Cẩu tháp tại các công trình xây dựng đã an toàn?

Thứ bảy, 19/08/2017 09:14
(ĐCSVN) - Cùng với tốc độ đô thị hoá và sự gia tăng của các công trình xây dựng quy mô lớn, những năm qua, trên các tuyến phố của Hà Nội đang xuất hiện ngày càng nhiều các cẩu tháp xây dựng. Tuy nhiên, theo người dân, hoạt động của các cẩu tháp xây dựng này tiềm ẩn không ít nguy cơ mất an toàn đối với người và phương tiện tham gia giao thông phía dưới...

 


 Cẩu tháp đang hoạt động tại Dự án chung cư FLC Star Tower số 418 Quang Trung, Quận Hà Đông (Hà Nội). 
 Video: TL.
 

Đã có không ít “bài học”

Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều lần “cảnh báo” về nguy cơ mất an toàn tại các cẩu tháp xây dựng trên địa bàn Hà Nội. Và thực tế, đã xảy ra không ít vụ tai nạn liên quan đến cẩu tháp xây dựng mà khi nhắc lại vẫn là nỗi ám ảnh của những người chứng kiến.

Theo thống kê riêng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn lao động tại các công trình xây dựng cao tầng, trong đó có khá nhiều vụ liên quan đến hoạt động của cẩu tháp xây dựng.

Điển hình như vụ gãy cẩu tháp xây dựng ở công trình tổ hợp dịch vụ thương mại, văn hóa, thể thao nhà ở và văn phòng cho thuê (Madarin Garden 2) tại số 493 phố Trương Định, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Theo đó, giữa đêm ngày 2/3/2016, chiếc cẩu tháp xây dựng tải trọng lớn ở độ cao khoảng 50m tại công trình này đã bất ngờ bị gãy. Rất may vào thời điềm diễn ra sự việc, khu vực này không có người qua lại nên đã không xảy ra thương vong. Khi nghe tiếng động lớn, nhiều người dân xung quanh đã hoảng loạn, tháo chạy khỏi nhà. Sau khi gãy cẩu tháp, chủ công trình đã cho di chuyển phần cẩu bị gãy vào phía trong công trường.


Hiện trường vụ gãy cẩu tháp xây dựng tại dự án Madarin Garden 2 ở số 493 phố Trương Định,
phường Tân Mai, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Ảnh TL


Tiếp đó, vào khoảng 19h30 tối ngày 18/10/2016, cẩu tháp đang thi công tại một dự án tổ hợp dịch vụ thương mại, căn hộ và bãi đậu xe ở quận Tây Hồ, Hà Nội cũng bất ngờ đổ ngang qua đường, đè lên hai nóc nhà đối diện. Được biết, nhà thầu xây dựng chính dự án này là Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình.

Đây chỉ là hai trong số khá nhiều vụ việc mất an toàn diễn ra tại các công trình xây dựng cao tầng ở Hà Nội liên quan đến cẩu tháp xây dựng. Sau mỗi vụ việc xảy ra, các cơ quan chức năng đều vào cuộc để tìm nguyên nhân gây ra mất an toàn.

Theo chia sẻ của ông Ứng Văn Thành - Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội), các sự cố xảy ra phần lớn do ý thức của người lao động như: Việc kiểm tra cáp, kiểm tra móc cáp chưa đúng với các biện pháp thi công, sử dụng cáp sai với tải trọng cho phép, dẫn tới hiện tượng đứt cáp, tuột cáp làm cho vật liệu rơi xuống gây sự cố...

Cần chú trọng vấn đề an toàn trong hoạt động của cẩu tháp xây dựng

Hiện nay không quá khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc cẩu tháp xây dựng khổng lồ, nặng đến hàng chục tấn, cao và dài đến cả chục mét hoạt động tại các công trình xây dựng ở Hà Nội. Tại một số công trình, do sức ép tiến độ nên các cẩu tháp xây dựng vẫn hoạt động hết công suất bất chấp phía ngoài đường là dòng người, phương tiên đang tấp nập lưu thông. Nhiều khi, vùng hoạt động của cần trục tháp vượt ra khỏi phạm vi công trường, những khối bê tông nặng cả chục tấn phía đuôi cần cẩu treo lơ lửng ngay trên đầu người tham gia giao thông.

Chứng kiến cảnh cẩu tháp đang hoạt động ngay trên đầu người đi đường, anh Trần Văn Thành ở phường Phúc La, quận Hà Đông) bức xúc: “Cẩu tháp xây dựng nặng cả chục tấn, dài cả trăm mét mà cứ quay đi quay lại trên đầu mọi người vào đúng giờ tan tầm như thế này thì thực sự là rất nguy hiểm. Không may mà gãy đổ hoặc rơi xuống thì người đi đường sao tránh khỏi thương vong? Mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp giải quyết để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân”.

Cẩu tháp xây dựng tại dự án Khu ĐTM VC2 Golden Silk (Kim Văn – Kim Lũ) ngang nhiên cẩu vật liệu (vòng tròn mầu đỏ) trong khi phía dưới có rất nhiều người tham gia giao thông. Ảnh TL

 Tìm hiểu được biết, theo quy định của thành phố Hà Nội hiện nay, đối với các trường hợp vùng hoạt động của cần trục tháp vượt ra khỏi phạm vi công trường, có nguy cơ ảnh hưởng tới giao thông đi lại của nhân dân và công trình lân cận, chỉ cho phép cần trục tháp đó hoạt động trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau và phải có đảm bảo đủ hệ thống cảnh báo, cảnh giới, người hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông theo quy định. Nhưng trên thực tế, quy định này dường như đang bị “bỏ qua” tại nhiều công trình công trình xây dựng ở Hà Nội nên đã đưa đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn về sự cố mất an toàn liên quan đến cẩu tháp xây dựng.

Đặc biệt, hiện nay khi mùa mưa bão đang đến gần thì công tác bảo đảm an toàn trong quá trình hoạt động của các cẩu tháp xây dựng lại càng cần được quan tâm hơn lúc nào hết. Bởi ngay cả khi kết thúc quá trình thi công, nếu không đặt vị trí cần trục đúng quy định, không neo giữ, cố định, quay tay cần đúng vị trí, sự liên kết giữa cần trục và các kết cấu cứng bị lỏng, theo thời gian hoặc gặp các điều kiện khách quan như gió lớn dù không hoạt động cần cẩu, cẩu tháp xây dựng vẫn có thể xảy ra sự cố gãy đổ.

Theo các chuyên gia, đối với việc thi công xây dựng nói chung và thi công có sử dụng cẩu tháp xây dựng tại các công trình trong khu dân cư, ven các trục đường lớn nói riêng thì công tác an toàn lao động phải được đặt lên hàng đầu. Nhà thầu xây dựng, chủ đầu tư và các cơ quan chức năng quản lý cần phải có trách nhiệm trong việc giám sát đảm bảo an toàn trong việc vận hành cẩu tháp. Cần trục phải neo, giữ đúng cách và phải được kiểm tra hàng ngày, trước và sau khi hoạt động.

Cả chục tấn bê tông của một cẩu tháp xây dựng treo trên các phương tiện giao thông tại đường Vạn Phúc,
quận Hà Đông (Hà Nội). Ảnh TL.

Được biết trước các nguy cơ xảy ra mất an toàn liên quan đến các cấu tháp xây dựng, thành phố Hà Nội đã nhiều lần thành lập đoàn kiểm tra, phát hiện, đình chỉ thi công một số cẩu tháp, hoạt động thi công xây nhà cao tầng không đủ tiêu chuẩn quy định. Nhưng do việc kiểm tra này không được thực hiện liên tục, thường xuyên nên vẫn còn nhiều cấu tháp xây dựng vi phạm quy định.

Để giảm đến mức thấp nhất các sự cố gây mất an toàn do cẩu tháp xây dựng, bảo đảm an toàn cho người dân, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra và xử lý nghiêm các dự án, công trình có sai phạm liên quan đến hoạt động của cấu tháp xây dựng. Đồng thời, các chủ đầu tư, nhà thầu thi công cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc vận hành thiết bị cấu tháp xây dựng theo đúng quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn, nhất là những chiếc cấu tháp xây dựng hoạt động tại khu vực đô thị, nơi đông dân cư, sát đường phố.

Rõ ràng, nếu không được quan tâm, kiểm tra nghiêm túc, thường xuyên thì nguy cơ mất an toàn từ cẩu tháp xây dựng trên địa bàn Thủ đô là rất lớn, nhất là với những diễn biến phức tạp của thời tiết trong mùa mưa bão hiện nay.

Để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, thiết nghĩ, đã đến lúc Hà Nội cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trong hoạt động của các cẩu tháp xây dựng./.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực