Sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước

Kỳ 2: Nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản
Thứ năm, 07/06/2018 11:02
(ĐCSVN) - Việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (TSNN) tại doanh nghiệp giai đoạn 2011-2016, khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp (DN), doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn còn sai phạm trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản, tập trung ở một số khâu như: Thủ tục đầu tư không đúng quy định; sai thẩm quyền; sai đối tượng cho phép; hạch toán không đúng nguồn...

Sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước

Việc cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam bộc lộ nhiều góc khuất trong quá trình cổ phần hóa
doanh nghiệp Nhà nước (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: chinhphu.vn).

Sử dụng không đúng mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai

Theo Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về sử dụng, quản lý vốn nhà nước (QLVNN), TSNN tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016 của Đoàn Giám sát của Quốc hội về quản lý, sử dụng đất của DNNN nói chung và DNNN thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn 2011-2016, để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý, sử dụng đất, cổ phần hóa DNNN, Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản hướng dẫn Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công. Nhìn chung, chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đã luôn được bổ sung, hoàn thiện và đã tạo điều kiện thuận lợi cho DNNN tiếp cận và sử dụng đất một cách chủ động, linh hoạt theo yêu cầu phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy được tiềm năng đất đai vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việc xác định giá trị quyền sử dụng đất để đưa vào giá trị doanh nghiệp trong phương án cổ phần hóa được thực hiện trên cơ sở diện tích đất doanh nghiệp tiếp tục được giao sử dụng trong phương án cổ phần hóa và giá đất cụ thể theo quy định của pháp luật về đất đai. Việc xử lý giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa được thực hiện theo quy định của Chính phủ về cổ phần hóa DNNN nhưng phải đảm bảo nguyên tắc giá đất để xác định giá trị quyền sử dụng đất là giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định. Nhìn chung, pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan đã quy định việc quản lý, sử dụng đất trong và khi cổ phần hóa DNNN đảm bảo phù hợp nhu cầu sử dụng đất của doanh nghiệp, quy định về quản lý, sử dụng đất và theo nguyên tắc thị trường. Chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đối với các DNNN, doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện kịp thời, góp phần phát huy nguồn lực từ đất, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa DNNN cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng đất đối với doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Tuy nhiên, do lịch sử để lại nên các DNNN được giao quản lý và sử dụng số lượng diện tích đất rất lớn. Kết quả kiểm toán nhà nước giai đoạn 2011-2016 cho thấy, có nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước và DNNN quản lý đất chưa chặt chẽ; nhiều diện tích đất được sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp, chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đai với ngân sách nhà nước (NSNN). Mặc dù pháp luật về đất đai đã có các quy định rà soát, lập phương án sử dụng đất trước khi thực hiện cổ phần hóa. Tuy nhiên, khi tiến hành cổ phần hóa, việc xây dựng và phê duyệt phương án sử dụng đất của toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt còn chậm, nhất là đối với các doanh nghiệp sử dụng đất tại nhiều địa phương đã ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa; vẫn có một số doanh nghiệp sử dụng nhiều diện tích đất chưa hoàn thành được việc thống nhất phương án sử dụng đất trước khi cổ phần hóa.

Một số địa phương chưa kiên quyết trong việc thu hồi đất của một số doanh nghiệp sử dụng không đúng mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai. Một số doanh nghiệp cổ phần hóa sử dụng đất không đúng mục đích, chậm đưa đất vào sử dụng, cụ thể như: tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn một số trường hợp nhà, đất giao cho doanh nghiệp khi thực hiện sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước nhưng chưa phù hợp quy hoạch, nên đã chấp thuận cho chủ đầu tư tiếp tục sử dụng trong khi năng lực tài chính yếu kém, dẫn đến việc thống nhất phương án sử dụng đất kéo dài, tiến độ sử dụng đất chậm.

Tại thành phố Hải Phòng vẫn còn một số doanh nghiệp cổ phần hóa sử dụng đất không đúng theo mục đích sử dụng đất được xác định trong phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa; có doanh nghiệp tự ý phân đất cho cán bộ, công nhân viên để ở, cho thuê lại hoặc bỏ hoang không sử dụng như: Công ty cổ phần Xây dựng Ngô Quyền, Công ty cổ phần Thương mại Minh Khai, Công ty cổ phần phát hành sách Hải Phòng... Một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa chậm hoàn thiện hồ sơ về đất đai, cụ thể như: Tại thành phố Hải Phòng có tổng diện tích các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đang quản lý, sử dụng là 799 ha, tuy nhiên đến nay mới cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được 40% diện tích; tại tỉnh Thanh Hóa từ năm 2001 đến nay vẫn còn 21/77 doanh nghiệp chưa lập hồ sơ sử dụng đất. 

Quản lý đất đai yếu kém, định giá sai

Riêng về giá trị quyền sử dụng đất trong cổ phần hóa DNNN, chính sách cổ phần hóa trước đây và tại Điều 30 của Nghị định 126 hiện nay đều quy định các DNNN khi cổ phần hóa phải hoàn thành phương án sử dụng đất đai và sắp xếp về nhà đất trước thời điểm quyết định cổ phần hóa. Phương án sử dụng đất phải phù hợp kế hoạch sử dụng đất của địa phương, phù hợp ngành nghề sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phải được sử dụng đúng mục đích, sử dụng đất do địa phương phê duyệt.

Tại Công ty TNHH MTV Công trình giao thông công chánh (thuộc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn), việc định giá đất khu đất dự án bất động sản tại địa chỉ 360 Xa lộ Hà Nội, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh để thực hiện cổ phần hóa chưa phù hợp. Cụ thể, thời gian từ thời điểm định giá đến khi quyết toán dự án, bán hết sản phẩm theo giả định là 15 tháng (từ tháng 10/2014 đến tháng 12/2015), nhưng khi quy đổi dòng tiền về hiện giá (giá trị tại thời điểm thẩm định giá 30/9/2014), đơn vị thẩm định giá đã tính tỷ suất chiết khấu theo năm và số kỳ đầu tư theo thời gian tròn 2 năm (24 tháng), không quy đổi tỷ suất chiết khấu và số kỳ đầu tư theo đơn vị tính tương ứng là tháng (hoặc quý), không phù hợp hướng dẫn tại Quyết định số 129/2008/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, làm giảm giá trị tài sản được định giá, ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước. Sau khi chuyển sang Công ty cổ phần (tháng 11-2015), khu đất chưa được đầu tư tiếp, đơn vị đã chuyển nhượng dự án vào ngày 29/2/2016, phát sinh khoản chênh lệch 40.000 triệu đồng so giá trị được định giá khi cổ phần hóa.

Hay việc xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa đối với Vinaconex còn chưa chính xác đối với khu đất và tài sản trên đất tại 47 Điện Biên Phủ, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh; UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 5438/QĐ-UBND cho phép chuyển sang thuê đất trả tiền một lần nhưng chưa xác định lại khoản chênh lệch giá trị tiền thuê đất với giá trị quyền sử dụng khu đất đã tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa …

Tại các phiên thảo luận về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, TSNN tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016” của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, vấn đề quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai tại DNNN luôn được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum) cho rằng, cử tri và dư luận vẫn rất lo ngại sự trục lợi, lợi ích nhóm, những quan hệ không rành mạch trong định giá, hay việc thông thầu khi đấu giá trong quá trình thực hiện cổ phần hóa dẫn đến thất thoát, thiệt hại TSNN.

Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, trong quá trình cổ phần hóa DNNN, việc xây dựng, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp là rất quan trọng. Quan trọng hơn là sau cổ phần hóa, chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp có đất đai phải quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là mục đích sử dụng đất, quy hoạch xây dựng khi doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất sang đất ở, đất thương mại thì phải thu hồi, đấu giá công khai để thu về cho Nhà nước với giá trị cao nhất và trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương nơi trực tiếp quản lý đất đai. Tuy nhiên, vừa qua chúng ta chưa làm được điều này, không làm rõ trách nhiệm, thiếu minh bạch, gây thất thoát.

Thực tế, mặc dù cơ chế tháo gỡ đã ban hành đầy đủ nhưng tiến độ cổ phần hóa thoái vốn giai đoạn 2011-2016 và ngay cả những tháng đầu năm 2018 vẫn còn chậm, chủ yếu ở khâu tổ chức thực hiện, đặc biệt là quá trình sắp xếp, xử lý đất đai khi cổ phần hóa còn rất chậm. Do đó, đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để có sự vào cuộc đồng bộ gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu. Thực tế, các văn bản pháp luật từ trước đến nay không quy định Bộ Tài chính đánh giá giá trị tài sản mà chủ sở hữu là bộ, ngành, UBND các tỉnh và doanh nghiệp đề xuất thuê tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp. 

(Còn nữa)

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực