Tham vấn đại biểu Quốc hội về một số nội dung Luật Bảo vệ môi trường

Thứ năm, 11/06/2020 11:24
(ĐCSVN) - Chiều 10/6, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức Hội thảo tham vấn đại biểu Quốc hội về một số nội dung quan trọng trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: KT) 

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, Bộ TN&MT mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp xác đáng, sáng tạo, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của các vị Đại biểu Quốc hội đối với công tác bảo vệ môi trường của đất nước cho bản dự thảo này để làm cơ sở tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật đáp ứng đầy đủ nguyện vọng và ý chí của cử tri.

Báo cáo sơ bộ những điểm mới của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết đó là giải quyết được tính thống nhất trong quản lý nhà nước, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật với hệ thống pháp luật.

Năm 1993, chúng ta có Luật BVMT đầu tiên, đến nay qua 2 lần sửa đổi nhưng nhiều nội dung về BVMT vẫn đang được quy định phân tán tại các luật khác nhau, chưa hướng đến mục tiêu tổng thể; đặc biệt, một số chức năng quản lý nhà nước về BVMT hiện đang giao cho các bộ, ngành theo các luật chuyên ngành, chưa bảo đảm vai trò tham mưu, giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về BVMT của Bộ TN&MT.

Khắc phục bất cập nêu trên, tại dự thảo Luật lần này, Bộ TN&MT đã đưa các quy định rải rác, phân tán về BVMT trong các luật khác vào dự thảo Luật nhằm đặt nền móng hướng đến một bộ luật thống nhất về môi trường; đồng thời phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT của các Bộ, ngành, địa phương.

Nhấn mạnh một trong số nội dung quan trọng được Đại biểu Quốc hội quan tâm là việc sửa đổi hiệu lực xử phạt hành chính, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, thực tế hiện nay việc xử phạt hành chính rất ít. Trong khi, thậm chí phải mất 10 năm, 20 năm mới xác định được ô nhiễm môi trường, nên việc nâng thời hiệu có hiệu lực xử phạt với hành vi gây ô nhiễm môi trường là cần thiết.

“Muốn làm thì phải thay đổi, thay đổi để đáp ứng kỳ vọng của đại biểu và cử tri”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Đồng tình với việc nâng thời hiệu có hiệu lực xử phạt hành chính như trong dự thảo Luật, đại biểu Phạm Văn Hoà cho biết, hiện nay, chúng ta quy định xử phạt vi phạm hành chính hiệu lực chỉ 1,2 năm. Thế nhưng, đối với môi trường chỉ 1,2 năm không thể làm được.

“Hiệu lực như trong dự thảo Luật 5 năm vẫn là thấp vì có nhiều vấn đề môi trường có ảnh hưởng sâu rộng, phải lâu dài mới hiển hiện ra”, đại biểu Phạm Văn Hoà nêu quan điểm.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban KH, CN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, địa vị, vị thế Việt Nam trên thế giới hiện nay đã ở mức cao, khác rất xa so với lúc ban hành Luật Bảo vệ môi trường 2015, nên công tác bảo vệ môi trường đòi hỏi phải ở mức cao hơn nhiều.

Đánh giá cao sự đổi mới mạnh mẽ của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với 13 chính sách lớn, rất ít dự án Luật mới nào có nhiều chính sách mới mang tính đột phá như vậy. Tuy nhiên, đổi mới càng nhiều thì trở ngại càng lớn, dẫn tới việc xây dựng Luật càng khó và rất khó để thể hiện được khát vọng của Chính phủ vì một Việt Nam sánh vai với cường quốc năm châu.

Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, chúng ta có quyền tin tưởng sẽ có một dự án Luật tốt phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường và để có một cuộc sống tốt của người dân Việt Nam. Điều đó thể hiện rõ qua sự quyết tâm và dũng cảm đổi mới của Chính phủ và cơ quan soạn thảo, từ sửa một số điều đến sửa đổi tổng thể, từ 7 chính sách mới thành 13 chính sách mới với nhiều quy định quan trọng./.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực