báo phục vụ những năm gần đây đã từng bước được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội, kể cả trong phòng chống thiên tai và ứng dụng thông tin vào sản xuất hàng ngày của các cơ quan, ngành, địa phương.

Ví dụ, trong dài hạn, các cảnh báo, dự báo về khả năng thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn trước 2-3 tháng đã giúp chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại ở Nam Bộ trong năm qua và chúng tôi tiếp tục cảnh báo diễn biến xâm nhập mặn cao trong năm nay ở đồng bằng sông Cửu Long. Các dự báo, cảnh báo trước 3-5 ngày đối với bão/ATNĐ đã giúp cho công tác ứng phó trên biển tốt.

Nhiều năm nay, hầu như không có thiệt hại về người trên biển do bão/ATNĐ. Các dự báo mưa lũ lớn, không khí lạnh (KKL), nắng nóng gay gắt cũng đạt yêu cầu phòng chống. Dự báo thời tiết đến 10 ngày cho hơn 650 điểm (quận, huyện) của các đơn vị dự báo trong Tổng cục KTTV đã và đang được tham khảo rộng rãi trong cộng đồng (trên website, trên các phương tiện thông tin đại chúng),…

Minh chứng cho năng lực hiện nay của KTTV Việt Nam là đã được Tổ chức Khí tượng Thế giới tín nhiệm, giao nhiệm vụ thực hiện dự báo hỗ trợ hàng ngày cho các nước Đông Nam Á, về các thiên tai như: bão, mưa lớn, gió mạnh, lũ quét.

Tuy nhiên, đến nay một số thiên tai có quy mô nhỏ, diễn  nhanh trong phạm vị hẹp thì độ tin cậy vẫn chưa được cao như: lốc, mưa lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất. Hạn chế này không chỉ ở Việt Nam mà cũng đang là vấn đề của các nước trên thế giới, kể cả các nước có nền khoa học công nghệ phát triển. Khoa học dự báo thời tiết cực đoan còn nhiều vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới. Ngoài ra, mức độ chi tiết của các thông tin dự báo cho các điểm cụ thể và nhất là các dự báo càng xa thì độ tin cậy còn hạn chế, cần liên tục cập nhật các bản tin vì có sự thay đổi, điều chỉnh theo biến động của thời tiết.

 Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV.  (Ảnh: Báo TN&MT)

PV: Đã là “dự báo” thì không thể đòi hỏi chính xác tuyệt đối, nhưng độ chính xác càng cao thì hiệu quả dự báo càng lớn. Vậy, độ chính xác của dự báo dựa vào những yếu tố nào, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Cường: Thứ nhất, phụ thuộc tính khó dự báo của các thiên tai KTTV vì chúng luôn có sự biến đông mạnh trong khí quyển. Các hiên tượng có biến đông rất mạnh, liên tục theo không gian và thời gian thì càng khó dự báo. Đặc biệt là mưa lớn cục bộ, lũ quét diễn ra rất nhanh trong phạm vị hẹp.

Thứ hai là thông tin, số liệu quan trắc giống như chẩn bệnh của bác sỹ. Nếu không có đủ các kết quả xét nghiệm, phim chụp,… thì khó đánh giá đúng căn bệnh để đưa ra các giải pháp phù hợp. Hiện nay, mạng lưới quan trắc của chúng ta còn thưa ở vùng núi và vùng biển nên sẽ gây khó khăn cho dự báo, cảnh báo các hiện tượng xảy ra nhanh, cục bộ như: dông sét, mưa lũ lớn cục bộ và lũ quét, sạt lở đất vùng núi và cường độ bão ở trên biển.

Thứ ba, về các công cụ, mô hình tính toán, dự báo, có thể nói, KTTV là ngành khoa học cơ bản hàng đầu trong các ngành khoa học cơ bản. Dù khoa học đã phát triển vượt bậc nhưng nhân loại vẫn chưa tìm được phương pháp giải đúng của hệphương trình mô tả các chuyển động trong khí quyển. Các kết quả hiện có mới chỉ là gần đúng và nhiều khi sai số rất lớn.

Thứ tư là nguồn nhân lực trình độ cao, yếu tố con người. Dù có nhiều số liệu quan trắc, nhiều phương án, mô hình dự báo nhưng nếu thiếu các phân tích chuyên sâu, thiếu sự tổng hợp và phân tích hệ thống,… để ra quyết định, để khai thác hiệu quả các số liệu và phương án dự báo thì hiệu quả cuối cùng sẽ không cao.

Ngoài ra, tác động của BĐKH làm cho các hiện tượng cực đoan KTTV trở nên bất thường và khó dự đoán hơn, đồng thời tính dễ bị tổn thương trước thiên tai cũng gia tăng rất nhiều do quy mô nền kinh tế hiện nay được mở rộng và phát triển hơn nhiều so với trước đây.

PV: Thực tế dự báo cho thấy thời gian qua, đã có một số dự báo chưa chính xác, các địa phương còn bị động trong phòng tránh, hoặc ngược lại. Một số dự báo về bão khiến công tác chuẩn bị của các địa phương như: huy động nhân lực, vật lực, phương án sơ tán… trở nên lãng phí. Những bất cập được nêu trong công tác dự báo thời gian qua đã được khắc phục thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Cường: Bản chất thiên tai là khó đoán như chúng ta đã phân tích ở trên. Ở đây tôi muốn chia sẻ thêm để các nhà báo, truyền thông thông tin đầy đủ cho người dân nắm được, tránh ứng phó bị động và sai lệch.

Khi bão còn trên biển, chúng ta không có trạm quan trắc bề mặt, chỉ dựa vào duy nhất số liệu vệ tinh và dự báo của mô hình. Chỉ khi bão cách bờ 200-300 km, khoảng 1-2 ngày trước khi đổ bộ thì chúng ta mới có số liệu quan trắc về bão và cho phép đưa ra dự báo tin cậy hơn. Quy mô của bão thường rất rộng và trong vùng hoàn lưu bão thì bất kỳ khu vực nào cũng có thể xảy ra gió mạnh, hoặc gió giật mạnh hoặc mưa lớn hoặc cả ba thiên tai này.

Ứng phó với thiên tai thực chất là bài toán quản lý rủi ro. Chúng ta cần đưa ra tất cả các khả năng có thể xảy ra, dù là ít % nhưng nếu xảy ra thì cũng có sẵn phương án ứng phó. Đây chính là phương châm “Chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất”.

Trong hai năm vừa qua, thời hạn dự báo bão/ATNĐ đã được nâng lên thêm 1-2 ngày. Trong bản tin dự báo bão đã đưa vào các chi tiết về vùng gió mạnh, thời gian có gió mạnh và tổng lượng mưa cho các tỉnh có thể bị ảnh hưởng trực tiếp của bão. Các đối tượng bị tác động cũng được liệt kê như tàu cá trong vùng nguy hiểm (gió mạnh trên cấp 6), lồng bè vùng ven bờ, nhà cấp 4, tháp truyền hình, thông tin, cây xanh, cột điện vùng gần tâm bão và vùng có khả năng có gió giật mạnh, vùng có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp huyện,… Các thông tin này liên tục được cập nhật với tần suất 3h/lần và khi bão vào gần bờ thì tăng lên thành 1h/lần.

PV: Để phục vụ hiệu quả cho đời sống dân sinh, sự phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới, công tác dự báo thời tiết cần “nâng chất” ra sao?

Ông Hoàng Đức Cường: Chúng tôi xác định Ngành KTTV cần thực hiện vấn đề cốt lõi là tăng cường công tác dự báo theo hướng hiện đại, tiếp cận định hướng của Tổ chức Khí tượng thế giới, thực hiện dự báo tác động của các hiện tượng và thiên tai KTTV đến các ngành nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội.

Định hướng chung trong dự báo KTTV là sớm hơn, chi tiết hơn và tin cậy hơn. Như vậy các thiên tai sẽ được cảnh báo sớm hơn, mức chi tiết trước mắt cần đạt đến cấp quận/huyện, sau đó cần chi tiết đến cấp xã trên phạm vi toàn quốc và đảm bảo độ tin cậy đối với tất cả các dự báo, đặc biệt là đối với các loại thiên tai có thể thiệt hại về người.

Để đạt được điều này, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về tăng mật độ trạm, tăng cường trang thiết bị tính toán, siêu máy tính, ứng dụng công nghệ tiên tiến thông qua nghiên cứu trong nước và hợp tác quốc tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực của ngành đủ năng lực, kinh nghiệm vận hành trang thiết bị, công nghệ mới. Đồng thời cần đổi mới hình thức bản tin phù hợp với các phương thức, công nghệ truyền tin hiện nay: bản đồ, đồ thị, số liệu, video,… phù hợp với hình thức tiếp cận thông tin dự báo thời tiết của cộng đồng.

PV: Ngành khí tượng thủy văn sẽ chuyển đổi số ra sao, ứng dụng khoa học, dữ liệu… thời kỳ 4.0 như thế nào để công tác dự báo thời tiết đạt hiệu quả cao nhất, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của đất nước?

Ông Hoàng Đức Cường: Trong thời gian trước đây, cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành KTTV còn khá lạc hậu, chủ yếu là dữ liệu thô. Với phương thức thủ công, số liệu lưu trữ trên giấy, cơ sở dữ liệu KTTV không thể đáp ứng kịp đòi hỏi của xã hội cũng như công tác dự báo, cảnh báo. Trong thời gian qua, có một số CSDL đã được quan tâm xây dựng nhưng mới chỉ là các CSDL nhỏ lẻ, chưa được thiết kế một cách hệ thống; số liệu trên giấy được số hóa rất ít, không đáp ứng được yêu cầu.

Hiện nay, công nghệ 4.0 là một xu hướng tất yếu đã và đang được triển khai mạnh mẽ trong lĩnh vực KTTV từ lĩnh vực quan trắc tự động và truyền số liệu thời gian thực, quản lý cơ sở dữ liệu tới các hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thì nhu cầu về tư liệu ngày càng đa dạng, đa dạng về hình thức, đa dạng về nội dung và yêu cầu được đáp ứng nhanh chóng kịp thời.

Tổng cục KTTV đang dần hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung. Đây là một hệ thống cơ sở dữ liệu rất lớn, hiện đại, số hóa toàn bộ quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn, số liệu mô hình số tính toán từ siêu máy tính, số liệu hồ chứa, dữ liệu rủi ro và thiệt hại, dữ liệu bản đồ, quy hoạch sông suối, hạ tầng… của các địa phương. Mục tiêu tạo thành thành hệ thống CSDL lớn (Big Data) và CSDL tập trung để không chỉ phục vụ cho mục tiêu dự báo, cảnh báo thiên tai mà còn phục vụ chung, kết nối với CSDL ngành tài nguyên môi trường và CSDL quốc gia.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển đa dạng dưới nhiều hình thức thông tin dự báo, cảnh báo hàng giờ trong ngày và cung cấp cho người dân, xã hội theo các hình thức khác nhau, phù hợp với các đối tượng khác nhau như: qua các kênh truyền thông báo nói, báo viết, báo hình, báo mạng, phần mềm trên điện thoại thông minh…

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực