Thứ hai, 10/03/2014 09:16 (GMT+7)
Cầu Đắk Nguyên nằm trên đường từ xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức đi xã Quảng Tín, huyện Đăk R’lâp (tỉnh Đắk Nông), là con đường giao thông quan trọng, mật độ phương tiện đi lại nhiều, mỗi ngày có hàng ngàn lượt người qua lại để đi làm rẫy, đi học và vận chuyển nông sản.
Cầu Đắk Nguyên là một cầu bằng gỗ tạm, do người dân trong xã tự đóng góp. Mặc dù là cây cầu nằm trong con đường huyết mạch, với lưu lượng giao thông đi lại nhiều nhưng cây cầu chỉ được làm từ hai thân cây lớn, đóng vài tấm ván lên trên, không hề có rào chắn hai bên. Với cây cầu như vậy, nếu không phải là người biết lái xe thành thạo sẽ có thể lao xuống con suối bất cứ lúc nào. Không chỉ dừng lại ở đó, thời gian qua do ảnh hưởng của lũ quét, cầu gỗ tạm bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng. Việc đi lại trên cây cầu này tiềm ẩn nhiều hiểm họa khó lường. Vì vậy, việc có một chiếc cầu kiên cố bắc qua con suối này luôn là ước mơ của người dân nơi đây.
Theo ông Lê Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Đắk Ngo, đây là xã giáp biên giới có 11 thôn buôn và 2 nông trường, điều kiện kinh tế hết sức khó khăn. Xã có 2.000 hộ, hơn 10.000 khẩu, với 14 dân tộc cùng chung sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%, tỷ lệ hộ nghèo hơn 45%, đời sống người dân ở đây chủ yếu gắn liền với nương rẫy. Vào mùa mưa, người dân thuê xe, máy cày để đi lại, vận chuyển hàng hóa. Nhiều người đã bị lũ cuốn trôi khi qua cầu vào mùa mưa.
Xã nằm cách trung tâm huyện hơn 36km và từ quốc lộ 14 đi vào xã hơn 17km nhưng đường đi chủ yếu là đường đất, đá ghồ ghề. Mùa khô, bụi bay phủ khắp con đường, mùa mưa đi lại hết sức khó khăn. Khi mùa mưa lũ về, xã bị chia cắt bởi chưa có cây cầu kiên cố. Chị Nguyễn Thị Bình chia sẻ: Mặc dù ngoài con đường này cũng còn một con đường đất do Binh đoàn 720 đóng trên địa bàn xã làm nhưng đường xa lắm, mùa mưa hầu như người dân đi không được.
Anh Alăng Bon cho biết: Cứ mỗi lần mưa lũ lớn về trên con suối, chiếc cầu tạm lại trôi, nhiều khi chỉ còn vài tấm ván bám lại trên thành cầu... Do chưa có cây cầu kiên cố, mỗi mùa mưa lũ về người dân hầu như không thể đi đâu được, các nhu yếu phẩm cần thiết lại càng khan hiếm.
Ông Trương Đức Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tuy Đức cho biết, với sự chỉ đạo của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đăk Nông, các cơ quan chức năng của huyện, trong thời gian tới xã sẽ xây một cây cầu kiên cố trước mùa mưa cho nhân dân với chiều dài hơn 12m, gồm 4 dầm bằng thép. Việc xây cầu bằng thép có ý nghĩa rất lớn, giải quyết nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con một cách thuận lợi, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra./.