Tuyến đường từ Quốc lộ 3 đoạn Đèo Giàng vào xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn) có chiều dài gần 13 km nhưng chúng tôi phải mất gần 2 giờ mới đến được trụ sở xã Vũ Muộn. Đây là tuyến đường chính đi qua các xã Sỹ Bình, Vũ Muộn, Cao Sơn thuộc huyện Bạch Thông và một số thôn của xã Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn, nối sang cả xã Kim Hỷ, huyện Na Rỳ.
Tuy là tuyến đường quan trọng nhưng hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng, các đoạn đổ nhựa do mưa và xe tải qua lại nhiều nên mặt đường bị bong tróc chỉ còn trơ lại đá, các “ổ gà, ổ voi” xuất hiện nhiều gây khó khăn cho người dân khi tham gia giao thông trên tuyến đường này.
Ông Bàn Văn Bảo, Chủ tịch UBND xã Vũ Muộn cho biết: Đoạn đường ngay trước cổng ủy ban xã bị xe tải cày nát, tạo thành những rãnh sâu hàng chục cm, bùn đất lầy lội. Mỗi khi trời mưa, người dân không dám đi qua đoạn đường này còn vào những ngày xe và người đến họp đều dính bê bết bùn đất. Ông Bảo cho biết thêm: Năm 2003, dự án của EU đã tài trợ rải nhựa ở những đoạn dốc nhưng do mưa nhiều và xe tải qua lại đã làm mặt đường bị bong tróc và chỉ còn trơ lại đá.
Xã Vũ Muộn cũng đã huy động bà con đóng góp hơn 21 triệu đồng để chở đá dăm ra đổ và Công ty cổ phần thuốc lá Đồng Tâm cùng với Ủy ban xã bỏ ra hơn 200 triệu đồng để tu sửa tuyến đường, giúp người dân chuyên chở thuốc lá đi bán. Tuy nhiên, sự tu sửa này chỉ mang tính chất tạm thời nên khi trời mưa là tuyến đường lại đâu hoàn đấy, gây nhiều bức xúc cho nhân dân.
Bà Hoàng Thị Mua, thôn Nà Phia, xã Sỹ Bình (huyện Bạch Thông) cho biết: Khổ nhất là các cháu học sinh, trời mưa quần áo lấm bẩn, nhiều trường hợp bị ngã do đường trơn trượt. Người dân cũng đã kiến nghị nhiều lần nhưng các cấp vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Nông sản chúng tôi làm ra không mang bán được, vì vậy rất mong các cấp chính quyền sớm làm lại con đường giúp bà con đi lại, giao thương được thuận tiện hơn.
Theo ông Hoàng Kim Hồng, Chủ tịch Ủy ban xã Cao Sơn (huyện Bạch Thông), do tuyến đường đi lại khó khăn nên nông sản như lúa, ngô, rau màu bà con làm ra không mang ra chợ bán được. Trong khi đó, người dân đa số sống bằng nghề nông nên sản xuất chỉ mang tính tự cung tự cấp. Các nhu yếu phẩm khác mua từ ngoài vào lại đắt đỏ do công vận chuyển khó khăn. "Những gì bà con làm ra thì bán rẻ, còn mua về dùng thì đắt như: một lít xăng bên ngoài bán hơn 24.000 đồng/lít nhưng trong này bán 30.000 đồng/lít; ngô ngoài Phủ Thông bán 6.000 đồng/bắp, trong này 4.000 đồng/bắp; giá dầu, phân bón, vật liệu xây dựng, mắm muối… cũng đắt hơn so với bên ngoài, người dân thiệt đủ điều", ông Hồng nói.
Việc tuyến đường Đèo Giàng đi Cao Sơn xuống cấp nghiêm trọng không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân mà còn khiến các xã như bị “cô lập” với bên ngoài, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Hiện tỷ lệ hộ nghèo ở hai xã Cao Sơn và Vũ Muộn còn hơn 40% nên việc đầu tư nâng cấp tuyến đường này sẽ giúp bà con buôn bán giao thương được dễ dàng, không bị tư thương ép giá, giúp bà con phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo.
Ông Bàn Văn Bảo, Chủ tịch UBND xã Vũ Muộn cũng cho biết: Xã đã kiến nghị nhiều lần và cũng nghe nói có dự án tu sửa lại nhưng đến nay vẫn không thấy động tĩnh gì. Mỗi khi trời mưa, xã lại huy động dân quân, đoàn thanh niên và thậm chí mỗi tuần đều cắt cử cán bộ xã ra để tu sửa những đoạn đường xấu giúp người dân đi lại được dễ dàng hơn nhưng việc này như “muối bỏ bể” vì chỉ được một hôm, hôm sau xe tải chạy qua lại “nghiền nát” con đường. Cái vòng luẩn quẩn đó cứ diễn ra như chính cuộc sống của người dân nơi đây vậy. Ước mong của bà con là có một con đường “đủ phẳng, đủ sạch” để đi./.