Những giá trị văn hóa kết tinh trong điệu múa xòe luôn được đồng bào Thái ở Yên Bái cố gắng bảo tồn, lưu giữ.
Xác định rõ vị trí, ý nghĩa quan trọng của công tác bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, trong những năm qua, việc sưu tầm, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc đã được tỉnh Yên Bái quan tâm, chỉ đạo và từng bước tổ chức thực hiện, đạt được nhiều kết quả như: đầu tư nghiên cứu, triển khai các dự án sưu tầm các giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc; tổng kiểm kê di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh; phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển tiềm năng du lịch.
Theo đó, cấp ủy, chính quyền, ban ngành chức năng các cấp, trực tiếp và ngành Văn hóa đã tập trung nghiên cứu, khôi phục một số lễ hội và ngành nghề thủ công truyền thống. Đáng chú ý là công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ như: dân tộc Khơ Mú (xã Nghĩa Sơn, thị xã Nghĩa Lộ); dân tộc Xa Phó (xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên); hát Sình ca dân tộc Cao Lan (xã Tân Hương, huyện Yên Bình); diễn xướng Khảm hải, dân tộc Tày (xã Xuân Lai, huyện Yên Bình)….; phục dựng, bảo tồn các lễ hội dân gian truyền thống, các phong tục tập quán như: đám cưới người Dao quần trắng (xã Yên Thành, huyện Yên Bình); lễ cưới truyền thống dân tộc Mông (xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn); lễ Mừng cơm mới dân tộc Xa phó (xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên); lễ Đám chay dân tộc Cao Lan (huyện Yên Bình); Tết nhảy dân tộc Dao đỏ (xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên); lễ hội Xé then dân tộc Thái (thị xã Nghĩa Lộ), tết Xíp xí dân tộc Thái đen (huyện Văn Chấn); Múa Mỡi dân tộc Mường (xã Sơn A, huyện Văn Chấn); lễ Cầu mưa dân tộc Dao (xã Đông An); lễ hội đền Đông Cuông, dân tộc Tày, xã Đông Cuông; lễ Cấp sắc dân tộc Dao (xã Đại Sơn của huyện Văn Yên); lễ hội Hạn khuống, dân tộc Thái (xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ)…
Đồng thời, việc bảo tồn các làng cổ dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cũng đã và đang được triển khai như: làng cổ Pang Cáng dân tộc Mông, xã Suối Giàng; làng cổ Viềng Công dân tộc Thái, xã Hạnh Sơn của huyện Văn Chấn… Đó là các làng còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa về kiến trúc, khuôn viên làng nghề thủ công, nhà cửa và văn hóa phi vật thể như: chữ viết, ngôn ngữ, phong tục tập quán, lễ hội… Nhiều nghề truyền thống của dân tộc phục vụ khách tham quan du lịch cũng được bảo tồn, gìn giữ như: nghề làm giấy dó, nấu rượu đao của dân tộc Dao, rượu ngô La Pán Tẩn dân tộc Mông; nghề đan lát, nghề rèn, chạm khắc bạc, xe lanh, dệt vải, dệt thổ cẩm của dân tộc Mông, dân tộc Thái, dân tộc Mường, nhằm thu hút khách đến các làng bản dân tộc thiểu số để có cơ hội tìm hiểu giá trị văn hóa bản địa, tập tục sinh hoạt, sản xuất, lao động, tham gia vào hoạt động lễ hội, văn hóa dân gian, cùng người dân sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống, tìm hiểu kiến trúc nghệ thuật và thưởng thức các đặc sản ẩm thực truyền thống. Anh Ngô Văn Thanh, khách du lịch đến từ Quảng Ninh cho biết: “Tôi đã đi nhiều nơi nhưng thấy ít ở đâu lại bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người như Yên Bái. Chính điều này đã góp phần làm nên sức hấp dẫn ở các sản phẩm du lịch của Yên Bái”.
Người dân địa phương và du khách tham gia Lễ hội đình và đền Quy Mông, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên (Yên Bái).
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 1.200 di sản văn hóa, trong đó, có 720 di sản vật thể của 12 dân tộc trên tất cả các huyện, thị, thành phố và 3 di sản văn hóa phi vật thể được xếp vào mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Nghi lễ cấp sắc của người Dao ở xã Đại Sơn, huyện Văn Yên; nghệ thuật xòe Thái ở Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ… Cùng với đó, toàn tỉnh hiện có 104 di tích đã được xếp hạng (13 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 91 di tích cấp tỉnh với 4 loại hình cơ bản là di tích lịch sử, di tích kiến trúc - nghệ thuật, di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh). Đây là những “tài sản vô giá” chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thông độc đáo.
Công tác bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống đã và đang góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội Yên Bái phát triển; nhất là ngành du lịch. Những năm gần đây du lịch Yên Bái đã có nhiều khởi sắc. Năm 2018, khách du lịch đến với Yên Bái đạt 560.000 lượt người (tăng 10% so với năm 2017). Du khách đều có nhiều ấn tượng về vùng đất giàu bản sắc màu văn hóa, đến những di tích, danh lam thắng cảnh và trải nghiệm nét độc đáo của trang phục, ẩm thực, lễ hội, phong tục, tập quán… đã trở thành yếu tố cốt lõi trong các chương trình du lịch tại Yên Bái.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Yên Bái sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để người dân và cộng đồng giữ vững giá trị bản sắc văn hóa; tăng cường hơn nữa việc xúc tiến quảng bá các hoạt động lễ hội truyền thống; tập trung bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên tại các điểm du lịch; chú trọng công tác tuyên truyền về di tích như sách cẩm nang về di tích; tiếp tục huy động nguồn lực từ xã hội trong công tác trùng tu, tu bổ, tôn tạo các di tích… để phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống; từng bước đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng của địa phương./.