|
Ảnh minh họa: KS |
Tai nạn giao thông giảm sâu nhất trong nhiều năm qua
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm tình hình TTATGT trên toàn quốc đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo thống kê, tai nạn giao thông (TNGT) trong 06 tháng đầu năm 2020 đã giảm sâu nhất trong nhiều năm qua cả về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ (đặc biệt số người chết do TNGT giảm 14,91%, mức giảm sâu nhất trong 10 năm trở lại đây).
Cụ thể, toàn quốc xảy ra 6.790 vụ TNGT, làm chết 3.242 người, bị thương 4.939 người. So với 6 tháng đầu năm 2019, số vụ TNGT giảm 1.595 vụ (giảm 19,02%), số người chết giảm 568 người (giảm 14,91%), số người bị thương giảm 1.419 người (giảm 22,32%).
Có 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2019 và 14 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2019.
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, TNGT tuy có giảm nhưng thiệt hại do TNGT gây ra vẫn còn cao, TNGT do xe đầu kéo và xe chở container gây ra, TNGT liên quan đến phương tiện dân sinh, phương tiện đánh bắt thuỷ, hải sản trên các tuyến đường thuỷ nội địa và hàng hải tăng cao đột biến.
Bên cạnh đó, tình trạng thanh thiếu niên tụ tập chạy xe mô tô tốc độ cao lạng lách, đánh võng và có dấu hiệu đua xe và chống người thi hành công vụ liên tiếp xảy ra. Tình trạng vi phạm pháp luật về TTATGT, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và các đô thị còn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi.
Mặc dù đã có chuyển biến, nhưng số vụ vi phạm quy định về nồng độ cồn vẫn ở mức cao với 86.114 trường hợp vi phạm bị phát hiện (chiếm 4,4% tổng số vi phạm), xử phạt, trong đó nhiều trường hợp bị xử phạt ở mức cao nhất; vẫn xảy ra một số vụ TNGT do nguyên nhân uống rượu bia gây ra.
Tình hình vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ tái diễn tại nhiều địa phương, nhất là nơi có mỏ vật liệu, khoáng sản, công trình xây dựng, nhà máy xi măng, cảng và tái diễn xe quá tải đường dài; tái diễn tình trạng cơi nới thành thùng xe để chở hàng quá tải…
Vấn đề xử lý, khắc phục tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vi phạm quy định về bảo vệ hành lang ATGT dọc theo các tuyến Quốc lộ chưa có chuyển biến đáng kể. Ùn tắc giao thông có xu hướng tăng so với cùng kỳ.
Về nguyên nhân dẫn, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, hiệu lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về TTATGT chưa cao. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp còn yếu kém, có nhiều người còn cho rằng các lực lượng chức năng phải tập trung chống dịch COVID-19 nên sẽ giảm thậm chí không tuần tra, xử phạt, dẫn đến tâm lý chủ quan, khinh nhờn quy định pháp luật.
Ngoài ra, tình trạng buông lỏng trong công tác quy hoạch, quản lý xây dựng và trật tự xây dựng dọc theo các tuyến quốc lộ kéo dài nhiều năm.
Xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông
Về nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã đề ra 10 giải pháp nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, phấn đấu mục tiêu kéo giảm 10% số vụ TNGT, số người chết, bị thương do TNGT so với năm 2019; góp phần tạo dựng điều kiện trật tự, an toàn phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng của mỗi địa phương và cả nước.
Cụ thể như, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ tiếp tục đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Năm ATGT 2020 với chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe”. Chủ động tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT trong các dịp cao điểm về TTATGT và các vấn đề nóng, nổi cộm, phòng ngừa tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, tai nạn xe mô tô, xe máy, trong điều kiện thực hiện mục tiêu kép là phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế. Đôn đốc, kiểm tra công tác bảo đảm TTATGT tại các địa phương có tình hình TTATGT phức tạp, tai nạn giao thông tăng cao…
Bộ Giao thông vận tải tiếp tục hiện Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án chính sách về bảo đảm TTATGT, trong đó tập trung xây dựng Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) để Chính phủ trình Quốc hội khoá 14 cho ý kiến vào ký họp thứ 10, thông qua trong kỳ họp thứ 11. Đẩy nhanh tiến độ, quản lý nghiêm chất lượng, bảo an toàn giao thông các công trình dự án trọng điểm của ngành Giao thông vận tải, đặc biệt đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn đối với dự án nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài thực hiện trong điều kiện hoạt động khai thác vẫn diễn ra bình thường; khẩn trương đưa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông vào khai thác. Tiếp tục triển khai xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.…
Đối với Bộ Công an, tăng cường công tác nắm tình hình, xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, tập trung vào các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy; lái xe chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đi sai phần dường, làn đường; cương quyết trấn áp, trừng trị những đối tượng manh động, chống người thi hành công vụ; người đi mô tô, xe máy vi phạm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm…
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện chỉ thị số 03 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Chỉ thị số 32 về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương về: tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm quy định pháp luật về TTATGT; chống xe dù, bến cóc; đào tạo sát hạch, cấp giấp phép lái xe; đăng kiểm phương tiện cơ giới; bảo đảm ATGT trong kinh doanh vận tải; xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông…/.